Giục Ấn Độ hợp tác, Nga kề vai Trung Quốc

Ngoại trưởng Nga thúc giục Ấn Độ tham gia sáng kiến kinh tế của Trung Quốc, New Delhi có còn nghiêng về Mỹ?

Ngày 11/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nói thẳng thắn quan điểm của ông đối với Ấn Độ - quốc gia duy nhất không tham dự hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5 năm nay do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì.

Theo đó, ông Lavrov cho rằng, Ấn Độ không nên để vấn đề chính trị ngăn trở nước này tham gia dự án đầu tư đến hàng tỉ USD và hưởng lợi từ dự án này.

Bộ ba Nga- Trung - Ấn có thực sự mang tới niềm tin vào "Vành đai-Con đường"?

Ông Lavrov nói Nga, tất cả các nước Trung Á, và Châu Âu đã tham gia dự án của Trung Quốc để đẩy mạnh hợp tác kinh tế.

"Đó là thực tế. Tôi tin chắc 100% rằng Ấn Độ có đủ các nhà ngoại giao và chính khách thông minh để tìm ra con đường hưởng lợi từ việc tham gia dự án Một vành đai, Một con đường, mà không để nó bị tác động bởi các vấn đề chính trị" - Ngoại trưởng Lavrov khẳng định.

Ông Lavrov cho biết thêm, Nga, tất cả các quốc gia ở Trung Á và các nước châu Âu đã ký kết vào sáng kiến của Trung Quốc nhằm tăng cường hợp tác kinh tế.

Lời nhắn nhủ của Ngoại trưởng Nga đối với Ấn Độ dường như là một mũi tên trúng hai đích.

Trước hết, Nga đang thôi thúc Ấn Độ thực hiện các chương trình lịch sử của mình. Bộ ba châu Á Nga - Ấn Độ - Trung Quốc từng được xây lên nhằm áp chế sức mạnh của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, sự khác biệt đáng kể giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chủ yếu là do tranh chấp biên giới lâu đời, đã làm giảm triển vọng hợp tác thực sự giữa ba nước.

Ấn Độ đã có những bước đi hướng về phía Mỹ trong những năm gần đây: mua vũ khí trị giá hàng tỷ USD thay thế những vũ khí có nguồn gốc từ Liên Xô.

Hiện nay, Ấn Độ đã có giao dịch với Mỹ nhiều hơn Nga và xuất khẩu từ Ấn Độ sang Mỹ gấp 4 lần so với sang Trung Quốc.

Chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt rõ ràng với áp lực từ phía 2 cường quốc láng giềng là Nga và Trung Quốc và một cường quốc nhỏ hơn là Pakistan.

Nga đã ngỏ lời mời Ấn Độ tham dự vào sáng kiến của Trung Quốc "Một vành đai, Một con đường" trong cuộc họp 3 bên giữa 3 ngoại trưởng.

Sự ngập ngừng thể hiện rõ bởi Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj khi không đề cập tới sáng kiến hợp tác kinh tế của Trung Quốc trong tuyên bố chung sau cuộc gặp 3 bên.

Trong khi Ấn Độ phản ứng không mặn mà về dự án, Nhật Bản lại liên tiếp thể hiện thái độ ủng hộ sáng kiến này.

Thủ tướng Nhật ủng hộ sáng kiến "Vành đai, Con đường" nhưng sẽ kèm theo rất nhiều điều kiện.

Mới đây, các nhà doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc và Nhật Bản tham dự “Hội nghị cấp cao CEO Trung - Nhật” tại Tokyo. Thủ tướng Shinzo Abe đã xuất hiện tại hội nghị và phát biểu, trong đó bất ngờ ca ngợi sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc, đồng thời bày tỏ hai bên Trung - Nhật có thể “dồn sức hợp tác”.

Nội dung cơ bản trong bài phát biểu của ông Shinzo Abe là hợp tác Trung - Nhật sẽ không chỉ đóng góp cho sự phát triển của hai nước Trung - Nhật mà còn là sự đóng góp cho sự phồn vinh của nhân dân châu Á, cũng là sự đóng góp thiết thực cho cộng đồng quốc tế.

Hồi tháng 6 vừa qua, trong bài phát biểu tại một hội nghị quốc tế, ông Abe từng bày tỏ sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" là ý tưởng có tiềm năng kết nối phía Tây Thái Bình Dương với phía Đông Thái Bình Dương, cũng như các khu vực đa dạng trong đó với nhau.

Phản ứng ủng hộ nhiệt tình của Thủ tướng Shinzo Abe thực sự đã gây ra một dấu hỏi lớn đối với giới quan sát quốc tế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đây thực chất chỉ là đòn "tung hỏa mù" của Tokyo và Thủ tướng Shinzo Abe.

Nếu ủng hộ sáng kiến này, chắc chắn Thủ tướng Nhật sẽ gài thêm vào đây nhiều điều kiện.

Giới phân tích Trung Quốc đánh giá nội dung ông Abe muốn nhấn mạnh là tự do, mở cửa của khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương chứ không phải là “hợp tác” với "Một vành đai, Một con đường" .

Sáng kiến này đang gặp nhiều trở ngại khi mà những đối tác của Trung Quốc tham gia sáng kiến như Pakistan, Nepal lẫn Myanmar có dấu hiệu rút khỏi các dự án.

Nhiều quốc gia hủy dự án với Trung Quốc trong sáng kiến "Vành đai, Con đường"

Chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, 3 nước này đã xác nhận hủy bỏ hoặc đứng bên lề đối với 3 dự án nhà máy thủy điện lớn do các công ty Trung Quốc đề xuất. Việc từ bỏ 3 dự án với tổng trị giá gần 20 tỷ USD này được coi là một đòn đánh đau đớn của Bắc Kinh.

Bất chấp các lo ngại về tính chất chính trị, quan hệ song phương, sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" của Trung Quốc còn mang tới nỗi lo về hiệu quả kinh tế thực sự khiến các đối tác phải dè chừng.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/giuc-an-do-hop-tac-nga-ke-vai-trung-quoc-3348910/