Giúp con vượt qua cú 'sốc' khi mất chức… lớp trưởng

Để con vượt qua được cú 'sốc' khi bỗng nhiên mất chức lớp trưởng là điều không dễ. Cha mẹ hãy là người lắng nghe cảm xúc của con, chia sẻ thấu hiểu và giúp con vượt qua những cú sốc này.

Là học sinh, hầu hết trẻ đều rất vinh dự khi được bầu làm cán bộ lớp, nhất là chức vụ lớp trưởng thì thật là “oai vệ”, bởi con được nắm “quyền” cao thứ nhì lớp (chỉ sau giáo viên).

Chuyện con đang làm cán bộ lớp, cụ thể là lớp trưởng, nhưng rồi lại bị bạn khác lên thay thế là chuyện bình thường dưới một mái trường. Tuy nhiên, điều này lại khiến nhiều trẻ bị sốc và buồn bã khi bỗng nhiên đang “nắm quyền” trong lớp, được quát mắng và điều khiển các bạn, giờ lại trở về vị trí bình thường như bao bạn khác.

Và tất nhiên, lại chịu sự quản thúc của một bạn khác khi thay thế mình lên làm lớp trưởng là điều mà bé khó chấp nhận được.

Hãy xem cách xử lý của một số phụ huynh khi con rơi vào tình huống này nhé!

Hãy để các bạn khác có cơ hội bình đẳng với con

Thế nhưng con bạn vẫn tỏ ra buồn bã: Đó không phải là sự oai vệ, ra vẻ hay bắt nạt bạn bè mà ở việc con làm được gì tốt, hữu ích cho tập thể lớp, cho các bạn, cho cô giáo.

Bố, mẹ cần để con thấy, làm lớp trưởng vừa là một vinh dự nhưng cũng là một trách nhiệm. Và đây là trách nhiệm cần được chia sẻ cùng với các bạn trong lớp. Con có cơ hội làm thì các bạn khác cũng cần có cơ hội bình đẳng với con. Các con cần nỗ lực phấn đấu để thi đua, ai xứng đáng với trách nhiệm lớp trưởng thì sẽ được bầu!

Con sẽ già hơn trước tuổi

Gặp tình huống con sốc và buồn bã khi mất chức lớp trưởng, cha mẹ hãy phân tích cho con bạn hiểu việc trao quyền lực cho trẻ ở lứa tuổi nhỏ quá sẽ không tốt cho sự phát triển tâm lý của trẻ em. Nói cho con biết hành động chỉ thích lãnh đạo, quát tháo, phán xét, sai bảo bạn cùng tuổi sẽ khiến con già trước tuổi và mất đi sự hồn nhiên vốn có của trẻ em.

Nên để các bạn khác có cơ hội thể hiện mình

Nói cho con biết là việc thay các cán bộ lớp, cụ thể là chức lớp trưởng là các thầy, cô giáo cũng có sự công bằng, năm ngoái con làm lớp trưởng rồi, năm nay nên nhường cho bạn khác cơ hội được làm cán bộ lớp. Không nên cứ bó buộc chức danh nào đó cho một học sinh trong nhiều năm, còn những bạn khác lại không có cơ hội thể hiện mình.

Cố gắng học tập tốt để các bạn nể phục

Làm lớp trưởng kể ra cũng có vất vả thật, nhưng nó luyện cho con khả năng nói trước đám đông, khả năng giải quyết các tình huống, khả năng ngoại giao, quản lý... và có thể quen được nhiều thầy cô hơn, đó thực sự là một lợi thế rất lớn đấy, để được người khác bầu làm lớp trưởng là một chuyện rất dễ, nhưng để mọi người thấy được năng lực của mình là một chuyện rất khó đấy con, nếu vì chuyện nhỏ ý mà con nản thì làm sao mà nói các bạn được... cố gắng học thật tốt sẽ khiến các bạn nể phục, nói gì các bạn cũng nghe chứ không nhất thiết phải là lớp trưởng.

Lắng nghe cảm xúc của con

Bố, mẹ cần lắng nghe cảm xúc của con, chia sẻ thấu hiểu và giúp con vượt qua những cú sốc như vậy. Phân tích cho con: Vị trí này nên thay đổi hàng năm giữa các bạn trong lớp, thậm chí bầu lại lớp trưởng theo tháng. Mục đích của việc này giúp nhiều bạn trong lớp được cùng tham gia thực hành những công việc quản lý lớp học, rèn kỹ năng tự tin trước đám đông, được đóng góp công sức cho tập thể lớp, vì vậy, con không nên vì việc này mà buồn chán, ảnh hưởng đến việc học tập của mình.

Bé mới ở bậc tiểu học, chắc chắn tâm lý nặng nề này sẽ nhanh trôi qua và bé sẽ lại vui vẻ đi học lại bình thường thôi.

Trao đổi với giáo viên về sự việc

Việc con bị thôi chức lớp trưởng chắc chắn phải có lý do, và thay vì im lặng, mình sẽ tìm gặp để trao đổi với giáo viên của con về việc học hành của con và trao đổi thêm về sự việc con thôi làm cán bộ lớp.

Việc trao đổi nội dung sự việc với giáo viên ở lớp của con là điều vô cùng quan trọng, sẽ giúp mình biết được tình hình học tập của con ở trường. Mặt khác, mình cũng biết được lý do con thôi chức lớp trưởng là vì sao, để từ đó mình sẽ dễ dàng hơn trong việc giúp con điều chỉnh lại tâm sinh lý vào thời điểm này.

Theo Emdep.vn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/giup-con-vuot-qua-cu-soc-khi-mat-chuc-lop-truong-3946670-l.html