Giúp công nhân hiểu sâu, nhớ lâu

Bên cạnh tư vấn trực tiếp, nhiều Công đoàn cấp trên cơ sở còn tận dụng mạng xã hội để phổ biến kiến thức pháp luật đến công nhân

Số đông người lao động (NLĐ) đều sử dụng điện thoại thông minh, do vậy các cấp Công đoàn cần tận dụng ưu thế của mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, Zalo, Viber để đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, từ đó giúp họ hiểu và hành xử đúng luật. Đó là kinh nghiệm được các đại biểu chia sẻ tại hội nghị chuyên đề công tác tư vấn pháp luật (TVPL) năm 2021 do LĐLĐ TP HCM vừa tổ chức.

Tăng tương tác

Một trong những đơn vị điển hình trong công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật là Công đoàn các KCX-KCN TP với việc thành lập tổ TVPL ở 5 văn phòng đại diện. Mỗi văn phòng bố trí một cán bộ Công đoàn phụ trách công tác tư vấn để giải đáp nhanh mọi thắc mắc của NLĐ.

Mô hình này được đông đảo công nhân đang làm việc tại các KCX-KCN ủng hộ, bởi họ có thể ghé văn phòng bất cứ lúc nào khi có nhu cầu tư vấn. Trung bình hằng tháng, mỗi tổ TVPL nhận được 50 cuộc điện thoại trực tiếp hoặc email thắc mắc về thỏa ước lao động tập thể, chế độ lương, thưởng, phép năm, hợp đồng lao động, BHXH, BHYT. Mọi thắc mắc của NLĐ đều được đội ngũ cán bộ Công đoàn chuyên trách tư vấn, giải đáp cặn kẽ.

Công đoàn KCX-KCN TP HCM tư vấn pháp luật cho công nhân

Công đoàn KCX-KCN TP HCM tư vấn pháp luật cho công nhân

Bên cạnh đó, Công đoàn các KCX-KCN TP còn tạo nhóm (group) Zalo tập hợp chủ tịch Công đoàn các doanh nghiệp (DN) và cán bộ Công đoàn chuyên trách. Mọi thắc mắc của cán bộ Công đoàn cơ sở liên quan trực tiếp đến quyền lợi NLĐ đều được giải đáp nhanh chóng trên group, giúp họ tự tin hơn khi thực hiện vai trò đại diện. "Đây là giải pháp hữu hiệu để chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các Công đoàn cơ sở. Có thêm kiến thức, kinh nghiệm sẽ giúp đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở có thể giải quyết các gút mắc trong quan hệ lao động tại DN, từ đó hài hòa lợi ích giữa các bên" - ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TP, cho biết thêm.

Là địa bàn có đông lao động nhập cư nên công tác TVPL luôn được LĐLĐ TP Thủ Đức đặc biệt quan tâm. Bên cạnh các chương trình tư vấn thường xuyên tại các nhà văn hóa lao động TP, LĐLĐ TP Thủ Đức còn tổ chức tư vấn theo "đơn đặt hàng" của DN và Công đoàn cơ sở. Chỉ cần DN bố trí địa điểm và thời gian, LĐLĐ TP Thủ Đức sẽ cử cán bộ đến tuyên truyền. "Cách làm này không chỉ giúp LĐLĐ quận hiểu rõ hơn tâm tư, nguyện vọng của NLĐ mà còn có được cái nhìn bao quát về tình hình quan hệ lao động tại DN, từ đó điều chỉnh hoạt động phù hợp" - ông Nguyễn Đình Cường, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, chia sẻ. Định kỳ hằng tháng, LĐLĐ TP Thủ Đức còn đưa các tổ TVPL lưu động về nhà trọ để phổ cập kiến thức pháp luật cho lao động ngoại tỉnh.

Lắng nghe và chia sẻ

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Bình Chánh, TP HCM - bên cạnh việc nắm vững kiến thức pháp luật, cán bộ tư vấn phải ân cần, lắng nghe và chia sẻ. Cán bộ làm công tác tư vấn phải hiểu được tâm trạng, đặc biệt là bức xúc của đoàn viên, từ đó mới có thể giải đáp chính xác, đáp ứng yêu cầu của người cần được tư vấn.

Đơn cử trường hợp DN ngưng hoạt động, nợ lương, chủ bỏ trốn..., ông Bảo cho biết khi tổ công tác đến nắm tình hình vụ việc, do lo ngại mất trắng quyền lợi nên NLĐ rất bức xúc, nhiều người thậm chí không giữ được bình tĩnh. Tình thế này đòi hỏi cán bộ Công đoàn phải mềm mỏng thì mới có thể "hạ nhiệt" những cái đầu nóng. Để bảo đảm tình hình an ninh trật tự địa phương, cán bộ Công đoàn huyện chọn cách mời NLĐ về trụ sở LĐLĐ huyện để hòa giải. "Khi được lắng nghe và chia sẻ, số đông công nhân rất phấn khởi, bày tỏ tin tưởng vào hướng giải quyết của tổ chức Công đoàn" - ông Bảo cho hay.

Là địa bàn được đánh giá là "điểm nóng" về tình hình tranh chấp lao động nên LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM đặc biệt coi trọng công tác TVPL. Không chỉ tư vấn trực tiếp, cán bộ TVPL LĐLĐ quận còn sát cánh cùng NLĐ tại tòa để bảo vệ quyền lợi cho họ. Điển hình là vụ tranh chấp lao động tại Công ty TNHH Sunlight xảy ra vào tháng 3-2018. Tranh chấp khởi phát khi chủ DN người Hàn Quốc nhiều ngày liền không có mặt tại công ty để giải quyết tiền lương cho NLĐ và có dấu hiệu bỏ trốn. Thời điểm đó, công ty đang nợ lương tháng 2-2018 và 26 ngày công của tháng 3-2018 của 36 lao động với số tiền gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn nợ tiền đóng BHXH (từ tháng 6-2012 đến tháng 3-2018) với số tiền hơn 2,4 tỉ đồng.

Sau nhiều lần hòa giải không thành, LĐLĐ quận quyết định hỗ trợ NLĐ khởi kiện công ty ra tòa. LĐLĐ quận cử 2 cán bộ Công đoàn chuyên trách phối hợp Trung tâm TVPL tiếp xúc, hướng dẫn NLĐ viết đơn và thực hiện các thủ tục ủy quyền để khởi kiện DN. Tổng cộng có 28 đơn khởi kiện của NLĐ được Tòa án Nhân dân quận Bình Tân thụ lý. Mất hơn 6 tháng đeo bám vụ việc, LĐLĐ quận đã giành thắng lợi khi Tòa án Nhân dân quận tuyên buộc Công ty TNHH Sunlight trả lương, truy đóng BHXH cho NLĐ với tổng số tiền hơn 990 triệu đồng.

"Sau khi có bản án của Tòa án Nhân dân quận, LĐLĐ quận tiếp tục hướng dẫn NLĐ làm đơn gửi Chi cục Thi hành dân sự quận yêu cầu thi hành án theo quy định. Đến nay, Chi cục Thi hành án dân sự quận đã tiến hành các thủ tục bán đấu giá tài sản được 243 triệu đồng" - ông Mai Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, cho biết.

Ông PHẠM CHÍ TÂM, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM:

Mỗi cán bộ Công đoàn là một tư vấn viên

Tuyên truyền, TVPL là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn, của mỗi cán bộ Công đoàn. Trình độ hiểu biết pháp luật của NLĐ khác nhau nên cán bộ Công đoàn phải có cách tư vấn khác nhau cho phù hợp điều kiện thực tế. Muốn làm tốt công tác TVPL, cán bộ Công đoàn phải có kiến thức, kỹ năng, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm với nội dung tư vấn. Sắp tới, LĐLĐ TP sẽ xây dựng mỗi khu lưu trú, khu nhà trọ là một điểm TVPL để giải quyết bức xúc của NLĐ nhanh nhất có thể.

Bài và ảnh: NGÂN HÀ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/giup-cong-nhan-hieu-sau-nho-lau-20210503200301155.htm