Giúp công nhân không mất việc: Mối ưu tiên hàng đầu!

Việc sa thải người lao động dễ hơn việc cố gắng xoay xở để hỗ trợ họ nhưng sức mạnh của doanh nghiệp có phần của công nhân, doanh ngiệp xoay sở để họ không mất việc trong giai đoạn khó khăn

Khác với những năm trước, thay vì ồ ạt tuyển dụng thêm lao động để hoàn thành các đơn hàng cuối năm, năm nay hàng loạt công ty đành cho công nhân nghỉ việc, giảm giờ làm. Nhiều công nhân mất việc đành khăn gói về quê khi cái tết đã cận kề…

Thống kê mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy đã có hơn 472.000 người lao động (NLĐ) đang chịu ảnh hưởng trực tiếp suy giảm việc làm, mất việc. Đáng lo ngại, có hơn 41.000 NLĐ mất việc và 430.000 người bị giảm giờ làm hằng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng.

Nhiều doanh nghiệp chia sẻ họ không muốn sa thải NLĐ vì sau này muốn tuyển lại, đào tạo lại rất khó. Nhưng trong bối cảnh thiếu đơn hàng, nguồn vốn cạn kiệt, không thể huy động vốn... họ đành phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Nói cách khác, đây là bài toán kinh tế mà các doanh nghiệp phải tính toán để tồn tại trong lúc khó khăn chồng chất.

Tuy vậy, nhiều ông chủ doanh nghiệp cũng chia sẻ rằng việc sa thải NLĐ để tiết kiệm chi phí là lựa chọn dễ hơn việc cố gắng xoay xở để hỗ trợ NLĐ trong lúc hai bên đang gặp khó khăn. Hơn nữa, nhà kinh doanh hoạt động không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm với những người đã góp phần xây dựng, làm nên sức mạnh, uy tín của doanh nghiệp trên thương trường.

Vì vậy, thay vì sa thải NLĐ, họ chia sẻ với công nhân để vượt qua thách thức như cho nghỉ luân phiên để không ai mất việc, chia đều các ca để mọi người đều được tăng ca, chờ thị trường hồi phục. Thậm chí lãnh đạo nhiều công ty cho biết dù khó khăn bộn bề nhưng vẫn thưởng tết để động viên NLĐ sau một năm cống hiến cho nơi mình làm việc.

Giới phân tích kinh tế dự báo tình hình kinh tế, thị trường lao động sẽ còn gặp thách thức trong thời gian tới. Bởi vậy, ngoài nỗ lực tự thân của nhà kinh doanh thì rất cần sự chung tay, đồng lòng của NLĐ và sự hỗ trợ thiết thực từ phía Nhà nước.

Ví dụ, các tổ chức công đoàn, đơn vị dịch vụ giới thiệu việc làm nỗ lực kết nối, tìm việc làm mới cho người mất việc. Các cơ quan nhà nước triển khai ngay các giải pháp cụ thể về an sinh xã hội, thuế, phí, room tín dụng… để hỗ trợ NLĐ bị giảm thời gian làm việc, không có việc làm.

Hỗ trợ trực tiếp cho NLĐ và doanh nghiệp để họ giữ được công ăn việc làm trong giai đoạn khó khăn hiện nay cần được xem là mối ưu tiên hàng đầu. Có như vậy, những con người phải tha hương mới không mất việc khi cái tết đã cận kề. Xa hơn, khi có được đơn hàng trở lại, doanh nghiệp sẽ không đối diện với tình trạng khát lao động, khiến các dây chuyền sản xuất thiếu người vận hành và nền kinh tế mới có cơ hội tăng trưởng.

PHONG ĐIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/giup-cong-nhan-khong-mat-viec-moi-uu-tien-hang-dau!-post710896.html