Giúp dân thoát nghèo ở nơi 'gió như phang, nắng như rang'

Ở một nơi mà điều kiện thời tiết khắc nghiệt, được ví 'gió như phang, nắng như rang' như huyện Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận), việc giúp dân thoát nghèo là cả thách thức lớn. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế hợp tác và chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị đang từng bước giúp vùng đất này vươn lên thoát nghèo bền vững.

Điển hình như xã An Hải có HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú được huyện Ninh Phước chọn thực hiện thí điểm mô hình HTX giúp các hộ nghèo và cận nghèo kinh nghiệm, kiến thức làm ăn vươn lên thoát nghèo.

Thoát nghèo nhờ HTX trồng măng tây xanh

Thành lập từ cách đây 7 năm, các thành viên HTX này xác định nhiệm vụ hàng đầu là tập trung đầu tư sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm đưa cây măng tây xanh phát triển theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Nhất là hướng tới mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích 45 ha măng tây xanh với sản lượng đạt 70- 75 tấn, đạt doanh thu và lợi nhuận tốt.

Trồng măng tây ở HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Túgiúp nông dân địa phương thoát nghèo.

Cách đây 3 năm, từ chỗ diện tích canh tác chỉ vỏn vẻ 5 ha của 25 hộ thành viên, HTX đã mở rộng diện tích canh tác lên 35 ha măng tây xanh với 62 hộ thành viên.

Thông qua sự hỗ trợ của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Ninh Phước khi giúp 11 hộ nghèo ở địa phương mua giống trồng măng tây xanh, HTX Tuấn Tú đã chỉ dẫn cho họ kỹ thuật canh tác hiệu quả và ổn định đầu ra.

Ông Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuấn Tú, cho biết HTX tập trung thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả, vận động thành viên chuyển sang trồng măng tây xanh, chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Ngoài ra, HTX đứng ra ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, nên tạo được niềm tin cho thành viên. Nhờ đó, mỗi năm thành viên HTX thu về lợi nhuận từ 200-300 triệu đồng.

Nhờ đó, từ cuối năm 2020, các hộ thành viên thuộc diện nghèo trong HTX như Não Châu Từ Xim, Báo Thị Úc, Từ Công Trăng, La Thị Hoa, Kiều Thị Số... đã có cuộc sống no ấm vươn lên thoát nghèo bền vững từ nguồn lợi của cây măng tây xanh. Đơn cử, hộ La Thị Hoa trồng 3 sào măng tây xanh thu hoạch 3 tấn, thu nhập 122 triệu đồng; hộ Não Châu Từ Xim trồng 2 sào thu hoạch 2,1 tấn, thu nhập 96 triệu đồng...

Bên cạnh HTX nêu trên, thời gian qua huyện Ninh Phước chú trọng phát triển kinh tế hợp tác và bước đầu hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khai thác thế mạnh của một số loại cây trồng chủ lực như: Lúa, bắp, nho, măng tây xanh… Nhờ đó, giúp nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên HTX và từng bước giúp vùng đất được ví là “gió như phang, nắng như rang” vươn lên thoát nghèo bền vững.

Giúp đồng bào Chăm ấm no

Nhiều HTX ở Ninh Phước đã áp dụng các mô hình tiên tiến, hỗ trợ và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên; hình thành được mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt là làm cầu nối chuyển giao khoa học- kỹ thuật vào sản xuất như: Mô hình “1 phải, 5 giảm”, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa, bắp, măng tây xanh; mô hình tưới nước tiết kiệm, sản xuất rau an toàn, sản xuất nho, táo theo tiêu chuẩn VietGAP... thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở địa phương.

Việc hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khai thác thế mạnh của một số loại cây trồng chủ lực được giúp Ninh Phước thoát nghèo bền vững.

Việc hình thành một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, khai thác thế mạnh của một số loại cây trồng chủ lực được giúp Ninh Phước thoát nghèo bền vững.

Đơn cử như HTX Nông nghiệp Phước An (xã Phước Vinh), HTX Nông nghiệp Phước Thiện và Ninh Quý (xã Phước Sơn) hằng năm liên kết cùng doanh nghiệp để sản xuất bắp giống với diện tích 800 ha. Thông qua ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, các HTX không phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm, bởi toàn bộ bắp giống sản xuất ra được các công ty bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường.

Với việc phát triển hiệu quả kinh tế hợp tác và chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị như vậy đang được kỳ vọng sẽ từng bước giúp Ninh Phước vươn lên thoát nghèo bền vững. Toàn huyện hiện có 2.188 hộ nghèo, chiếm 5,51%; 3.503 hộ cận nghèo, chiếm 8,82% số hộ. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho các hộ nghèo ở địa phương là rất cần thiết trong thời gian tới

Tính đến cuối năm 2022 đã có 12.132 hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Ninh Phước được vay 210 tỷ đồng đầu tư mua cây giống, vật tư, cải tạo đất đai, thâm canh vườn nho và chế biến các sản phẩm từ nho như rượu nho, bánh kẹo nho,… Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo nhờ sử dụng vốn vay ưu đãi đã phát triển trồng cây nho, chăm sóc vườn nho xanh tốt, mỗi vụ thu nhập tới 200 đến 300 triệu đồng, vươn lên làm giàu chính đáng.

Huyện Ninh Phước hiện có khoảng 11 nghìn hộ đồng bào Chăm (với hơn 53 nghìn nhân khẩu sinh sống tập trung ở 22 thôn, khu phố thuộc 7 xã, thị trấn), chiếm trên 60% dân số đồng bào Chăm toàn tỉnh Ninh Thuận. Các xã vùng đồng bào Chăm huyện Ninh Phước đã tổ chức thực hiện nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao như mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đạt năng suất trên 7 tấn/ha/vụ, tăng thêm lợi nhuận 3,7 triệu đồng/ha.

Điển hình như mô hình sản xuất lúa giống tại các xã Phước Hậu, Phước Thái với diện tích 190 ha, tăng thêm lợi nhuận 5,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa thương phẩm. Sản xuất gạo sạch tại thôn Hữu Đức (xã Phước Hữu) với diện tích 40 ha, lợi nhuận tăng thêm 7,2 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa đại trà.

Nhờ vậy, Ninh Phước đã trở thành điểm sáng về thực hiện chính sách đặc thù vùng dân tộc. Tin rằng với hướng đi đúng trong phát triển kinh tế hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả sẽ giúp vùng đất này tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ rệt về giảm nghèo trong thời gian tới.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/giup-dan-thoat-ngheo-o-noi-gio-nhu-phang-nang-nhu-rang-1091298.html