Giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn tín dụng

Dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mới chiếm 19% tín dụng nền kinh tế, trong khi khối DN này chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế. Vậy làm sao để có thể giúp nhóm DN này tiếp cận được vốn tín dụng để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh?

Doanh nghiệp xin nới thủ tục vay vốn ngân hàng

Tại Việt Nam, DNNVV chiếm 90% số DN, nhưng lại có năng lực tài chính yếu. Nhiều DN phải đối mặt với các khó khăn lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, các DNNVV tiếp chính thống các nguồn tài chính qua hệ thống NH và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm khoảng 25%, còn đến 75% vẫn phải đi huy động bạn bè, vay mượn phi chính thống. Trong các nguồn tài chính chính thống của DNNVV, 90% tiếp cận từ ngân hàng, 10% từ các nguồn khác như cho thuê, thanh toán.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vay vì thiếu tài sản bảo đảm.

"Qua theo dõi, ngành NH khẳng định là có vốn nhưng DNNVV rất khó tiếp cận, nguyên nhân của cả 2 phía. DNNVV năng lực hạn chế, kĩ năng quản lý dòng tiền thậm chí có những DN vay ngắn hạn, đầu tư vào dài hạn thậm chí còn không phân biệt hoặc nhìn vào bảng báo cáo tài chính cũng không hiểu được, vì thế chủ DN rất lệ thuộc vào cán bộ tài chính, nếu không có cán bộ tin cậy thì có thể mất cân đối tài chính trong 1 khoảng thời gian không kiểm soát được, hay không minh bạch chứng từ, uy tín thấp nên quan hệ với ngân hàng cũng thấp.

Thậm chí nhiều NH rất ngại cho vay trong khu vực DNNVV vì chi phí tài chính, quản lý rất mất công, mất chi phí quản lý trong khi cho các DN lớn thì món vay ra tấm ra món và uy tín lớn hơn", bà Bùi Thu Thủy - Phó Cục trưởng Cục phát triển DN - Bộ Kế hoạch đầu tư thông tin.

Về phía DN, ông Hoàng Minh Nhật - Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật xuất khẩu gạo cho rằng vấn đề mấu chốt ở đây là ngân hàng cũng là DN, do đó khi đầu tư cho 1 DN vay thì phải tính đến khả năng thu hồi vốn. "Ngành hàng lúa gạo nông sản, các sản phẩm nông sản Đồng bằng sông Cửu Long thường có tính chất thời vụ. Do đó, khi DN có nhu cầu thời vụ thì lại gặp khó khăn. Do đó, tôi nêu lên cái này để NHNN xem làm sao để tháo gỡ điểm thắt này", ông Nhật kiến nghị.

Cũng nêu ví dụ cụ thể, ông Nguyễn Kim Hùng, Viện Khoa học quản trị DN và kinh tế số Việt Nam cho biết có những dự án, DN bắt buộc phải có 50% vốn đối ứng, còn lại mới được vay vốn tín dụng, điều này là rất khó với nhiều DNNVV, vì thế, đây là vấn đề cần cải thiện. Trong khi đó, khái quát các khó khăn mà DNNVV đang gặp phải khi vay vốn ngân hàng, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đề xuất NHNN nghiên cứu đề nghị Chính phủ cho các điều kiện cho phép NHNN cho các điều kiện cho vay đối với DNNVV thấp hơn.

Tập trung thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ

Trước những ý kiến đề xuất này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng, nên các khoản cho vay vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng.

Trong khi đó, DNNVV có quy mô vốn, vốn chủ sở hữu; năng lực tài chính, trình độ quản trị còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác; thiếu tài sản bảo đảm; không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định, nên ảnh hưởng tới việc xem xét cấp tín dụng của ngân hàng. DNNVV còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của DN thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường.

Đa phần các DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn. Ngoài ra, vấn đề nổi lên là vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của DN.

"Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, DN.

Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương…", ông Tú nói và đề nghị các tổ chức tín dụng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Phó Thống đốc khẳng định, ngành ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN, tuy nhiên chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và các DN.

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/giup-doanh-nghiep-nho-va-vua-tiep-can-von-tin-dung-i687099/