Giúp đồng bào Rục chủ động trồng cây lúa nước

Sau gần 10 năm, cây lúa nước đã 'bám rễ' trên cánh đồng Rục Làn, từng bước giúp đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình chủ động được cơ bản lương thực. Thế nhưng đến nay, phần lớn công việc trên cánh đồng vẫn do những người lính Biên phòng đảm nhiệm. Làm sao giúp đồng bào Rục biết trồng cây lúa nước hiệu quả đang là nỗi trăn trở của những người lính mang quân hàm màu xanh.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng thường xuyên bám ruộng đồng hướng dẫn đồng bào Rục chăm sóc lúa nước. Ảnh: Viết Lam

Những ngày giữa tháng 8-2018, trên cánh đồng Rục Làn rộng lớn khoảng 10ha chạy dài theo thung lũng biên giới được phủ một màu xanh mướt. Ở khu vực đất cao hơn, cây ngô đang vào thời điểm trổ cờ, đơm bông, từ đây nhìn xuống ở diện tích thấp hơn cây lúa nước cũng đang vào thì con gái. Trên cánh đồng luôn xuất hiện bóng dáng của những người lính Biên phòng đang chỉ dẫn cho đồng bào Rục chăm sóc lúa hoặc điều tiết nước cho cả cánh đồng. “Đã nhiều năm nay, trên cánh đồng Rục Làn được trồng đều đặn hai vụ lúa, thế nhưng, vụ hè thu năm nay do thiếu nước nên gần một nửa diện tích buộc phải chuyển sang trồng ngô”- Đại úy Bùi Văn Hải, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng chia sẻ.

Cây lúa nước xuất hiện ở vùng đất biên giới này từ năm 2007, khi ông Nguyễn Trung Trực, một người lính Biên phòng xuất ngũ thuộc đồng bào Rục (trú tại bản Yên Hợp) khai hoang trồng thử nghiệm trên một diện tích nhỏ. Thấy được khát khao muốn vươn lên chủ động về lương thực của người dân, chỉ huy Đồn Biên phòng Cà Xèng đã cử cán bộ, chiến sĩ giúp gia đình ông Trực khai hoang, trồng thử nghiệm cây lúa nước trên diện tích khoảng 700m2, tiến tới nhân rộng ở diện tích lớn. Sau nhiều lần thất bại, cây lúa nước đã đơm bông, cho hạt ở vùng đất khó.

Từ những kết quả trồng thử nghiệm, kế hoạch giúp đồng bào Rục mở rộng diện tích trồng cây lúa nước ở Thượng Hóa đã được Ðảng ủy BÐBP Quảng Bình đưa ra bàn luận đi đến thống nhất cao. Tháng 10-2009, công cuộc khai hoang cánh đồng Rục Làn được bắt đầu và phải trải qua gần 8 tháng trời ròng rã, với hơn 2.500 ngày công của cán bộ, chiến sĩ và 3.000 ngày công của nhân dân trên địa bàn, cùng máy móc hiện đại, 10ha đất dốc dọc theo thung lũng Rục Làn đã được san bằng phẳng, chia thành các thửa ruộng khác nhau. Công trình thủy lợi trị giá 4,5 tỷ đồng cũng được đầu tư để dẫn nước từ suối Rục Làn về cung cấp cho toàn bộ cánh đồng.

Sau những ngày khai hoang, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng tiếp tục thực hiện "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng trao đổi kinh nghiệm sản xuất) với nhân dân để trồng vụ lúa nước đầu tiên. Dưới bàn tay của những “kỹ sư nông nghiệp” nhà binh, đến những ngày đầu tháng 7-2011, cả cánh đồng Rục Làn tràn ngập một màu vàng rực của lúa chín. Lần đầu tiên sau bao nhiêu năm rời rừng xanh tái hòa nhập cộng đồng, người Rục chủ động được cơ bản lương thực.

Với mong muốn giúp người dân làm quen, dần tiến tới làm chủ phương thức sản xuất mới, trong quá trình khai hoang, trồng lúa nước, BĐBP Quảng Bình luôn chú trọng công tác vận động các gia đình đồng bào Rục cùng tham gia. Đặc biệt, sau những vụ lúa đầu tiên, việc trồng cây lúa nước dần đi vào ổn định, chỉ huy Ðồn Biên phòng Cà Xèng đã chia bà con thành các tổ sản xuất khác nhau. Mỗi tổ canh tác trên diện tích khoảng 1ha lúa, có cán bộ Biên phòng làm Tổ trưởng với nhiệm vụ bám sát nhân dân phổ biến kỹ thuật trồng lúa nước và trực tiếp sản xuất. Cuối mùa thu hoạch, các gia đình được chia lúa dựa trên cơ sở ngày công lao động tham gia.

“Do khí hậu ở đây khắc nghiệt, việc sản xuất lúa nước gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Trong khi đó, trình độ của đồng bào Rục còn nhiều hạn chế, chưa thể đảm nhận hết mọi công việc, chỉ cần chúng tôi buông tay, bà con sẽ bỏ đất hoang hóa trở lại. Làm sao để đồng bào Rục làm chủ được toàn bộ diện tích lúa nước vẫn là trăn trở lớn của chúng tôi” – Đại úy Bùi Văn Hải nhấn mạnh.

Sau nhiều năm, đến nay, toàn bộ diện tích 10ha đất trồng lúa đã được chia đều cho 63 hộ dân đồng bào Rục ở hai bản Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ canh tác. Trên cơ sở sản xuất mỗi năm 2 vụ lúa nước, với sản lượng 3,5 - 4 tạ/sào, các gia đình đủ lương thực để ăn quanh năm.

Dù hiệu quả là rất thiết thực, nhưng người dân vẫn chưa chủ động để bám ruộng đồng, nếu không có sự đôn đốc giúp đỡ của BĐBP. Chính vì vậy, đến nay, mọi công đoạn sản xuất lúa nước trên cánh đồng vẫn chủ yếu do cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đảm nhận. Đồn Biên phòng Cà Xèng đã giao cho 3 cán bộ có nhiệm vụ thường xuyên bám ruộng đồng hỗ trợ nhân dân sản xuất. Còn vào những ngày cao điểm mùa vụ như làm đất, xuống giống, thu hoạch lúa... phần đông quân số của đơn vị đều được huy động tham gia.

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giup-dong-bao-ruc-chu-dong-trong-cay-lua-nuoc/