Giúp học sinh trải nghiệm với môi trường

Cô giáo trẻ Lê Thị Ngọc Huyền, giáo viên (GV) Trường Tiểu học Song ngữ Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tổ chức những hoạt động làm sạch biển cùng học sinh, giúp các em biết yêu môi trường hơn và cùng suy nghĩ những giải pháp sáng tạo trong việc bảo vệ môi trường.

Cô trò tham gia nhặt rác trên bãi biển

Trăn trở về môi trường

Cô giáo Ngọc Huyền (sinh năm 1988) tốt nghiệp sư phạm Toán - Tin, Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 2012. Mặc dù chuyên môn của cô không phải là ngành môi trường nhưng khi về dạy học tại Trường Tiểu học Song ngữ Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Ngọc Huyền lại là người thổi lửa sáng tạo cho các em học sinh bằng các hoạt động ngoại khóa về môi trường.

Cô giáo Huyền kể, biển Vũng Tàu rất đẹp nhưng vẫn xuất hiện nhiều rác dọc theo bờ biển do khách du lịch và người dân để lại. “Tình trạng ô nhiễm dọc các bãi biển do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra ngày càng trở nên nghiêm trọng. Việc giáo dục (GD) nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các em HS là việc mà mỗi GV cần phải làm. Tôi đã lồng ghép vào bài học để GD ý thức bảo vệ môi trường cho các em”- cô Huyền chia sẻ.

Nhưng làm sao để các kiến thức về môi trường trở nên sinh động và không bị khô khan, nhàm chán là bài toán mà cô giáo trẻ cần tìm ra lời giải.

Cô Huyền cho rằng, việc GD ý thức bảo vệ môi trường hiện nay cần phải được đẩy mạnh trong nhà trường, nhất là ở bậc học mầm non, tiểu học. Đó là việc tập cho trẻ có thói quen tốt, gần như thành bản năng, để bảo vệ môi trường như không xả rác bừa bãi, phân loại rác trước khi bỏ vào thùng rác, hạn chế sử dụng bao nilon…Từ đó, cô Huyền đã đưa ra đề xuất nhà trường cần phải lồng ghép nội dung GD bảo vệ môi trường vào trong các môn học và hoạt động GD thông qua các môn đạo đức, tự nhiên-xã hội, khoa học...

Không chỉ trong các tiết học, cô Huyền còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm như biểu diễn thời trang bằng lá cây, vẽ tranh mang chủ đề môi trường, làm vệ sinh khuôn viên nhà trường và các điểm di tích... Cô Huyền cùng các đồng nghiệp còn triển khai nhiều hoạt động dự án cho HS như: “Học từ thiên nhiên”, “Học từ dân gian”… đồng thời, đẩy mạnh phong trào “Sạch nhà - Sạch lớp - Sạch trường”, “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”...

Cô giáo trẻ Lê Thị Ngọc Huyền

Đồng hành cùng học sinh

Không dừng lại các hoạt động trong nhà trường, cô Huyền còn thực hiện các chuyến đi thực tế cùng với các em HS. Cô giải thích: Trải nghiệm thực tế nhằm kích thích sự sáng tạo, theo đuổi đam mê đến cùng của HS. Đặc biệt, hoạt động trải nghiệm còn giúp GV hiểu thêm về sở thích, năng lực của chính mình, còn giáo viên nhờ đó có thể định hướng và đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng em.

Sự “đáp lại” của các em HS trong những hoạt động thực tế làm cô Huyền bất ngờ đến sửng sốt. Đó là chuyện em Nguyễn Quang Diệu - một HS lớp 5, đưa ra ý tưởng thiết kế một chiếc xe tải thu gom rác tự động đa chức năng. Ý tưởng này xuất phát từ một chuyến trải nghiệm dọn rác dọc bờ biển Vũng Tàu do cô Huyền cùng các GV khác tổ chức.

Nói về chiếc xe đa chức năng của mình, em Quang Diệu hào hứng trình bày, chiếc xe đa chức năng đó có thể thu gom và phân loại rác. Rác hữu cơ được xử lý làm phân bón, rác vô cơ được tập trung và đổ vào thùng. Chiếc xe còn có chổi dọn vệ sinh, rửa đường. “Trong tương lai, em muốn trang bị thêm cho xe dọn rác chức năng cắt tỉa cành cây tự động. Cụ thể, khi đến khu vực có cành cây che khuất tầm nhìn người đi đường, hay cành sắp gãy thì xe sẽ tự động vận hành hệ thống cắt tỉa cành cây, giúp người đi đường an toàn hơn”- Diệu nói.

Cô giáo Huyền cùng thực hiện thiết kế robot dọn rác với học sinh tại cuộc thi Tài năng robot IYRC 2018

Nói về cậu học trò của mình, cô Huyền tâm sự, ý tưởng của các em phải đến từ các hoạt động thực tế như vậy. Vì thế, thầy cô và phụ huynh hãy cho các em trải nghiệm và dùng câu chuyện thực tế để khiến các em suy nghĩ sâu hơn. Việc làm đó chính là nhiệm vụ của GV bên cạnh những tiết học trên lớp.

Không những lắng nghe ý tưởng sáng tạo của học trò, cô Huyền còn “xắn tay áo” cùng với HS thiết kế chiếc xe trên giấy, rồi lắp ráp, chỉnh sửa và lập trình cho xe vận hành được.

Tại cuộc thi Tài năng robot IYRC tổ chức tại TPHCM vào đầu tháng 8 mới đây, cô Huyền đã có nguyên một ngày trải nghiệm và cùng đồng hành với các em HS trong việc thiết kế và hiệu chỉnh robot dọn rác.

Cô Huyền tâm niệm, sự đồng hành và chung sức của GV sẽ khiến HS tự tin hơn. Các em có thể sẵn sàng hỏi người bạn đồng hành của mình bất cứ lúc nào. Cô Huyền luôn tôn trọng ý tưởng của học trò mình, và luôn đứng ở vai trò hỗ trợ, giúp đỡ các em giải quyết vấn đề mà mình mắc phải. “Làm việc cùng các em cũng là truyền lửa nghiên cứu, truyền lửa đam mê khoa học cho các em và bản thân tôi cũng được nâng cao hiểu biết, thỏa mãn đam mê của mình”- cô Huyền bộc bạch.

Thụy An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giup-hoc-sinh-trai-nghiem-voi-moi-truong-3948645-b.html