Giúp học sinh tự tin trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023

Ngoài việc bổ sung kiến thức, các thầy cô còn tăng cường hỗ trợ, tạo cơ hội tập dượt giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong giờ học.

Học sinh Trường THPT Phùng Khắc Khoan trong giờ học.

Đồng hành cùng học trò

Chủ trương giữ ổn định về phương thức kỳ thi của Bộ GD&ĐT giúp giáo viên, học sinh yên tâm hơn với định hướng ôn tập, song tâm lý lo lắng trước kỳ thi là điều khó tránh khỏi. Căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường đã chủ động tổ chức ôn tập cho học sinh bằng nhiều hình thức, với quyết tâm nâng chất lượng tốt nghiệp.

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Năm nay nhà trường có hơn 600 học sinh lớp 12 sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch ôn tập, xác định những điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh để giúp các em ôn thi phù hợp.

Nhằm giúp học sinh tập dượt với không khí kỳ thi và đánh giá khách quan mức độ đáp ứng bài học của học sinh, kỳ kiểm tra học kỳ 1 vừa qua, với hầu hết các môn thi, học sinh được làm bài theo đề chung, bài kiểm tra được chấm chéo. Cùng với đó, nhà trường cũng đã tổ chức kỳ khảo sát học sinh tương tự kỳ kiểm tra học kỳ 1 và chuẩn bị cho kỳ khảo sát do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.

Thầy Nghiêm Hồng Trung- Hiệu trưởng Trường THPT Phùng Khắc Khoan (huyện Thạch Thất, Hà Nội) thông tin: Năm nay, nhà trường có 645 học sinh lớp 12. Qua các buổi kiểm tra đánh giá gần 3 năm học, nhà trường đã xác định được hơn 90 học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Để giúp học sinh có tâm thế tốt nhất trước kỳ thi, nhà trường đã mở các lớp phụ đạo cho học sinh, trong đó có 2 lớp Toán, 2 lớp Văn, 3 lớp Ngoại ngữ, 3 lớp Địa lý, 3 lớp Lịch sử, 2 lớp Giáo dục công dân cùng các lớp Vật lý, Hóa học, Sinh học. Số lượng các em đăng ký học rất đông. Các giáo viên được nhà trường lựa chọn dựa theo nguyện vọng của học sinh và đều được tổ chức miễn phí.

"Với học sinh có điểm đầu vào không cao, nhiều học sinh lại có tâm lý "không đỗ tốt nghiệp bằng mọi giá" nên nhà trường luôn gặp khó khăn về việc nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp THPT từ nhiều năm nay. Ngoài việc bổ trợ kiến thức cho học sinh, các thầy cô còn làm thêm nhiệm vụ đồng hành cùng học sinh đến sát kỳ thi, thậm chí một số thầy cô còn phải đến tận nhà vận động các em đi thi"- thầy Trung nói.

Thầy Nguyễn Hồng Quang - Hiệu trưởng Trường THPT Chương Mỹ A (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: Xác định đây là chặng cao điểm chuẩn bị cho kỳ thi, 670 học sinh lớp 12 của trường được chia thành các nhóm ôn tập theo lựa chọn của học sinh về việc đăng ký bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Hiện tại, số học sinh có lực học từ trung bình trở xuống đang được giáo viên dạy bổ trợ miễn phí.

Còn thầy Nguyễn Thành Long - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ba Vì (huyện Ba Vì) chia sẻ, thuận lợi của trường là có hơn 70% học sinh ở nội trú nên thầy, trò có nhiều thời gian để ôn tập. Kinh nghiệm của 2 năm liền đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% cho thấy, cần tăng cường đầu tư thời gian cho dạy và học ngoại ngữ, bởi việc tiếp cận môn học này của học sinh dân tộc khó khăn hơn.

Học sinh Trường THPT Chương Mỹ A tự tin ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Tăng cơ hội tập dượt

Nguyễn Ngọc Minh, học sinh Trường THPT Đống Đa (quận Đống Đa) chia sẻ: Những ngày này, chúng em đang tăng tốc ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Ngoài những bài giảng trên lớp, thầy cô còn định hướng cho học sinh chọn trường, chọn nghề, đồng thời bổ sung kiến thức, đồng hành cùng học sinh trước kỳ thi.

Việc giữ ổn định kỳ thi tốt nghiệp cùng đề thi tham khảo năm nay giúp học sinh tự tin hơn rất nhiều. Qua các kỳ thi học kỳ 1 cùng kỳ khảo sát, học sinh đã được làm quen với không khí của kỳ thi. Những buổi thi thử đã giúp em thấy được điểm mạnh, điểm yếu của mình để bổ sung những kiến thức cần thiết.

Thầy cô cũng nhắc nhở chúng em chấp hành đúng quy chế thi, lưu ý hai điểm mới liên quan đến trách nhiệm của học sinh, đó là: Không được phép mang các loại máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi; chỉ được ra khỏi phòng thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi môn tự luận, nhưng phải ở tại phòng chờ trong suốt thời gian còn lại của buổi thi.

Theo thống kê sơ bộ, năm nay, thành phố Hà Nội có hơn 102.000 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; trong đó có khoảng 89.000 học sinh THPT, còn lại là học viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Hiện tại, Sở GD&ĐT Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố, dự kiến diễn ra trong hai ngày 7 và 8/4.

Theo đó, học sinh lớp 12 các trường THPT sẽ làm 4 bài kiểm tra, trong đó có 3 bài bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một bài tự chọn khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) hoặc khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân).

Học viên lớp 12 học chương trình giáo dục thường xuyên làm 3 bài kiểm tra, trong đó có 2 bài bắt buộc là toán, ngữ văn và một bài tự chọn khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội. Tương tự kỳ thi tốt nghiệp THPT, học viên sẽ làm bài kiểm tra theo hình thức tự luận với môn ngữ văn, các bài còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Riêng đối với các ngoại ngữ gồm tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Hàn, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật, thủ trưởng các đơn vị căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động giao nhiệm vụ ra đề kiểm tra cho giáo viên bộ môn tiến hành kiểm tra, khảo sát bảo đảm khách quan, phù hợp với nội dung hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT.

Trong kỳ khảo sát học sinh lớp 12 toàn thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ ra đề kiểm tra theo nội dung quy định, bám sát cấu trúc đề thi minh họa năm 2023 của Bộ GD&ĐT. Phạm vi kiến thức kiểm tra theo sát chương trình giáo dục phổ thông. Các bài kiểm tra được rọc phách, chấm tập trung theo đơn vị cụm.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-hoc-sinh-tu-tin-truoc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2023-post632096.html