Giúp học sinh yêu thích tác phẩm văn học, lịch sử

Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử là hoạt động chuyên môn được ngành GD-ĐT Cần Thơ triển khai đối với các môn xã hội từ cấp THCS đến THPT.

Học sinh khắc sâu kiến thức và phát huy kỹ năng khi được hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm.

Sáng tạo trong chuyển thể tác phẩm văn học

Hoạt động chuyển thể tác phẩm văn học, lịch sử lên sân khấu được các trường ở TP Cần Thơ tích cực thực hiện thời gian qua. Theo cô Nguyễn Thị Diễm, giáo viên bộ môn Lịch sử Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, từ khi thực hiện mô hình “Trường học điển hình đổi mới”, nhà trường đưa mô hình sân khấu hóa các môn học.

“Thông qua những chuyên đề tháng, chúng tôi xây dựng sân khấu hóa kết hợp theo tổ bộ môn như chương trình Rung chuông vàng. Đây vừa là sân chơi, vừa là hoạt động trải nghiệm bổ ích cho học sinh. Loại hình sân khấu này không chỉ giúp học sinh khắc sâu kiến thức, phát huy kỹ năng mà còn hào hứng hơn trong tiết học, đặc biệt là môn Lịch sử”, cô Diễm chia sẻ.

Theo chia sẻ của cô Phạm Thị Thu An, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh (quận Ninh Kiều), chuyển hóa các tác phẩm văn học, lịch sử được nhà trường thực hiện nhiều năm nay. Cách tiếp nhận tác phẩm văn học lịch sử mới mẻ và ấn tượng hơn, giúp các em hứng thú và yêu thích môn học. Ngoài ra, học sinh tham gia trực tiếp vào hoạt động này cũng được rèn luyện các kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng về nghệ thuật.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho hay, sau thời gian tổ chức “Sân khấu hóa tác phẩm văn học”, các em chủ động tiếp cận văn bản, thâm nhập vào thế giới của tác phẩm và nhân vật một cách chi tiết. Phương pháp này cũng góp phần xây dựng ở học sinh thói quen đọc văn bản nhiều hơn để hiểu sâu sắc về tác phẩm.

Khi được trực tiếp hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm, học sinh tự phân tích, đánh giá về tâm lý nhân vật, bối cảnh, diễn biến câu chuyện. Qua đó cảm nhận sâu sắc về tác phẩm văn học nói chung và từng nhân vật nói riêng. Đồng thời phát huy sự sáng tạo trong quá trình chuyển thể tác phẩm văn học. Học sinh sẽ có cái nhìn đa chiều về tác phẩm văn học ở nhiều góc độ khác nhau.

Ngành GD Cần Thơ phối hợp Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ sân khấu hóa các tác phẩm văn học, lịch sử.

Chuyên nghiệp hóa quá trình tổ chức

Mặc dù mang lại những hiệu quả tích cực nhưng hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử thời gian qua ở Cần Thơ chủ yếu giới hạn trong phạm vi hoạt động sinh hoạt của tổ chuyên môn hoặc cụm trường. Việc đánh giá kết quả cũng trong phạm vi một số năng lực cơ bản. Các trường cũng có những hạn chế nhất định về mặt chuyên môn nghệ thuật.

Cô Lê Thị Trúc Ngân, giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Thuận Hưng cho biết: Trong quá trình thực hiện chuyên đề “sân khấu hóa tác phẩm văn học”, giáo viên và học sinh bị hạn chế về đài từ, cách đi đứng. Do thiếu kinh nghiệm nên những phân cảnh mang tính nhạy cảm, bạo lực… rất khó hoặc không thể thực hiện.

Ngoài ra, thầy và trò đều không có kinh nghiệm trong diễn xuất cũng như dàn dựng, viết kịch bản. Vì thế, các phần thi diễn không được trơn tru, mượt mà. Phần lớn các tiết mục là sao chép hoặc làm lại nên chưa có sự sáng tạo, đột phá. Mặt khác cơ sở vật chất của trường chưa đủ điều kiện để tạo nên một sân khấu mang tính chuyên nghiệp. Kinh phí còn hạn chế nên có những nội dung chưa thực hiện được.

Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử, việc phối hợp với đơn vị có chuyên môn là hết sức cần thiết. Gần đây, các trường học ở Cần Thơ đã phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, giúp học sinh và cả giáo viên tiếp cận phong cách làm việc chuyên nghiệp, kỹ thuật, kỹ năng biểu diễn.

Cụ thể, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ vừa phối hợp với Trường THPT An Khánh thực hiện chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử. Chương trình chuyển thể một phần nội dung của sự kiện lịch sử trong giai đoạn năm 1945 - 1954 thành hoạt cảnh, ca múa và trích đoạn cải lương với hình tượng chị Võ Thị Sáu.

Công tác tập huấn kỹ năng chuyển thể, kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng chương trình, viết kịch bản, lựa chọn âm nhạc, hóa trang, tư vấn trang phục, đạo cụ, cảnh trí… do giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật đảm nhiệm.

Giáo viên và học sinh Trường THPT An Khánh được tiếp cận chuyên môn từ đội ngũ giảng viên, học hỏi cách thức tổ chức, biên tập về loại hình nghệ thuật này một cách bài bản, chuyên nghiệp, biết cách tổ chức chuyên đề sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử. Nhờ thế, chương trình có chiều sâu, chất lượng hơn.

Cô Phạm Thị Thu An, Phó Hiệu trưởng Trường THPT An Khánh cho hay: “Chúng tôi không có chuyên môn, không có lực lượng, hạn chế về dụng cụ nhưng nhờ sự phối hợp với Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ, không chỉ học sinh mà cả thầy cô, nhà trường đều được trải nghiệm, hiểu rõ hơn loại hình nghệ thuật này”.

Bà Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ chia sẻ, chương trình “Sân khấu hóa tác phẩm văn học” được nhiều trường thực hiện trong những năm gần đây ở các tỉnh thành khác trên cả nước. Đây là sự sáng tạo về phương pháp học văn học ở nhà trường. Nhiều tác phẩm văn học trong nước và nước ngoài đã được lên sân khấu một cách linh hoạt, sinh động, mới mẻ.

“Sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử không chỉ phát huy được tính sáng tạo và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Đây cũng là một trong những phương pháp giảng dạy hiệu quả giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Ngữ văn. Qua đó góp phần bồi dưỡng nhân cách thế hệ trẻ, hướng học sinh đến những giá trị chân thiện mỹ. Phối hợp với các trường đẩy mạnh hoạt động này cũng đồng thời là dịp để Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ tìm kiếm và phát hiện các tài năng nghệ thuật trong trường phổ thông”, bà Hoài Tâm nhấn mạnh.

“Việc nhân rộng mô hình sân khấu hóa nghệ thuật là cần thiết. Qua tìm hiểu các tác phẩm văn học, lịch sử để hóa thân, nhập vai vào nhân vật sẽ giúp học sinh hiểu và thêm yêu quý, gắn bó với văn học, lịch sử. Các em có cơ hội khám phá bản thân qua việc học hỏi kiến thức, rèn luyện các kỹ năng khi trải nghiệm các loại hình nghệ thuật như múa, hát, kịch, từ đó nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật và càng thêm yêu thích các tác phẩm văn học, lịch sử" - Ông Nguyễn Phúc Tăng (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho hay.

Trường Tiến

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giup-hoc-sinh-yeu-thich-tac-pham-van-hoc-lich-su-post632631.html