Giúp ngặt không giúp nghèo

thegioitiepthi.vn Việc giúp đỡ, đùm bọc trong gia đình và cộng đồng là một việc làm tốt nhưng sự giúp đỡ tạo ra lối sống dựa dẫm ỷ lại, tạo ra sự bất công thì cần được thẳng thắn khước từ.

Hưng, cháu tôi từ nước ngoài về thăm Việt Nam, nó và ba má nó vừa nổ ra “xung đột dữ dội” quanh vấn đề trách nhiệm của nó đối với gia đình.

Thực ra từ lúc còn ở Việt Nam, chuyện sắp sang Mỹ định cư đã là một áp lực lớn đối với Hưng rồi. Nhà đông người vì sống kiểu đại gia đình. Hết người này đến người nọ “hăm he”, vẽ vời một tấc lên mây, như thể là có một cái kho bạc đang mở cửa chờ Hưng bên đó vậy.

Việt kiều về thăm quê hương gặp nhiều "áp lực" từ gia đình

Hồi mới qua, Hưng vất vả chật vật làm đủ thứ công việc để kiếm tiền. Nhớ nhà không dám về thăm, điện thoại về nhà lúc nào cũng nghe bố mẹ nhắc nhở, thở than tuổi già đau ốm, bóng gió xa xôi, ước ao cái này, cái khác.

Trên tinh thần “phấn đấu kiên cường không quản ngại khó khăn gian khổ” ra sức làm lụng… mấy năm sau, tình hình kinh tế nhà Hưng có khá hơn một chút. Cũng là cái khấm khá của một anh chủ quán ăn có cái nhà, chiếc xe vậy thôi. Nhưng đối với gia đình bên Việt Nam, Hưng là một người thành đạt, giàu có, là… Việt kiều. Mặc nhiên, Hưng phải có trách nhiệm giúp đỡ gia đình.

Trong nhà, ngoài bố mẹ, trên Hưng có hai chị gái, dưới Hưng có một em trai và con cái của họ. Trong nhà ai có việc gì, tất tần tật họ đều nghĩ đến Hưng đang ở bên cái “thiên đường hạ giới” kia.

Hưng than với tôi: “Cháu thấy mọi người xúm vào mắng nhiếc cháu như là một người vô cảm, không có trách nhiệm với gia đình, nói cháu mới mấy năm đã theo “Tây” không còn tình nghĩa. Cháu thấy ở ta còn tồn tại một suy nghĩ rất là “nghiệt ngã”. Cứ hễ trong nhà có ai kha khá hơn một chút thì xem như họ có trách nhiệm phải giúp đỡ, cưu mang người khác. Nếu không, thì bị phê phán “giàu mà ki bo”, quy chụp là người sống không có tình nghĩa, thậm chí mắng mỏ, cô lập, tẩy chay… Trong khi để được có của ăn của để như bọn cháu cũng phải bỏ công sức, trí tuệ, có khi vắt kiệt sức mình làm ra làm việc chứ đâu phải ngồi không mà cướp của người ta".

Người châu Á làm việc tại hãng

Hưng tiếp: "Nói đâu xa, em trai cháu đây, hai vợ chồng chú ấy có cái quán cà phê trong hẻm, buôn bán làng nhàng, chồng chiều nào cũng tụ tập bia bọt, vợ thì chỉ có việc đứng pha cà phê mà chưng diện ngang hàng ca sĩ. Hai đứa con đi học thì thôi, về nhà là dính vô cái điện thoại, đứa nào cũng to xác mà không làm gì động móng tay.

Nhưng cứ nhà có việc gì, chú ấy lại bắt cháu chi viện, mỗi tháng còn ăn ké vào đồng tiền cháu gửi về cho bố mẹ. Trong khi vợ chồng cháu cả ngày không rảnh để ngẩng mặt nhìn nhau cười một cái. Hai đứa con của cháu vừa đi học vừa phải bưng bê phục vụ. Mà ăn uống chắc gì đã “cao lương mỹ vị” bằng vợ chồng chú ấy. Hỏi như vậy có công bằng không?

Bên đó, tụi cháu tiết kiệm từng đồng nhưng về bên đây mà “không chịu chi” thì mọi người trề môi hứ háy chê là Việt kiều mà keo kiệt, kiết xác.

Lâu nay, cháu cố chịu đựng mặc dù thấy vô lý và bất công cho cháu quá. Thời gian này, cháu đang gom vốn mở cái quán ăn thành nhà hàng to to một chút nên vừa rồi, cháu tỏ ý cho bố mẹ biết, mặc dù bố mẹ là bố mẹ chung của cả bốn chị em, nhưng vì cháu ở xa không có điều kiện chăm sóc nên cháu tình nguyện gửi tiền về chu toàn tất cả các khoản nhưng còn chị em, cháu chắc từ rày “thân ai nấy lo”. Cháu vừa mới nói ra, bố mẹ cháu mắng xối xả cho một trận nên thân. Cháu thấy cháu đang chịu một sức ép rất nặng nề cô ạ!”.

Quan niệm xã hội khác biệt tạo áp lực cho cháu tôi

Nghe thằng cháu than thở, tôi đâm ra ngẫm ngợi. Thì ra chuyện tương tự như chuyện cháu Hưng không phải là hiếm nhưng ít ai trong cuộc “dám” nói ra. Chỉ cần một người nào đó giàu có mà không giúp đỡ bố mẹ, anh chị em họ hàng, thậm chí không chịu làm từ thiện là mọi người lên án, chỉ trích, phê phán họ mà không biết rằng không phải lúc nào sự giúp đỡ của mình với mọi người cũng đều có giá trị và ý nghĩa.

Một người thức khuya dậy sớm, đánh đổi thời gian cho lao động, dùng cả tuổi thanh xuân của mình để phấn đấu gặt hái thành công. Đồng tiền họ kiếm được không thể giúp một người nghèo khó nợ nần quanh năm vì đánh bạc, dù người đó có là đấng sinh thành ra họ.

Một người đổ mồ hôi sôi nước mắt làm ra của cải, họ đóng thuế cho nhà nước, tạo ra việc làm cho người lao động… trách nhiệm xã hội của họ rất nặng nề. Không lý do gì, những người ăn không ngồi rồi đu bám theo rút rỉa họ không được thì đâm ra phê phán, gièm pha, chửi mắng.

Ông bà ta có câu: “Giúp ngặt chứ không giúp nghèo”.

CÁT TƯỜNG

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/giup-ngat-khong-giup-ngheo-8747.html