Giúp nông sản Việt chiếm lĩnh thị trường cao cấp

Sau gần 10 năm đàm phán, giữa tháng 2-2019, quả xoài của Việt Nam đã chính thức được cấp phép vào Mỹ. Ðây là loại trái cây thứ sáu của Việt Nam có mặt trên thị trường Mỹ. Trước đó, vào năm 2008, thanh long là loại trái cây đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, tiếp đến là vải, nhãn, chôm chôm, vú sữa.

Sau Trung Quốc, hiện Mỹ là thị trường rau quả lớn thứ hai của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt 126 triệu USD. Quan trọng hơn, đây là thị trường khó tính, có yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao hàng đầu thế giới. Vì vậy, vào sâu được thị trường này, cũng đồng nghĩa với việc hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có được tấm "thẻ thông hành" để mở rộng cơ hội đến các thị trường cao cấp khác.

Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng trưởng nhanh và đạt giá trị cao (năm 2018 đạt hơn 40 tỷ USD). Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, con số nêu trên có thể cao hơn nếu nông sản của chúng ta đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường của các nước phát triển. Bởi mặc dù tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam đạt con số lớn và xếp thứ hạng 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng tăng trưởng ngành nông nghiệp vẫn bị đánh giá còn thiếu bền vững. Phần lớn nông sản nước ta xuất khẩu tiểu ngạch, chỉ có 5% nông sản xuất khẩu Việt Nam đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế và xuất khẩu chính ngạch vào thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mỗi khi xuất khẩu tiểu ngạch gặp khó khăn thì tình trạng tồn dư, rớt giá nông sản lại tái diễn.

Ở một góc độ khác, các chuyên gia tư vấn thực hành sản xuất sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Việt Nam cho rằng, nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông sản tại Việt Nam vẫn chưa chủ động tiếp cận được các giải pháp thực hành trồng trọt đạt chuẩn toàn cầu ngay từ đầu, hoặc ngay sau khi đã đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn cần thì không tuân thủ nghiêm túc các cam kết về chất lượng, tiêu chuẩn an toàn về môi trường. Trên thực tế, có rất ít sản phẩm nông sản Việt Nam tham gia được vào trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Do đó, có tình trạng người dân và doanh nghiệp trồng trọt và sản xuất ồ ạt, đến khi vào vụ thu hoạch thì "tiến thoái lưỡng nan", xuất khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu, cũng như tiêu chuẩn của từng thị trường. Tiêu thụ trong nước thì rớt giá, đập bỏ thì tiếc, bán thì rẻ như cho, buộc Nhà nước phải vào cuộc "giải cứu".

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường khó tính, theo các chuyên gia kinh tế, nhất thiết phải chuẩn hóa, nâng chất lượng hàng hóa thông qua thực hành tốt theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP… ngay từ khâu gieo trồng và sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng đúng mức đầu tư cho bao bì, mẫu mã sản phẩm, đăng ký thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc… để gia tăng giá trị và đưa nông sản Việt Nam vươn xa hơn. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng rất cần thiết. Nhà nước cần hỗ trợ chi phí, các thương vụ tại nước ngoài cần hỗ trợ về thông tin thị trường trong việc kết nối, giới thiệu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam tới thị trường quốc tế. Thực hiện tốt vấn đề này, hiệu quả xuất khẩu vào thị trường khó tính chắc chắn sẽ được nâng cao và kim ngạch xuất khẩu nông sản với mục tiêu đạt 43 tỷ USD trong năm 2019 là hoàn toàn có thể thực hiện.

Tâm Thời

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/39319002-giup-nong-san-viet-chiem-linh-thi-truong-cao-cap.html