Giúp tuổi trẻ học đường đến với 'Truyện Kiều'

Nhân kỉ niệm 198 năm ngày mất của Đại Thi hào Nguyễn Du, Hội Kiều học Việt Nam đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hải Phòng, Trường Đại học Hải Phòng tổ chức Hội thảo quốc gia 'Giảng dạy, học tập Nguyễn Du và 'Truyện Kiều' trong nhà trường'.

Dạy và học “Truyện Kiều”

Qua bài viết: “Truyện Kiều” trong chương trình THPT Việt Nam từ trước đến nay, của Giáo sư Trần Đình Sử, ông cho biết: “ Từ khi có chương trình dạy Văn học Việt Nam trong nhà trường phổ thông ở đầu thế kỉ XX đến nay, “Truyện Kiều” luôn luôn là một trọng điểm của chương trình.

Theo ý kiến của các nhà khoa học, các nhà giáo việc dạy “Truyện Kiều” trong trường phổ thông có nhiều thuận lợi và khó khăn. Bởi “Truyện Kiều” là một tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật tự sự, trữ tình, là kiệt tác về ngôn ngữ nghệ thuật của dân tộc. Mặc dù ra đời hơn hai trăm năm qua, “Truyện Kiều” vẫn là cuốn sách gối đầu giường của bao nhiêu thế hệ người Việt Nam, từ tao nhân mặc khách đến người bình dân ít học, thậm chí mù chữ.

Chính vì “Truyện Kiều” hay, hấp dẫn, phổ biến rộng rãi cho nên giáo viên mê Kiều, dễ truyền đạt hết cái hay cái đẹp của “Truyện Kiều” đến với các em học sinh. Tính hấp dẫn, tính phổ biến, gần gũi với người Việt Nam của “Truyện Kiều” là là thuận lợi lớn khi đưa “Truyện Kiều” vào nhà trường.

Nhưng dạy “Truyện Kiều” nói riêng, dạy văn học Trung đại nói chung hiện nay gặp những khó khăn, khi đối tượng của nhà trường là thế hệ trẻ. Trong hoàn cảnh bùng nổ thông tin, nhất là sự bùng nổ của công nghệ thông tin trong một thế giới phẳng, khi văn hóa nghe, nhìn đang lấn át văn hóa đọc thì “Truyện Kiều” nhiều khi bị lãng quên, được coi là cũ kĩ, không phù hợp với cách sống hiện đại.

Cái khó thứ hai là không gian lịch sử giữa cuộc sống hiện đại và hoàn cảnh lịch sử và cuộc sống con người trong “Truyện Kiều” có khoảng cách quá xa. Những điển tích, điển cố, từ ngữ cổ làm hạn chế nhiều nhận thức và cảm xúc của con người Việt Nam hiện đại khi tiếp nhận “Truyện Kiều”.

Những đề xuất

Các nhà khoa học, các nhà giáo đều thống nhất cao khi đề nghị chương trình mới về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” cần bố trí một thời gian thích hợp cho chương trình ngoại khóa về tác giả và tác phẩm này.

Các hình thức hoạt động ngoại khóa về “Truyện Kiều” thì rất nhiều. Giáo viên và học sinh có thể đến thăm những khu lưu niệm về Nguyễn Du và “Truyện Kiều”. Ở miền Bắc, có thể cho học sinh thăm đền thờ Nguyễn Du của gia đình ông Cù Huy Bình, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng. Có thể đưa giáo viên đến thăm khu lưu niệm Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. ở Nam Bộ có thể đến thăm Vườn Kiều ở thành phố Biên Hòa…

Sân khấu hóa một số đoạn trích của “Truyện Kiều” cũng là cách giúp học sinh trải nghiệm, nhập thân vào những nhân vật của “Truyện Kiều”, giúp các em hiểu, cảm nhận sâu hơn về tác phẩm. Việc đó cũng phù hợp tâm lí học sinh, khi các em được sáng tạo, được thể hiện mình.

Có thể sân khấu hóa một số đoạn trích như: Cảnh Từ Hải giúp Kiều báo ân, báo oán, hay sự ghen tuông của Hoạn Thư… Nên tổ chức cho học sinh được xem những tác phẩm sân khấu, những bộ phim nghệ thuật xây dựng từ tác phẩm hay những bộ phim tư liệu về cuộc đời và sáng tác của Đại thi hào Nguyễn Du. Giáo viên cũng có thể đưa những sinh hoạt văn hóa về “Truyện Kiều” đã lưu hành trong đời sống dân gian như: Thi học thuộc Kiều, diễn trò Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều, ngâm Kiều, đố Kiều và bói Kiều… qua các buổi ngoại khóa.

Theo PGS. TS Lê Thu Yến (ĐHSP TPHCM): “Làm sao để “Truyện Kiều” không bao giờ cũ, nàng Kiều không bao giờ già và Nguyễn Du vẫn như mới hôm qua, ông cầm tay chúng ta, dắt chúng ta đi qua cuộc bể dâu và cùng đau đớn với những trang sử cũ”. Muốn thực hiện được mong ước đó, chúng ta phải bắt đầu từ nhà trường, bắt đầu từ các nhà giáo và các thế hệ học sinh phổ thông hôm nay. Từ cuộc hội thảo này, nhiều vấn đề đặt ra về dạy và học về Nguyễn Du, Đại thi hào dân tộc hai lần được thế giới vinh danh, về “Truyện Kiều” ở trường phổ thông như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/giup-tuoi-tre-hoc-duong-den-voi-truyen-kieu-3958692-b.html