GMS thúc đẩy thương mại trong khu vực

Các quốc gia GMS đã hưởng lợi to lớn từ toàn cầu hóa và lưu chuyển thương mại và mậu dịch xuyên biên giới. Khi bối cảnh thương mại quốc tế liên tục thay đổi, các quốc gia GMS nhất thiết phải bắt kịp những phát triển mới và tiếp tục tận dụng được các cơ hội phát triển kinh tế thông minh qua thương mại. Đó là nội dung tại Phiên thảo luận: GMS và Thương mại Toàn cầu tổ chức chiều 30/3.

Phát biểu tại Phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng, hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy thương mại mở, tăng cường hơn nữa hợp tác, giao lưu kinh tế giữa các thành viên GMS, cũng như giữa các quốc gia GMS với các đối tác bên ngoài. Qua đó, các nước GMS cần tiếp tục thúc đẩy thương mại mở và hệ thống thương mại đa phương.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại Phiên thảo luận

Đây là điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang phải đối diện với nguy cơ lớn nhất từ trước đến nay bắt nguồn từ chính sách bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương đang nổi lên của một số quốc gia.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, kể từ khi được khởi động vào năm 1992, Hợp tác kinh tế, thương mại giữa các nền kinh tế GMS đã đạt được những thành tựu quan trọng. Một đặc điểm rất riêng của hợp tác GMS là các quốc gia có chung biên giới trên đất liền. Đặc điểm này đã tạo ra lợi thế và sự thuận tiện cho việc kết nối giao thông đường bộ và phát triển các hành lang kinh tế.

Đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận trong việc phát triển 3 hành lang kinh tế GMS. Hầu hết các dự án đường bộ cho các tuyến hành lang này đã được hoàn thành hoặc gần hoàn thành với khoảng gần 10.000km đường được xây dựng với sự hỗ trợ tài chính của ADB từ năm 2002 - 2016. Qua đó, 9 tuyến đường sắt ưu tiên để mở rộng mạng lưới đường sắt trong khu vực và cũng đang tích cực đánh giá hiệu quả của chúng. GMS cũng đã xây dựng chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải GMS đến năm 2030 và dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo cấp cao thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này.

Liên quan đến vấn đề kết nối mềm trong lĩnh vực tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, tất cả các thành viên GMS đã phê chuẩn hiệp định tạo thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới và các phụ lục, nghị định thư kèm theo hiệp định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, nhờ có những nỗ lực này các nền kinh tế GMS dã ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau hơn. Tỷ trọng trao đổi thương mại nội khối đã tăng từ 5,7% năm 2010 lên 9,1% năm 2016. Tổng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài giữa các nước GMS tăng từ 436 triệu USD năm 2010 lên 1,286 tỷ USD năm 2016.

Tham luận tại Phiên thảo luận, ông Chris Malone, Trưởng bộ phận Phát triển Kinh tế, Thành viên Hợp danh kiêm Giám đốc Điều hành BCG Việt Nam đã nêu ra sự cần thiết phải thay đổi chính sách của các nước GMS để thích nghi và bắt kịp với kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Theo ông Malone, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đă bắt đầu tạo ra những đổi thay nhanh chóng trong khu vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và chế tạo hàng hóa. Điều này đã tạo nên sự phát triển ấn tượng trong thương mại khu vực với mức tăng trưởng nội khối lên đến 20% trong vòng 15 năm qua.

Tuy nhiên, ông Malone cảnh báo, thách thức từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là với những mặt hàng thủ công truyền thống vốn chậm thay đổi về công nghệ.

Trước đó, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Đông, Âu Dương Vệ Dân khẳng định, Trung Quốc là đối tác quan trọng của ASEAN và Việt Nam và cũng là nước khởi xướng chiến lược "Vành đai, Con đường". Đại diện tỉnh Quảng Đông cũng cho rằng, không gian hợp tác về thương mại giữa Quảng Đông và các tỉnh, thành phố và địa phương trong ASEAN là rất rộng mở. Vì thế, ông cũng bày tỏ hy vọng hội nghị lần này sẽ mở ra cục diện mới trong việc hợp tác giữa Quảng Đông và các địa phương của ASEAN và GMS

Đỗ Đạt

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gms-thuc-day-thuong-mai-trong-khu-vuc-71124.html