GMS6: Cơ sở hạ tầng là 'suối nguồn' của phát triển kinh tế

Cơ sở hạ tầng kém chất lượng sẽ không chỉ làm hạn chế phát triển bền vững mà có thể trở thành điểm nghẽn về tăng trưởng.

Trong khuôn khổ các phiên họp Đối thoại chính sách của Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS, chiều nay (30/3), Diễn đàn đã có các phiên thảo luận chuyên đề với ba chủ đề chính: Phát triển cơ sở hạ tầng và Tài chính cho cơ sở hạ tầng; Ứng dụng công nghệ cao để thúc đẩy phát triển nông nghiệp khu vực GMS; GMS và thương mại toàn cầu.

Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng.

Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng.

Tại phiên thảo luận chuyên đề phát triển cơ sở hạ tầng và tài chính cho cơ sở hạ tầng, các đại biểu tập trung giải quyết những câu hỏi đặt ra như: Chính phủ cần làm gì để khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng?; Làm thế nào để một quốc gia có thể khai thác hiệu quả tối đa các tài sản công?; Cơ chế tài chính khả thi cho các dự án hạ tầng?; Đổi mới đối tác công tư để phát triển cơ sở hạ tầng?...

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong, ngoài Trung Quốc và Thái Lan có cơ sở hạ tầng phát triển thì Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế. Bộ trưởng cho rằng, nền kinh tế chỉ có đủ điều kiện phát triển khi có hệ thống giao thông thuận lợi.

Theo Bộ trưởng, Việt Nam nhất quán từ cấp trung ương đến địa phương, dành nhiều nguồn lực và ưu tiên cho phát triển hệ thống giao thông để có thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư… sẽ cùng đồng hành giúp Việt Nam sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.

Cùng chung quan điểm với Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umemda cho rằng cơ sở hạ tầng là suối nguồn của phát triển kinh tế toàn cầu, điều này đồng nghĩa với việc phát triển cơ sở hạ tầng không bao giờ là đủ. Cơ sở hạ tầng kém chất lượng sẽ không chỉ làm hạn chế phát triển bền vững mà có thể trở thành điểm nghẽn về tăng trưởng.

Chia sẻ về những gì Nhật Bản đã và đang làm để giúp đỡ các nước gặp khó khăn trong khu vực tiểu vùng sông Mekong, ông Umemda cho biết: “Nhật Bản luôn đặt mình vào vị trí của các quốc gia để hiểu rõ những gì mà họ cần, qua đó có thể thúc đẩy chương trình phát triển hiệu quả cơ sở hạ tầng ở khu vực này”.

Theo ông Umemda, sự hỗ trợ của Nhật Bản không chỉ bó hẹp trong việc hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cứng như đường xá, cầu cống… Nhật Bản còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để vận hành hiệu quả hệ thống. Khi có sự kết hợp hài hòa giữa cơ sở hạ tầng cứng và cơ sở hạ tầng mềm thì khi đó mới có sự kết nối hiệu quả.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umemda.

Các đại biểu tại phiên thảo luận cũng đã được nghe phần trình bày của ông Dag Detter, Detter&Co, tác giả và cố vấn hàng đầu về sử dụng tài sản công; bà Supee Teravaninthorn, Vụ trưởng, Vụ phụ trách các hoạt động đầu tư I, Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); ông Ulrich Zachau, Giám đốc Ngân hàng Thế giới phụ trách Quan hệ đối tác khu vực, Malaysia và Thái Lan, Đông Á và Thái Bình Dương.

Các diễn ra đều có chung quan điểm rằng trước nhu cầu to lớn về phát triển cơ sở hạ tầng tại các nước GMS, việc xác định giải pháp khả thi để tạo nguồn vốn cơ sở hạ tầng là rất cấp bách.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng.

Cũng tại phiên thảo luận, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Lê Đăng Dũng đã có bài trình bày trong đó nhấn mạnh viễn thông có tầm quan trọng không thể phủ nhận đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Ông Dũng cho biết, cuối tháng 1/2018, Viettel đã hoàn thành kết nối cầu truyền hình Văn phòng Thủ tướng 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng 3 nước được kết nối thông qua hệ thống Hội nghị truyền hình của Viettel. Hệ thống được xây dựng góp phần rút gắn khoảng cách giữa 3 nước, tăng cường mức độ giao tiếp, hỗ trợ ngoại giao, góp phần xây dựng an ninh quốc phòng, chủ quyền liên quốc gia.

Không chỉ kết nối 3 Chính phủ, Viettel còn tạo ra một cuộc cách mạng về giá cước viễn thông quốc tế khi khách hàng Viettel tại 3 nước này liên lạc với nhau có mức cước chuyển vùng quốc tế (roaming) tương đương mức cước trong nước. Viettel sắp tới cũng sẽ khai trương ở Myanmar, cam kết sẽ có giá cước roaming với 3 nước Campuchia, Lào và Việt Nam tương đương mức cước nội địa.

Ông Dũng bày tỏ hy vọng, tại hội nghị thượng đỉnh GM6 lần này, lãnh đạo các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong sẽ cùng thảo luận để có thể tạo điều kiện hướng tới một khu vực “kết nối phẳng” về viễn thông, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn vùng./.

Hùng Cường - Trần Khánh/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/kinh-te/gms6-co-so-ha-tang-la-suoi-nguon-cua-phat-trien-kinh-te-745552.vov