Gỡ 'bịt mặt' cho đô thị Hà Nội

Những tấm biển quảng cáo khổ lớn lấn át toàn bộ mặt tiền ngôi nhà mặt phố, che lấp kiến trúc cổ xung quanh... đang được ví như tấm 'bịt mặt' không gian đô thị Hà Nội.

Những câu chuyện kiến trúc đô thị này được 16 họa sĩ khắc họa trong triển lãm mang tên “Ống thở” đang diễn ra tại tòa nhà VUUV (342 Bà Triệu, Hà Nội).

Không có chỗ để thở

Diễn ra khép kín, nhỏ gọn ở tầng 3 và 4 của tòa nhà VUUV - một không gian sáng tạo của Thủ đô Hà Nội, triển lãm “Ống thở” đánh thức sự chân thật trong diễn đạt, tác động đến người xem từ thị giác đến thính giác.

Ngoài giới thiệu đến người xem những tác phẩm nghệ thuật, triển lãm còn khiến công chúng cảm thấy ngột ngạt từ trong không gian sắp đặt đến cách thể hiện của tác phẩm, để nói rõ hơn về thực trạng những căn nhà ống ở đô thị Hà Nội. Ví như 5 bức phù điêu “Nhà mặt phố” của Nguyễn Thế Sơn, tác giả đã xếp lên bức tường hình ảnh của 5 ngôi nhà ống đặc trưng trong phố cổ Hà Nội. Những ngôi nhà phải oằn mình gánh chịu những tấm biển quảng cáo khổng lồ với nội dung vừa sính ngoại vừa phản cảm, thậm chí lôi thôi, lếch thếch.

Công chúng tham quan triển lãm ''Ống thở''.

Tác giả Nguyễn Thế Sơn chia sẻ: “Nhà mặt phố” là một loại hình kiến trúc đặc trưng của đô thị Việt Nam khi mở cửa nền kinh tế thị trường. Trải qua thời gian, những tấm biển quảng cáo cỡ lớn xuất hiện bao phủ hoàn toàn bề mặt ngôi nhà khiến cho kiến trúc đô thị bị biến dạng.

“Nhà mặt phố” là tác phẩm nói lên một thực trạng chung kiến trúc mặt tiền trên nhiều con phố của Hà Nội. Đi dọc các tuyến phố Hai Bà Trưng, Lê Duẩn, Trần Nhật Duật, Điện Biên Phủ, đường Láng… dễ dàng nhận thấy các tấm biển quảng cáo vượt nóc nhà. Thậm chí, tại ngã tư Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Khuyến còn dễ dàng bắt gặp một căn nhà ống “gánh” biển quảng cáo mặt trước, mặt hông tường, thậm chí cả biển trên nóc nhà. Chủ nhân sinh sống trong các căn nhà như không còn khe hở đón ánh sáng tự nhiên.

Theo tác giả Nguyễn Thế Sơn, bộ mặt đô thị hiện nay ở Hà Nội trái ngược hoàn toàn với câu chuyện kiến trúc trước năm 1954. Thời kỳ đó, kiến trúc của từng ngôi nhà được tôn vinh chăm chút như chính dấu ấn văn hóa của gia chủ. Câu chuyện về những ngôi nhà ống được triển lãm “Ống thở” kể bằng ngôn ngữ hội họa, cho thấy suốt chiều dài lịch sử phát triển đô thị hơn trăm năm nay. Công năng của nhà ống trên các con phố đã nhiều lần thay đổi theo những tác động của toàn cầu hóa.

Trách nhiệm cộng đồng từ hội họa

Ngoài tác phẩm của Nguyễn Thế Sơn, triển lãm “Ống thở” cũng đem đến nhiều tác phẩm phản ánh những góc khuất của đời sống thành thị. Lê Đăng Ninh đem đến triển lãm tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “Nhà tối”. Tác phẩm nói về những xóm “nhà nổi”, “xóm nước đen” với mong muốn, hy vọng môi trường, cảnh quan sống của người dân được quan tâm hơn. Còn tác giả Nguyễn Trần Ưu Đàm lại mang đến tác phẩm “Rồng rắn lên” nói về vấn đề ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa… Đến với triển lãm người xem sẽ tiếc nuối cho những biến đổi của đô thị vì nhu cầu kinh doanh hay nhu cầu mưu sinh của người dân.

Tác phẩm ''Nhà mặt phố'' của tác giả Nguyễn Thế Sơn. Ảnh: Lại Tấn

Ở Hà Nội, nghệ thuật đang góp phần thay đổi diện mạo của Thủ đô. Gần gũi nhất với đa số người dân là hình ảnh những bức tường bích họa ở phố Phùng Hưng, hay những “bốt điện nở hoa”, vẽ lên nắp cống ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Từ đầu năm đến nay, nghệ thuật đã len lỏi vào những con đường, ngõ hẻm nhỏ làm đẹp thêm cho Hà Nội.

Thậm chí nghệ thuật còn tìm đến tô điểm cho những địa điểm là góc khuất, như dự án nghệ thuật tại bãi rác Phúc Tân. Điểm chung của các dự án này là đều nhận được sự đồng thuận, cho phép của không chỉ chính quyền địa phương mà còn nhận được sự hưởng ứng, tham gia, góp ý của người dân tại cơ sở.

Từ đó, cảnh quan, môi trường hay nói cách khác là bộ mặt của Thủ đô ngày càng khang trang, sạch sẽ, xóa đi được những “điểm đen” nhếch nhác. “Ống thở” không phải là dự án cộng đồng, mà một triển lãm mang tính sáng tạo nhưng các tác giả tham gia triển lãm cũng mong muốn dùng ngôn ngữ hội họa để nâng cao hơn trách nhiệm cộng đồng với đời sống đô thị.

Triển lãm là cuộc đối thoại giữa kiến trúc và nghệ thuật đương đại, hy vọng mang đến những tiếng nói để đô thị Hà Nội gỡ được những tấm “bịt mặt” phản cảm.

Minh An

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/go-bit-mat-cho-do-thi-ha-noi-386523.html