Gỡ các 'điểm nghẽn' giao thông tại vùng châu thổ Cửu Long

Những năm qua, mặc dù đạt được một số kết quả đáng khích lệ về phát triển hạ tầng giao thông nhưng so với mặt bằng chung của cả nước, kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn kém phát triển. Mạng lưới giao thông đường bộ vùng ĐBSCL gồm 6 trục dọc và 9 trục ngang.

Do nguồn lực hạn hẹp nên các tuyến quốc lộ huyết mạch trong vùng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy lên tới 14.826,4km, toàn vùng có tới 57 cảng thủy nội địa và 3.988 bến thủy nội địa. Tuy nhiên, trên 85% các cảng phân tán, manh mún, phần lớn chỉ có công suất xếp dỡ nhỏ hơn 10.000 tấn/ năm, chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng.

ĐBSCL hiện có 7 cảng biển và 31 bến cảng nhưng chỉ đảm nhận được 20-25% tổng lượng hàng có nhu cầu vận tải bằng đường biển của cả vùng, chưa có cảng tiếp nhận được tàu có tải trọng trên 20.000 DWT. Cảng lớn nhất trong vùng là Cái Cui có năng lực tiếp nhận tàu trên 20.000 DWT, nhưng bị hạn chế của luồng sông Hậu nên cũng chưa khai thác hết công suất.

Tới thời điểm này, vùng ĐBSCL có 4 cảng hàng không nhưng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ hiệu quả khai thác mới đạt 28% công suất thiết kế, cảng hàng không Rạch Giá, Cà Mau có quy mô nhỏ, sử dụng bay quân sự, khả năng khai thác hạn chế... Giao thông bộ đang bị các điểm nghẽn do các công trình đầu tư kết nối chậm tiến độ, tạo ra các “nút thắt” ở các điểm huyết mạch.

Mới đây, tại Cần Thơ, trong Hội nghị liên ngành triển khai Hiệp định CPTPP, phát triển thị trường các nhóm ngành hàng, nhiều ý kiến của đại biểu, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp luôn trăn trở về “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông.

Luồng cho tàu tải trọng lớn vào các cảng trên sông Hậu để khai thác tối đa công suất, công năng của cụm cảng Cần Thơ; đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ; cảng nước sâu… là những mong đợi của cả vùng. Đối với dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi họp Thường trực Chính phủ về xử lý vướng mắc đối với dự án.

Bên cạnh đó, cũng cần tháo các điểm nghẽn, QL60 đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên; hoàn thành cầu Vàm Cống; đầu tư mới cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, tháo các điểm nghẽn 2 tuyến giao thông thủy quan trọng là kênh Chợ Gạo, luồng tàu vào sông Hậu và khai thác hiệu quả các sân bay.

Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT), trong số 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, có 4 dự án ở khu vực ĐBSCL, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp QL53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng); dự án nâng cấp QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự (800 tỷ đồng); dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (900 tỷ đồng) và dự án cải tạo, nâng cấp QL57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày (875 tỷ đồng). Cả 4 dự án này sẽ được khởi công trong năm 2019 và hoàn thành năm 2020.

Đức Văn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/go-cac-diem-nghen-giao-thong-tai-vung-chau-tho-cuu-long-539096/