Gỡ các nút thắt, thúc đẩy ''tam nông'' Thủ đô phát triển xứng tầm

Chiều 8-7, phát biểu tại buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua mặc dù chịu tác động mạnh về dịch bệnh, nhưng nông nghiệp, nông thôn và nông dân Thủ đô vẫn phát triển khá toàn diện.

Tuy nhiên, để "tam nông" Hà Nội phát triển xứng tầm, góp phần giúp thành phố thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2020 gấp 1,3 lần tăng trưởng GDP cả nước thì phải giải quyết căn cơ, hiệu quả hàng loạt khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, với những giải pháp cả trước mắt và lâu dài.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Nội dung chủ yếu của cuộc làm việc giữa đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn của Hà Nội; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần được thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đây là cuộc làm việc chính thức thứ tư trong gần 4 tháng qua giữa Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Ban Cán sự đảng các bộ nhằm tăng cường công tác phối hợp, bàn giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách, trọng tâm, trọng điểm đang đặt ra tại Thủ đô Hà Nội. Trước đó, đồng chí Bí thư Thành ủy đã làm việc với Ban Cán sự đảng các bộ: Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông.

Tham dự buổi làm việc có các Ủy viên Trung ương Đảng: Bí thư Ban Cán sự đảng - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng (Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020"), Phó Bí thư Thành ủy - Bí thư Ban Cán sự đảng - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.

Cùng dự có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo các bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND và các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.

Hàng loạt vấn đề cần giải quyết

Mở đầu buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù Hà Nội là đô thị đặc biệt, là Thủ đô, nhưng nông nghiệp, nông thôn và nông dân có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển của Thủ đô. Hiện nay, trong số 30 quận, huyện, thị xã của thành phố, có 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận vẫn còn sản xuất nông nghiệp. Số xã của thành phố cũng nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong cả nước (383 xã/579 xã, phường, thị trấn); tốc độ đô thị hóa cũng mới đạt xấp xỉ 50%. Trong bối cảnh đó, Thành ủy Hà Nội đã rất chú trọng chỉ đạo về “tam nông”, đặc biệt là qua Chương trình số 02-CTr/TU.

Thời gian qua, mặc dù chịu tác động tiêu cực của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, dịch Covid-19, nhưng sản xuất nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phát triển khá toàn diện. Trong quý I-2020, sản xuất nông nghiệp của thành phố tăng trưởng âm 1,17%, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, bước sang quý II, sản xuất nông nghiệp Thủ đô đã có bước đột phá, đưa tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1,61%. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh nông nghiệp cả nước chỉ tăng 1,18% trong nửa đầu năm nay.

Các lĩnh vực kinh tế nông thôn cũng đều có sự phát triển tích cực. Số sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được công nhận là 300, thành phố phấn đấu trong cả nhiệm kỳ 2015-2020 đạt 1.000 sản phẩm. Toàn thành phố đã có 353/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 92,4%), dự kiến cuối năm nay sẽ đạt trên 96%; 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người của nông dân tăng 1,26 lần so với cuối năm 2015 và đầu năm 2016.

Tuy nhiên, nông nghiệp Thủ đô vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác, cũng như còn nhiều hạn chế cần khắc phục để phát triển mạnh hơn nữa. Khoảng cách thu nhập bình quân đầu người giữa người dân ở nông thôn (55 triệu đồng/người/năm) với mức thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố (khoảng 120 triệu đồng/người/năm) còn rất lớn. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp nhìn chung chưa cao, năng suất lao động còn thấp. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 50%, nhưng kinh tế nông nghiệp tính đến cuối năm nay chỉ đóng góp khoảng 2,65% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố.

Thành phố cũng đang đứng trước nhiều bài toán liên quan đến quy hoạch, kế hoạch phát triển “tam nông” như: Tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao sẽ như thế nào? Sắp tới sẽ có 6 huyện chuyển thành quận, vậy vấn đề xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa ra sao? Có ý kiến đề nghị phải xây dựng nông thôn mới mang đặc trưng của Hà Nội, vậy đặc trưng là gì? Chưa kể hàng loạt vấn đề đang đặt ra rất cấp thiết như tái cơ cấu lao động nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng thủy lợi, quản lý đê điều...

Ngoài ra, thành phố đang rà soát để điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, phủ kín quy hoạch phân khu, trong đó có khu vực đất bãi ven sông Hồng... Những quy hoạch này đều có những yếu tố chính mà thành phố mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm thẩm định để thành phố có căn cứ triển khai các bước tiếp theo trình Chính phủ phê duyệt.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, đây là những vấn đề đặt ra cho cuộc làm việc. Hà Nội mong muốn cuộc làm việc sẽ là bước quan trọng để giải quyết tất cả những vấn đề quan trọng này, tạo điều kiện cho “tam nông” của Hà Nội phát triển xứng đáng với tiềm năng, thế mạnh, trong đó tăng trưởng nông nghiệp đạt được mục tiêu đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GRDP của Thủ đô ít nhất cao gấp 1,3 tăng trưởng GDP cả nước.

Kết quả cuộc làm việc còn là căn cứ để Thành ủy Hà Nội cập nhật, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Hà Nội kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 vấn đề

Thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo về kết quả phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với UBND thành phố Hà Nội từ năm 2017 đến nay, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu cho biết, hai bên đã phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình, nghị quyết, kế hoạch liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn Hà Nội.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu trình bày báo cáo tại buổi làm việc.

Trong đó, Hà Nội đã cơ cấu diện tích lúa được chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao dự kiến đến hết năm 2020 đạt 60%. Năm 2019, diện tích trồng bưởi của Hà Nội đã đạt 6.749ha, giá trị sản xuất thu được đạt 500-650 triệu đồng/ha/năm. UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2019-2020; hình thành 60 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn với tổng diện tích 7.229ha (diện tích quy hoạch là 9.167ha).

Hà Nội đi đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với khả năng có 96% số xã sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2020. Thành phố cũng đã có 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận thêm 7 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hà Nội còn tích cực kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản với các địa phương bạn; xây dựng và phát triển 786 chuỗi, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững. Trong đó, mục tiêu cụ thể tới năm 2025, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 2,5%/năm trở lên; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 70% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố; phấn đấu đến năm 2025 thành phố có 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy “tam nông” phát triển, thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên, Hà Nội kiến nghị, đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 15 vấn đề. Trọng tâm là: Quy hoạch thoát lũ khu vực ngoài bãi sông Hồng; cải tạo một số tuyến đê để bảo đảm giao thông; hỗ trợ trong tổ chức sản xuất, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường (huyện Gia Lâm); hỗ trợ, xúc tiến kêu gọi các đơn vị đầu tư chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm; thúc đẩy chăn nuôi, tái đàn lợn; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị.

Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong quy hoạch thoát lũ sông Hồng

Hội nghị đã tập trung trao đổi, thảo luận, làm rõ 15 kiến nghị của thành phố Hà Nội với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại cuộc làm việc. Trong đó, vấn đề quy hoạch thoát lũ sông Hồng trở thành tâm điểm thảo luận của các đại biểu.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, muốn quy hoạch được hai bên bờ sông Hồng và các bờ sông khác thì quy hoạch thoát lũ là quan trọng nhất. Do vậy, thành phố xin ý kiến lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ trương, hướng dẫn, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, vướng mắc quy hoạch đã kìm hãm phát triển ở khu vực này, các nhà đầu tư không dám đầu tư, các công trình đều "án binh bất động”.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, trước đây, thành phố Hà Nội đã thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp với đường giao thông là thuận tiện nhất. Nếu kết hợp được hai chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành sẽ giống như sông Hàn (Hàn Quốc).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.

Đề cập vướng mắc này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, một nhà đầu tư đã từng đề xuất thực hiện một dự án trồng hoa công nghệ cao Nhật Bản kết hợp phát triển du lịch 100ha ở khu vực xã Mai Lâm (huyện Đông Anh) nhưng bị vướng quy hoạch nêu trên. Thành phố đã thuyết phục nhà đầu tư kiên trì chờ đợi, nhưng đã hơn 10 năm mà chưa thể giải quyết. Do đó, thành phố rất mong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp để tháo gỡ vướng mắc này.

Trước những đề xuất của thành phố Hà Nội, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Quang Hoài cho biết, các tuyến đê của thành phố Hà Nội có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng còn rất nhiều công trình xung yếu. Riêng đê sông Hồng qua nội thành Hà Nội phải bảo đảm trường hợp lũ lớn hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng 500 năm mới có một lần. Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai cũng mong muốn sớm có quy hoạch thoát lũ sông Hồng, vì “mỗi lần kiểm tra khu vực bãi sông Hồng, bản thân tôi thấy không thể để tồn tại mãi tình trạng như hiện nay”.

Cử chuyên gia xuống hỗ trợ thành phố

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Hà Nội đã đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 một cách sáng tạo, quyết liệt và hiệu quả; chính kết quả của Hà Nội đã góp phần quan trọng vào thành quả chung của cả nước. Hà Nội cũng là đơn vị được Chính phủ chọn tái khởi động nền kinh tế, từ đó lan tỏa ra cả nước. Dư luận vừa qua đánh giá rất cao quyết tâm của Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP gấp 1,3 lần tăng trưởng GDP của cả nước; đặc biệt ấn tượng về cách thức tổ chức, kết quả với những con số rất ấn tượng của Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã nhìn ra vai trò, tầm quan trọng của “tam nông”, tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng các chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy; qua đó, huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực, giúp diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống nông dân được nâng cao, tạo tiền đề cho hướng phát triển đột phá của khu vực này trong thời gian tới. Phân tích cơ sở của mục tiêu phấn đấu tăng trưởng nông nghiệp trên 4% trong năm nay, như tập trung tái đàn lợn, tăng diện tích cây vụ đông, tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định hoàn toàn tin vào khả năng đạt được mục tiêu này của Hà Nội.

Trao đổi làm rõ các kiến nghị của thành phố, trong đó có kiến nghị về quy hoạch thoát lũ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình là cơ sở gốc của vấn đề quy hoạch thoát lũ sông Hồng tại Hà Nội; trong đó phải thực hiện được 2 nguyên tắc chính là bảo đảm cao trình đê là 13,4m và lưu lượng dòng chảy 20.000 m3/giây.

Trên cơ sở đó, với tinh thần quyết tâm cùng Hà Nội sớm tháo gỡ vấn đề, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị, thời gian tới, thành phố Hà Nội chủ trì xây dựng quy hoạch thoát lũ sông Hồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cử các chuyên gia hỗ trợ thành phố tối đa, nhất là trong việc rà soát các công trình nhằm bảo đảm an toàn chung và hai nguyên tắc chính theo Quyết định số 257/QĐ-TTg.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nêu rõ, với 14 kiến nghị khác của thành phố Hà Nội, Bộ sẽ trực tiếp giải quyết và có trả lời cụ thể với thành phố.

Cụ thể hóa ngay kết quả buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn, ghi nhận, đánh giá cao sự có mặt của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành trung ương. Điều này thể hiện tình cảm, trách nhiệm của các đơn vị với Thủ đô.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc.

Khẳng định những vấn đề đặt ra đã được trao đổi, thảo luận thẳng thắn, giải quyết cụ thể, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, đây là căn cứ quan trọng để thành phố bổ sung, hoàn thiện nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói chung.

Nhấn mạnh Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục xác định đúng tầm quan trọng của “tam nông” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU ở giai đoạn mới theo hướng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn. Trong đó, thành phố sẽ tập trung vào những nhóm giải pháp như: Tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thông qua chế biến, xuất khẩu; tổ chức liên kết, hợp tác, phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản với các tỉnh, thành phố trong cả nước; đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất nông nghiệp; thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Đề cập nội dung được thảo luận nhiều tại buổi làm việc là về quy hoạch thoát lũ sông Hồng, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ một lần nữa nhấn mạnh, việc tháo gỡ vướng mắc này, nhất là những nội dung chi tiết, phương án quy hoạch phòng, chống lũ, đề xuất liên quan đến khu vực bãi sông sẽ là nền tảng quan trọng không chỉ phục vụ cho phát triển nông nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho thành phố sớm phủ kín được quy hoạch phân khu, nhất là quy hoạch phân khu sông Hồng. Điều này còn tạo điều kiện để thành phố khai thác nguồn lực, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại và tạo điều kiện giải quyết sinh kế cho khoảng 900.000 người dân đang sinh sống ở khu vực này.

Đối với vấn đề thúc đẩy sản xuất trong điều kiện hậu dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy bày tỏ sự vui mừng khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với đề xuất của thành phố Hà Nội về tạo điều kiện để các doanh nghiệp Thủ đô nhập khẩu lợn giống, thương phẩm. Hà Nội mong muốn hợp tác với các cơ quan chức năng của Bộ trong vấn đề này.

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn trong phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết sẽ chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố tính toán để dành nguồn lực tập trung đầu tư cho lĩnh vực này.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa thành phố Hà Nội và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trên cơ sở chỉ đạo và thống nhất giữa Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, ngay tại buổi làm việc, đại diện hai cơ quan đã ký kết ban hành thông báo chung về cuộc làm việc. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã ký biên bản ghi nhớ để triển khai cụ thể kết quả cuộc làm việc này trong thời gian tới.

Võ Lâm - Ảnh: Viết Thành

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/972178/go-cac-nut-that-thuc-day-tam-nong-thu-do-phat-trien-xung-tam