Gỡ điểm nghẽn hạ tầng thúc đẩy phát triển đường sắt

Là một trong những loại hình vận tải xương sống của đất nước, trải dài từ Bắc vào Nam, nhưng đóng góp của ngành đường sắt đối với phát triển kinh tế-xã hội ngày càng hạn chế, thị phần liên tục giảm sút. Trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình vận tải khác, lĩnh vực đường sắt đang đứng trước nhiều khó khăn khi hạ tầng lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu.

Đầu tư ít, hiệu quả thấp

Theo cảm nhận của nhiều hành khách đi tàu, những năm gần đây, ngành đường sắt đã nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ. Thường xuyên đi lại trên tuyến Hà Nội-Vinh (Nghệ An), theo anh Đỗ Văn Hải, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội: Bộ mặt của ga Hà Nội, một trong những ga trung tâm trên hệ thống đường sắt đã thay đổi đáng kể, không còn cảnh hành khách xếp hàng dài mua vé mỗi dịp lễ, tết; với việc ứng dụng vé điện tử, việc mua vé, vào ga đi tàu đều thuận lợi hơn. Ga Hà Nội cũng đầu tư các cầu vượt qua đường ray để hành khách dễ dàng đi đến vị trí tàu đang đỗ. Tuy nhiên, anh Hải và cũng như hầu hết hành khách đi tàu nhìn nhận, nhiều điểm hạn chế của đường sắt khó khắc phục được trong một sớm một chiều, đó là thời gian đi tàu quá dài, qua nhiều đường ngang, giao cắt, vận hành chưa êm thuận... Việc nâng tốc độ chạy tàu khó thực hiện do khổ đường ray hẹp (chỉ 1m), trên tuyến có hơn 5.700 điểm giao cắt, nhiều đoạn đi qua khu dân cư. Hệ thống đường ngang dày đặc, trong đó hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Tàu vào ga Hà Nội. Ảnh: HUY HÙNG

Thị phần vận tải hành khách đường sắt hiện chiếm rất thấp, chỉ gần 0,3%, vận chuyển hơn 9,7 triệu lượt hành khách/năm. Thị phần vận tải hàng hóa khoảng hơn 0,4% với hơn 5 triệu tấn/năm. Đầu tư cho đường sắt cũng ở mức khiêm tốn. Theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2011-2015, tổng mức đầu tư cho đường sắt là 9.203 tỷ đồng, chiếm 2,77% toàn ngành GTVT. Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), cho biết: "Hiện nay, tốc độ phát triển của công nghệ ngày càng cao nhưng chúng ta vẫn sử dụng hạ tầng đường sắt có tuổi đời hơn 100 năm. Toàn bộ kết cấu hạ tầng đường sắt hiện do Nhà nước đầu tư và bảo trì. Tuy nhiên, nguồn kinh phí bảo trì chỉ đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu hằng năm, dẫn đến nhiều hạng mục không được bảo trì, sửa chữa, dồn tích lại sau nhiều năm". Theo ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT): Không chỉ hạ tầng mà phương tiện ngành đường sắt cũng đã cũ, với 300 đầu máy, khoảng 5.000 toa xe hàng, 1.000 toa xe khách nhưng gồm nhiều chủng loại nên hiệu quả sử dụng chưa cao, bảo dưỡng, sửa chữa còn khó khăn. Nhiều chuyên gia nhận xét, trong khi đất nước không ngừng phát triển thì riêng ĐSVN lại đứng im, thậm chí thụt lùi.

Cần tầm nhìn dài hạn để đầu tư cho đường sắt

Một trong những nhiệm vụ cấp bách của ngành đường sắt hiện nay là tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn. Khi chưa thể xóa bỏ được các lối đi dân sinh tự mở và quản lý tốt các đường ngang hiện hữu thì tai nạn đường sắt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Văn Thạch cho biết: "Theo quy định tại Luật Đường sắt, các địa phương phải có trách nhiệm quản lý hành lang an toàn đường sắt, các điểm giao cắt tự mở. Khi quy hoạch phát triển khu đô thị phải tính đến việc cắt qua đường sắt, nhưng hầu như nhiều địa phương vẫn cấp đất cho dân vào hành lang an toàn đường sắt. Chính vì vậy, trong luật đã yêu cầu các địa phương phải quản lý lối đi tự mở, điểm giao cắt giữa đường sắt với các đường của địa phương". Vừa qua, Quốc hội đã quyết định dành 7.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của vốn đầu tư công trung hạn cho ngành đường sắt. Theo ông Vũ Anh Minh, gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn sẽ dành để giải quyết những vấn đề cơ bản của đường sắt hiện nay như đồng đều tải trọng trên toàn tuyến, xóa khoảng 1.000 lối đi dân sinh. "Chúng ta không thể đóng hết đường ngang được mà phải làm đường gom. Thay vì 200m có một đường ngang thì 2km có một lối đi phục vụ dân sinh", ông Vũ Anh Minh cho biết.

Đặt ngành đường sắt trong bài toán tổng thể phát triển kinh tế đất nước, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận: "Nước ta có những lợi thế rất cơ bản để phát triển đường sắt, các nước phát triển trên thế giới đi lên đều dựa vào đường sắt vì hiệu quả đem lại về mặt kinh tế-xã hội rất lớn. Để phát triển kinh tế Việt Nam, đường sắt phải có một vị trí chiến lược".

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ năm (Quốc hội khóa XIV), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Hiện nay, chỉ có Việt Nam và một vài nước còn sử dụng đường sắt khổ 1m, trong khi tiêu chuẩn của thế giới là khổ 1,435m, nếu chúng ta bỏ nhiều tiền để nâng cấp đường sắt hiện tại trong khi hiệu quả thấp và không kết nối được sẽ phát sinh những vấn đề mâu thuẫn. Vì lý do đó mà đầu tư cho đường sắt trong thời gian qua còn hạn chế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, về lâu dài, Bộ GTVT đang xây dựng đề án tuyến đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao, dự kiến báo cáo Quốc hội trong năm 2019. Mặc dù dự án có nguồn vốn lớn nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, mỗi nhiệm kỳ dành một phần kinh phí thì dần dần sẽ hình thành được tuyến đường sắt mới. Có như vậy mới thúc đẩy được hoạt động vận tải cũng như góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/go-diem-nghen-ha-tang-thuc-day-phat-trien-duong-sat-543937