Gỡ 'điểm nghẽn' tiêu chí an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới

An toàn thực phẩm là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

Xã Thọ Diên hiện có 138 hộ sản xuất bánh gai truyền thống, các hộ đang hoàn thiện các tiêu chí an toàn thực phẩm để sớm đón nhận xã nông thôn mới.

Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch xây dựng 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên đến nay mới có 19 xã được công nhận, các xã còn lại vẫn đang trong quá trình thẩm định.

Nguyên nhân được xác định là do trong quá trình thực hiện tiêu chí về an toàn thực phẩm, các địa phương gặp phải khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung về chợ an toàn thực phẩm và cửa hàng an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đầu tư cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; bất cập trong hệ thống các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện...

Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực để hoàn thành mục tiêu về nông thôn mới năm 2018.

Tại Hội nghị tháo gỡ những khó khăn trong việc xét duyệt xã, huyện nông thôn mới năm 2018 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã kết luận về việc xét công nhận xã nông thôn mới.

Theo đó, tỉnh tiếp tục áp dụng bộ tiêu chí của Trung ương, không áp tiêu chí phải đạt xã an toàn thực phẩm mới đạt xã chuẩn nông thôn mới khi thẩm định. UBND tỉnh giao Văn phòng điều phối nông thôn mới phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các địa phương khẩn trương trình thẩm định xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới bảo đảm mục tiêu 42 xã và 2 huyện về đích nông thôn mới trong năm 2018 theo kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Y tế tỉnh rà soát, hướng dẫn thực hiện tiêu chí an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới theo đúng quy định của Trung ương. Theo đó, Sở Y tế Thanh Hóa ra Công văn hướng dẫn hồ sơ thẩm định các tiêu chí về y tế, xã an toàn thực phẩm bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Có thể khẳng định, chỉ tiêu về an toàn thực phẩm thực tế đã và đang trở thành “điểm nghẽn” của nhiều địa phương phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bởi cùng một thời điểm nhiều địa phương phải thực hiện đồng thời 2 quá trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới và xây dựng xã an toàn thực phẩm.

Trong khi đó, chưa có mô hình thí điểm về xã an toàn thực phẩm nên chưa có sự đánh giá, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để các địa phương thực hiện. Do vậy, tháo gỡ được “điểm nghẽn” này đã tạo được sự đồng thuận lớn từ các địa phương. Ngay sau khi có thông báo của UBND tỉnh Thanh Hóa và hướng dẫn của Sở Y tế, nhiều xã đã hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để xin được thẩm định các tiêu chí nông thôn mới

Theo tiêu chí xã an toàn thực phẩm, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa hiện mới chỉ đạt 10/30 tiêu chí. Với việc hoàn thành các nội dung còn lại hết sức khó khăn. Trong khi đó, nếu căn cứ theo Quyết định số 69/QĐ-BNN-VPĐP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Hoằng Sơn đã đạt 100%.

Ông Trần Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Sơn cho biết, sau khi tháo gỡ được khó khăn trong thẩm định tiêu chí về an toàn thực phẩm, cuối tháng 10/2018, đoàn thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới tỉnh đã tổ chức xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 cho 5 xã của huyện Hoằng Hóa; trong đó có xã Hoằng Sơn.

Bánh Gai Thọ Diên nổi tiếng thơm, ngon và đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xã Thọ Diên (Thọ Xuân) đăng ký về đích nông thôn mới vào năm 2018, tuy nhiên, dù xã đã được UBND huyện Thọ Xuân thẩm định đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới và có tờ trình thẩm định xã đạt chuẩn nông thôn mới, song “lộ trình” để được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn vướng mắc bởi tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Ông Lê Hữu Tùng, Chủ tịch UBND xã Thọ Diên cho hay, theo hướng dẫn mới của Sở Y tế, hiện địa phương đang tập trung hoàn thiện tiêu chí về an toàn thực phẩm. Theo đó, 138 hộ dân, tham gia sản xuất bánh gai truyền thống đều được khám sức khỏe định kỳ. Tất cả nguyên liệu sản xuất được truy xuất nguồn gốc; các quy định về an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt; các hộ cam kết không sử dụng phụ gia, hóa chất… Đến nay, Thọ Diên đã được công nhận xã nông thôn mới và phấn đấu quý I/2019 sẽ tổ chức lễ đón nhận…

Xã Hoằng Minh (Hoằng Hóa), cũng là một trong những địa phương gặp khó trong quá trình thẩm định công nhận xã nông thôn mới. Để được công nhận xã nông thôn mới, UBND huyện Hoằng Hóa giao UBND xã Hoằng Minh xây dựng 2 chuỗi cung ứng thịt gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên điều kiện thực tế của địa phương chủ yếu chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ nên rất khó khăn trong xác nhận nguồn gốc xuất xứ và giám sát về an toàn thực phẩm. Sau khi có quy định mới, địa phương đã được thẩm định và hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các tiêu chí về an toàn thực phẩm sẽ được địa phương tiếp tục hoàn thiện sau khi được công nhận nông thôn mới…

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 260 xã và 1 huyện (Yên Định) đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 343 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Bài và ảnh: Khiếu Tư (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/go-diem-nghentieu-chi-an-toan-thuc-pham-trong-xay-dung-nong-thon-moi-20181202205610746.htm