Gỡ khó cho cây khoai mì

Là cây trồng mang lại giá trị kinh tế khá cho nông dân xứ núi Tịnh Biên (An Giang), khoai mì đã cho thấy khả năng thích nghi cao với điều kiện, khí hậu thổ nhưỡng địa phương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh và thời tiết nắng nóng đã làm phát sinh một số khó khăn cho cây khoai mì khiến nông dân lo lắng.

Từ năm 2017, mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu khoai mì được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tịnh Biên và Tập đoàn Sao Mai. Theo đó, Tập đoàn Sao Mai hỗ trợ nông dân về giống, vật tư và bao tiêu sản phẩm, còn ngành nông nghiệp địa phương sẽ hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Qua thời gian thực hiện, mô hình đã mang đến kết quả tích cực khi giống khoai mì KM140 do Tập đoàn Sao Mai cung cấp cho năng suất vượt khoảng 30% so với giống KM94 truyền thống được nông dân trồng nhiều tại địa phương. Từ đó, nông dân có thể nâng cao lợi nhuận từ rẫy khoai của mình.

Khi tham gia vào vùng nguyên liệu của Tập đoàn Sao Mai, nông dân có thể bán khoai mì cho doanh nghiệp (DN) này theo giá thị trường. Với năng suất từ 32-35 tấn/ha sau 8 tháng canh tác, khoai mì KM140 có thể mang đến lợi nhuận trên 17 triệu đồng/ha mỗi vụ sản xuất cho nông dân. Thực tế, đây là mức lợi nhuận cao đối với vùng đất cát, đất triền dốc quanh năm phụ thuộc “nước trời” ở Tịnh Biên.

Do đó, đây là mô hình phù hợp, có thể giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại địa phương. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, từ đầu năm tới nay đã khiến diện tích khoai mì trong vùng nguyên liệu của Tập đoàn Sao Mai bị ảnh hưởng, bởi lượng giống hao hụt từ đầu vụ.

DaNgoài ra, bệnh khảm lá mì đang diễn biến phức tạp khiến cho nông dân bị thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng tinh bột của khoai mì. Do đó, việc cần thiết trước mắt là gỡ khó, ổn định đầu ra cho nông dân trong bối cảnh thời tiết không thuận lợi cũng như dịch bệnh đang hoành hành trên cây khoai mì.

Hiện nay, Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên đang kết nối với Tập đoàn Sao Mai để chuẩn bị kế hoạch cho vụ thu hoạch năm 2020. Hiện nay, Tập đoàn Sao Mai đã thống kê diện tích sẽ thu hoạch trong năm nay là 80ha, tập trung chủ yếu ở các xã: An Cư, Văn Giáo.

Tuy nhiên, diện tích này còn khá khiêm tốn so với khoảng 500ha đất canh tác khoai mì cả năm trên địa bàn huyện Tịnh Biên. Vì vậy, việc Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên kiến nghị DN mở rộng diện tích thu mua là hợp lý, nhằm đảm bảo đầu ra cho nông dân.

Ngoài ra, cũng cần có cơ chế ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nông dân ngay từ đầu vụ. Thực tế, nông dân tham gia vào vùng nguyên liệu của Tập đoàn Sao Mai chỉ được DN này thống kê diện tích sản xuất từ đầu vụ mà không biết chắc mình có bán được khoai khi thu hoạch hay không. Do đó, việc ký kết hợp đồng tiêu thụ sẽ giúp nông dân yên tâm hơn và gắn chặt trách nhiệm của các bên liên quan vì lợi ích cho cả 2 phía.

Với bệnh khảm lá mì, Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên sẽ tăng cường theo dõi, hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật. Khi phát hiện dịch bệnh này, cần tuyên truyền người trồng nhổ bỏ và tái sản xuất lại vụ khác bởi năng suất, chất lượng khoai vào cuối vụ sẽ rất thấp khiến nông dân thua lỗ.

Do khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù, Tịnh Biên có đủ điều kiện để trở thành “thủ phủ” của cây khoai mì công nghiệp ở miền Tây và đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu này trong những năm qua. Thực tế, khoai mì là giải pháp tối ưu để nông dân xứ núi chuyển đổi, phát triển sản xuất tại những vùng đất trồng lúa không hiệu quả và chưa được đầu tư công trình thủy lợi. Tuy nhiên, để đảm bảo đầu ra và nguồn thu ổn định từ loại cây này, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành và nhất là DN tham gia liên kết với nông dân để cây khoai mì thực sự là “cây thoát nghèo” của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại Tịnh Biên.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/go-kho-cho-cay-khoai-mi-a277587.html