Gỡ khó để phát triển trường mầm non trong khu công nghiệp

Để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân lao động (CNLĐ) làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng trường mầm non công lập (MNCL) phục vụ riêng con CNLĐ. Tuy nhiên, do sự phát triển dân số cơ học ở các địa bàn có KCN, KCX quá lớn nên số trường MNCL ở khu vực này chưa đáp ứng đủ nhu cầu, khiến việc tìm trường mầm non cho con vẫn là nỗi lo của không ít CNLĐ.

Nhu cầu lớn, đáp ứng còn hạn chế

Từ KCN Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) tôi gọi xe máy qua ứng dụng Grab tới xã Kim Chung-địa bàn thu hút lượng lớn công nhân tại KCN này đến sinh sống và làm việc. Hỏi chuyện anh lái xe là Tạ Hồng Tuyến (quê Ứng Hòa, Hà Nội) được biết, vợ chồng anh cũng là công nhân làm việc tại hai công ty ở KCN Thăng Long. Dù làm việc tại KCN có quy mô lớn và hiện đại nhất nhì Thủ đô nhưng cuộc sống của vợ chồng anh Tuyến vẫn còn nhiều vất vả. Dịch Covid-19 khiến anh chị phải giảm ca, giảm giờ làm do doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Vì nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền nên ngoài giờ làm anh Tuyến tranh thủ chạy Grab để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, khó khăn nhất của vợ chồng anh lại không phải chuyện kiếm tiền mà chính là gửi con ở đâu để yên tâm đi làm. Thuê nhà trọ trong xã Kim Chung từ năm 2014, những ngày đầu, vợ chồng anh Tuyến phải gửi con tại một nhóm lớp mầm non độc lập tư thục (MNĐLTT) trên địa bàn xã do thời điểm đó, xã chỉ có một trường MNCL và luôn trong tình trạng quá tải. Dù hiện tại xã đã có thêm một trường MNCL mới, nhưng vợ chồng anh vẫn chưa thể gửi con thứ hai vào trường. Bởi, cháu mới hơn 12 tháng tuổi, chưa đủ tuổi nhà trường tiếp nhận, nên anh Tuyến phải nhờ mẹ lên trông.

Hiện, trên địa bàn toàn TP Hà Nội có 9 KCN, KCX đang hoạt động với 650 dự án, thu hút hơn 160.000 CNLĐ, trong đó CNLĐ nữ chiếm hơn 70% và gần 50% CNLĐ có nhu cầu tạm trú trên địa bàn KCN, KCX. Riêng xã Kim Chung hiện có xấp xỉ 17.000 CNLĐ đến cư trú với 2.600 trẻ dưới 36 tháng, gần 4.000 trẻ 4-5 tuổi. Ông Hoàng Đức Khang, Phó chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết: “Đã có thời điểm, người dân địa phương viết đơn kiến nghị phản đối việc con công nhân trên địa bàn được học tại trường MNCL vì lúc đó toàn xã chỉ có một trường MNCL. Để giải quyết bài toán quá tải, hiện nay xã đã đầu tư, xây mới thêm một trường MNCL và hai điểm trường lẻ, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ vào trường công của người dân cũng như CNLĐ trên địa bàn”.

Năm học 2020-2021, Trường Mầm non Kim Chung A chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục 845 trẻ, trong đó có tới 80% là con CNLĐ. Được thành lập từ năm 2016 đến nay, Trường Mầm non Kim Chung A là một trong hai trường MNCL trên địa bàn xã Kim Chung được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại và đáp ứng cơ bản nhu cầu gửi con của CNLĐ. Tiếp chúng tôi, bà Nguyễn Kim Thoa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do phần lớn trẻ của nhà trường là con CNLĐ nên thời gian trả trẻ hằng ngày cũng muộn hơn so với các trường khác. Cùng với đó, nhà trường tổ chức trông trẻ cả ngày thứ 7 để đáp ứng nhu cầu làm ca kíp của các phụ huynh là CNLĐ”.

 Một ngày học của cô và trò Trường Mầm non Kim Chung A (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HOÀI.

Một ngày học của cô và trò Trường Mầm non Kim Chung A (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HOÀI.

Thực tế tại các KCN, KCX, phần lớn CNLĐ không dễ trong việc chọn trường để gửi con. Lý do không chỉ thiếu trường MNCL mà còn nhiều nguyên nhân khác, như: Các trường MNCL thường chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân nữ chỉ được nghỉ thai sản 6 tháng. Mặt khác, số trường MNCL tạo điều kiện trả trẻ muộn và tổ chức trông trẻ cả thứ 7 như Trường Mầm non Kim Chung A cũng không nhiều. Thế nên, không ít CNLĐ phải lựa chọn gửi con ở các nhóm lớp MNĐLTT hay gửi ông bà, thậm chí có người phải xin nghỉ việc tạm thời để ở nhà trông con.

Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục mầm non

Rào cản lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng trường mầm non ở các KCN, KCX chính là quỹ đất. Do không có quỹ đất để xây dựng các trường MNCL, một số địa phương chủ trương đẩy mạnh và cho phép các nhà đầu tư mở trường, nhóm lớp MNĐLTT để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ trên địa bàn có các KCN, KCX. Đây cũng là một trong những “điểm sáng” của ngành giáo dục mầm non (GDMN) ở TP Cần Thơ.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, toàn thành phố có 181 trường MNCL, 155 nhóm lớp MNĐLTT; trong số này có 10 trường MNCL, 26 nhóm lớp MNĐLTT tại KCX, KCN. Bà Thiệu Thị Kim Chi, Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) cho biết: “Để khuyến khích, hỗ trợ nhóm lớp MNĐLTT ở KCN, KCX phát triển, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ tham mưu UBND thành phố hỗ trợ mua sắm đồ chơi cho trẻ trị giá hàng trăm triệu đồng mỗi năm; hỗ trợ giáo viên mầm non bằng 0,5 mức lương cơ bản và hỗ trợ người làm công tác phổ cập bằng 0,3 mức lương cơ bản. Năm học này, ngành giáo dục TP Cần Thơ tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất giải quyết vấn đề trường lớp tại khu vực có KCN, KCX, khu đông dân cư. Đặc biệt, đầu tư xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, nhất là ở các điểm trường lẻ”.

Hiện nay, TP Hà Nội có 2.678 nhóm lớp MNĐLTT, trong đó, địa bàn KCN có gần 40 nhóm lớp. Theo bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT TP Hà Nội): Mặc dù Sở GD&ĐT TP Hà Nội không khuyến khích mở các nhóm lớp MNĐLTT nhưng trong bối cảnh các nhà đầu tư không đủ điều kiện về quy mô trường; quỹ đất của các địa phương còn khan hiếm thì mô hình này là thực tế cấp thiết để đáp ứng nhu cầu gửi con của CNLĐ.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) đánh giá: “Thời gian qua, GDMN ở các địa bàn có KCN, KCX đã có nhiều phát triển về quy mô và chất lượng chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, do sự phát triển dân số cơ học ở các địa bàn có KCN, KCX quá lớn nên số trường MNCL ở khu vực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ”.

Đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh xã hội hóa trong GDMN nói chung và GDMN ở các địa bàn có KCN, KCX nói riêng, ông Nguyễn Bá Minh cho biết: “Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển GDMN, trong đó có rất nhiều chính sách ưu tiên đối với GDMN ở địa bàn có KCN, KCX. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-11-2020. Những cơ chế được nêu tại nghị định sẽ là căn cứ để các địa phương ban hành giải pháp, chính sách khắc phục những khó khăn, bất cập đối với GDMN ở KCN, KCX, đáp ứng nhu cầu của CNLĐ”.

“Theo số liệu thống kê, toàn quốc có hơn 300 KCN, KCX được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố; trong đó có 17 tỉnh, thành phố tập trung hơn 50.000 CNLĐ làm việc tại KCN, KCX. Nhu cầu cao về lao động làm việc tại các KCN, KCX dẫn tới gia tăng dân số, kéo theo nhu cầu thiết yếu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của CNLĐ”, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) thông tin.

NGUYỄN HOÀI - THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/go-kho-de-phat-trien-truong-mam-non-trong-khu-cong-nghiep-635022