Gỡ khó tín dụng cho người nghèo, vùng khó khăn

Tính đến hết ngày 31.12.2021, tổng doanh số cho vay tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg là trên 84.000 tỷ đồng; dư nợ chương trình trên 27.000 tỷ đồng; dư nợ bình quân khoảng 39 triệu đồng/hộ; nợ quá hạn chiếm 0,21% dư nợ; nợ khoanh chiếm 0,37% dư nợ.

Trong khi đó, tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn tổng doanh số cho vay đạt trên 1.600 tỷ đồng; dư nợ chương trình trên 180 tỷ đồng; dư nợ bình quân 46 triệu đồng/khách hàng; nợ khoanh chiếm 0,52% dư nợ.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các chương trình tín dụng vùng đã giúp trên 3 triệu lượt hộ gia đình sản xuất kinh doanh, thương nhân vùng khó khăn được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, hoạt động thương mại. Đặc biệt, vốn cho vay ưu đãi được triển khai đến 100% xã thuộc khu vực khó khăn, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh một số vấn đề xác định vùng khó khăn, đối tượng được thụ hưởng... Trong đó, nổi lên danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn đã nhiều lần được cập nhật, sửa đổi, trong khi đó các văn bản về hỗ trợ tài chính lại chưa theo kịp. Đơn cử, có trường hợp một số thôn không thuộc danh mục các xã vùng khó khăn nhưng lại thuộc danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành cho từng giai đoạn. Do đó, việc quy định “vùng khó khăn” chỉ bao gồm các đơn vị hành chính cấp xã đã dẫn đến trường hợp các thôn đặc biệt khó khăn nhưng lại không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đáng nói hơn Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg quy định: đối tượng thụ hưởng theo hướng “các hộ gia đình không thuộc diện hộ nghèo” để tránh việc các hộ gia đình đã được vay vốn sản xuất kinh doanh theo chương trình tín dụng hộ nghèo tiếp tục được vay vốn trùng lắp. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có nhiều chương trình tín dụng cho hộ gia đình để sản xuất kinh doanh khác như chương trình tín dụng cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, chương trình cho vay giải quyết việc làm. Phản ánh của Ngân hàng Chính sách xã hội ở các địa phương cho thấy, mức cho vay tối đa đối với hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân là cá nhân không thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế khoán là 50 triệu đồng (đã được nâng mức vay từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng vào năm 2016) là thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vốn của hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại vùng khó khăn.

Hơn nữa, Khoản 2, Điều 10 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, hình thức bảo đảm tiền vay là bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm. Vậy nhưng thực tiễn thi hành hai văn bản này cho thấy, đa số hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh hàng hóa nhỏ, lẻ. Vốn vay chủ yếu đầu tư vào vốn lưu động để mua nguyên vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và các loại hàng hóa với thời gian luân chuyển ngắn. Sau khi tài sản bảo đảm tiền vay được hình thành, tổ chức tín dụng không thể kiểm soát được tình trạng về tài sản dẫn đến công tác xử lý tài sản bảo đảm không thực hiện được; đồng thời quy định này cũng đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của hộ kinh doanh cá thể.

Phạm Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/go-kho-tin-dung-cho-nguoi-ngheo-vung-kho-khan-i293893/