Gỡ 'nghẽn' các cửa ngõ qua Đồng Nai: Bài 3: Loay hoay điều chỉnh các nút giao

Tình trạng bất cập, mất an toàn tại những giao lộ trên các quốc lộ, tuyến giao thông trọng điểm từ lâu đã là vấn đề khiến các cơ quan chức năng phải “đau đầu”. Do đó, những năm gần đây, nhất là từ giữa năm 2023 đến nay, hàng loạt vị trí “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT) ở những nút giao lớn đã được các cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành thi công, khắc phục bất cập.

Lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiểm tra thực tế tại cụm nút giao Cổng 11 (thành phố Biên Hòa) vào tháng 11-2023. Ảnh: Đăng Tùng

Trong đó, giải pháp trước mắt đã được thực thi là tổ chức lại giao thông qua một số nút giao là “điểm đen” TNGT

* Xử lý đồng loạt nhiều “điểm đen”

Giải pháp chủ yếu trước mắt được Ban An toàn giao thông (ATGT) và ngành chức năng đưa ra là phân luồng giao thông, điều tiết các loại xe di chuyển theo phương án mới, hạn chế các luồng xe khác hướng đan xen vào nhau tại các nút giao thường xảy ra ùn tắc, TNGT.

Cụ thể, tại vòng xoay Cổng 11 (giao giữa đường Bùi Văn Hòa - đường Võ Nguyên Giáp), Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận đã lắp đặt đèn tín hiệu giao thông, kéo dài dải phân cách giữa, bổ sung 4 đảo giao thông phân làn, điều chỉnh vạch sơn, thu nhỏ vòng xoay… Còn tại nút giao giao quốc lộ 51 với đường Võ Nguyên Giáp, ngã ba sân Golf Long Thành và ngã ba đường chuyên dùng vào cụm mỏ đá Tân Cang, cơ quan chức năng đã điều chỉnh pha đèn giao thông, bố trí dải phân cách tách riêng làn cho xe máy…

Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Não Thiên Anh Minh cho hay, hiện còn 2 nút giao lớn là: nút giao giữa quốc lộ 51 với đường dẫn lên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và ngã ba Nhơn Trạch chưa được xử lý triệt để. Vì nút giao giữa quốc lộ 51 với đường dẫn lên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây còn liên quan đến chủ trương đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc này. Còn ngã ba Nhơn Trạch đang được các cơ quan chức năng của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh tiến hành từng bước thủ tục để mở rộng nút giao.

Riêng tại ngã tư Vũng Tàu, từ giữa năm 2023, cơ quan chức năng đã đặt một số biển báo phân luồng với các loại xe ô tô, nhằm giảm lượng xe đổ đồn vào giao lộ trong giờ cao điểm. Cụ thể, trên quốc lộ 1 (hướng từ Thành phố Hồ Chí Minh đi tỉnh Đồng Nai), các loại xe ô tô bị cấm rẽ trái tại ngã tư Vũng Tàu trong 2 khung giờ: 6h30-8h30 và 16h30-19h. Trên đường song hành quốc lộ 1 từ vòng xoay siêu thị Big C Đồng Nai hướng ra ngã tư Vũng Tàu, cấm lưu thông với xe khách và xe tải (trừ xe buýt).

Ngoài ra, từ nửa cuối năm 2023, cơ quan chức năng cũng bố trí các biển báo mới nhằm hạn chế tốc độ, cấm dừng đậu tại một số nút giao lớn dọc quốc lộ 51. Điển hình như việc quy định tốc độ tối đa cho phép trên quốc lộ 51 tại khu vực ngã ba Thái Lan (đoạn qua thành phố Biên Hòa và huyện Long Thành) là 60km/h để đảm bảo an toàn cho các phương tiện nhỏ hơn. Cùng với đó là bố trí biển cấm dừng, đậu tại 4 vị trí qua địa phận xã Long An (gần nút giao với đường dẫn lên đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây).

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng: Triển khai các giải pháp chống ùn tắc tại các nút giao

Ngã tư Vũng Tàu và cụm nút giao Cổng 11 đều thuộc địa phận thành phố Biên Hòa là các giao lộ giữa quốc lộ 1, quốc lộ 51 với các tuyến giao thông quan trọng. Đây là những giao lộ có tình hình giao thông phức tạp, cần phải có giải pháp phân luồng trước mắt và đầu tư về hạ tầng lâu dài để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bởi đây không chỉ là những nút giao thông trọng điểm mà còn là cửa ngõ của các khu công nghiệp, kết nối giao thương giữa Đồng Nai và các tỉnh, thành lân cận.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai, của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cần phải cùng nghiên cứu, đề xuất, triển khai các giải pháp chống ùn tắc, giảm tai nạn tại các nút giao này.

Minh Thành (ghi)

* Vừa điều chỉnh lại phát sinh bất cập

Thực tế, việc điều chỉnh phân luồng tại các nút giao lớn nêu trên vẫn chưa giải quyết triệt để các bất cập liên quan đến an toàn giao thông, ùn tắc giao thông tại các nút giao nói trên.

Cụ thể, tại cụm nút giao cổng 11 đến nay đã thu hẹp vòng xoay, gắn đèn giao thông, hạn chế kẹt xe cục bộ, kéo dài nhưng lại xuất hiện dòng xe xếp hàng dài chờ đèn trên quốc lộ 51, đường Võ Nguyên Giáp và Bùi Văn Hòa dẫn đến các xe di chuyển chậm, ùn tắc giao thông tuy có giảm nhưng vẫn xảy ra… Do xe quá đông nên việc bố trí đèn tín hiệu, phân luồng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, nên UBND tỉnh đã đề xuất các cơ quan trung ương cần nghiên cứu xây dựng nút giao khác mức (hầm chui, cầu vượt) ở đây.

Tài xế Thân Văn Thắng (lái xe giữa các khu công nghiệp tại thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom) kiến nghị, vòng xoay Cổng 11 đã được bố trí đèn tín hiệu giao thông, đường kính vòng xoay Cổng 11 cũng được thu nhỏ từ 20m xuống còn 5m, giúp các xe khi đi vào nút giao đỡ mất thời gian hơn. Nhưng hiện nay tại vị trí giao giữa quốc lộ 51 và đường Võ Nguyên Giáp, các biển chỉ dẫn còn khiến người lái xe thắc mắc khi thực địa là từ quốc lộ 51 đi thẳng để vào đường Võ Nguyên Giáp nhưng bảng chỉ dẫn lại là rẽ trái. Điều này khiến một số tài xế lần đầu đi qua đây bị lúng túng.

Ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, công an các địa phương chú ý tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm tại các giao lộ “nóng”, phức tạp như: ngã tư Vũng Tàu, vòng xoay Tam Hiệp, ngã tư Amata (đều thuộc thành phố Biên Hòa), ngã ba Trị An (huyện Trảng Bom), ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất)... Đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện phương án tổ chức, điều tiết giao thông, sẵn sàng giải tỏa, ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố kẹt xe, tai nạn, không để phát sinh kẹt xe kéo dài.

Còn tại ngã ba Sân golf Long Thành và ngã ba đường chuyên dùng vào cụm mỏ đá Tân Cang sau phân luồng vào tháng 1-2024 thì việc di chuyển của người đi xe máy đã thuận lợi hơn khi được tách riêng làn đường nhưng lại hình thành dòng xe ô tô xếp hàng dài chờ đèn đỏ ở làn đường cho xe ô tô đi thẳng. Việc này được các tài xế chỉ ra là do thời gian pha xanh dành cho xe ô tô trên quốc lộ 51 ngắn, không phù hợp với lượng xe đông đúc, đổ dồn về, nhất là vào giờ cao điểm.

Do đó, vào tháng 2-2024, cơ quan chức năng của tỉnh đã cho điều chỉnh pha đèn tại ngã ba đường chuyên dùng vào cụm mỏ đá Tân Cang để tạo điều kiện cho dòng xe ô tô đi thẳng trên quốc lộ 51 (hướng huyện Long Thành đi thành phố Biên Hòa). Đồng thời buộc các xe dừng chờ đèn đỏ trên quốc lộ 51 (hướng ngược lại) để hạn chế tình trạng ùn tắc tại giao lộ này và ngã ba Sân golf Long Thành cách đó khoảng 500m.

Vì không gian tại các nút giao không “nở” ra, còn lượng xe ô tô tăng liên tục (đầu năm 2022 ghi nhận có khoảng 195 ngàn xe ô tô đang được Đồng Nai quản lý, thì đến cuối năm 2023, con số này đã chạm mốc hơn 247 ngàn xe) nên việc phân luồng, bố trí nút giao vẫn chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết triệt để các bất cập, đòi hỏi phải có phương án lâu dài, tổng thể từ việc quy hoạch khu dân cư, quy hoạch hạ tầng giao thông, triển khai nhiều tuyến đường kết nối và đảm bảo tiến độ các dự án giao thông. Đây là việc mà không phải chỉ một cơ quan, một ngành chức năng có thể làm được mà đòi hỏi cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương.

Đặng Ngọc - Đăng Tùng

Bài 4: Tạo bứt phá về hạ tầng, chuyển biến về ý thức

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/go-nghen-cac-cua-ngo-qua-dong-nai-bai-3-loay-hoay-dieu-chinh-cac-nut-giao-5da44df/