Gỡ 'nút thắt', đưa ĐBSCL thành vùng kinh tế trọng điểm

Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi đã có tham luận với chủ đề “Phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, xây dựng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu”, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, sáng 28/1.

Tham luận đề cập thực tiễn ĐBSCL, trong đó có Bến Tre, nhằm minh họa và góp phần làm rõ thêm các vấn đề về phát triển toàn diện, bền vững ĐBSCL trong bối cảnh tác động có tính toàn cầu của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng được nêu trong các văn kiện trình Đại hội.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khẳng định, với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, các tỉnh khu vực BĐSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, dẫn đến tụt hậu về nhiều mặt so với khu vực phía Nam và bình quân chung cả nước.

Và hiện đang tồn tại nhiều “nút thắt” cản trở sự đi lên của vùng, như thiếu một tầm nhìn chiến lược chung cho cả khu vực; tài nguyên đất, nước và môi trường khai thác sử dụng chưa hiệu quả; số lượng và chất lượng lao động chưa đáp ứng yêu cầu; sự thay đổi về mặt nhân khẩu học, di dân ra khỏi vùng với số lượng lớn; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có của vùng và yêu cầu phát triển; nguồn lực đầu tư rất hạn chế, thiếu nền tảng thu hút đầu tư tư nhân; chậm đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho hay, một trong những thách thức lớn mà ĐBSCL đang phải đối mặt là BĐKH.

Nếu như Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, thì BĐSCL là một trong những đồng bằng trên thế giới bị tác động mạnh do BĐKH và nước biển dâng. Là một châu thổ trẻ, BĐSCL rất mẫn cảm trước tác động mang tính toàn cầu của BĐKH, dẫn đến những ưu thế về điều kiện tự nhiên cho sự phát triển trước đây và hiện nay của vùng sẽ phải thay đổi. Điều dễ nhận thấy nhất là sự suy giảm về tài nguyên nước và phù sa, tình trạng mặn xâm nhập sâu và hạn hán kéo dài (năm 2016 năm 2019-2020), nước biển dâng sẽ tác động tiêu cực đến tài nguyên đất và hệ sinh thái, môi trường...

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre khẳng định, việc xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên tỉnh và liên vùng trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu tại Nghị quyết số 120 của Chính phủ là một nhiệm vụ to lớn, không chỉ giới hạn phạm vi trong vùng mà gắn với quy hoạch cấp quốc gia, đòi hỏi sự thống nhất, kết nối đồng bộ giữa các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển

Trong giai đoạn phát triển 2021-2030 và các thời kỳ tiếp theo, ĐBSCL phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với thực tiễn, lấy tri thức khoa học-công nghệ làm nền tảng. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối nội vùng và liên vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với BĐKH tại vùng ĐBSCL đã được đề ra.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi, việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững của vùng ĐBSCL được đặt trong bối cảnh BĐKH và nước biển dâng. Sự phát triển nông nghiệp sẽ tận dụng được tài nguyên sẵn có, đồng thời chủ động ứng phó với BĐKH qua việc kiểm soát nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ.

Nền nông nghiệp của vùng hiện vẫn đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thị trường thế giới với nhu cầu ngày càng tăng, đủ sức đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp giá trị cao trong nước và thế giới.

Chính vì vậy, chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến có thể được xem là giải pháp khả thi và bền vững trong dài hạn. Ngoài ra, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế khác phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng, như phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm…

Cùng với xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi, ĐBSCL cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thủy sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại-dịch vụ, đô thị…

Trong bối cảnh đó, định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở vùng ĐBSCL có thể xem là một chiến lược biến nguy cơ, thách thức của BĐKH thành cơ hội phát triển bền vững. ĐBSCL cũng cần được quan tâm đầu tư để ĐBSCL thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng BĐSCL, thích ứng với BĐKH, xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại và kinh tế biển phát triển bền vững, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho rằng, trước hết cần quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ.

Dù phân chia theo địa giới hành chính, song cần xem đây là một khu vực có cấu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển cho đồng bộ, nhắm đến lợi ích của toàn vùng. Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông không chỉ có ý nghĩa về mặt vận chuyển hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân khu vực, mà còn làm tăng tính liên kết giữa các ngành, lĩnh vực và các địa phương.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, thực tế những năm qua, nhiều công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng. Đồng thời, khi hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, đa chức năng, cùng với các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối thông suốt hệ thống các trung tâm nông nghiệp và công nghiệp, hình thành nên chuỗi các đô thị, tạo điều kiện phát triển các dịch vụ, tạo sự liên kết chặt chẽ trong nội tại của vùng, với TPHCM, vùng Đông Nam bộ... sẽ mở ra những cơ hội lớn trong thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, “tháo gỡ” được một trong những “nút thắt” cản trở sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian qua.

Khi xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển phát triển bền vững, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giao thông thuận lợi sẽ góp phần tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang lao động kỹ thuật có tay nghề cao, dịch vụ, thương mại.

Đó cũng là nền tảng cần thiết cho giáo dục phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm việc làm, khắc phục hiệu quả tình trạng di dân đang diễn ra khá nghiêm trọng.

Mục tiêu bền vững, thích ứng với BĐKH

Là một trong 13 tỉnh, thành phố của khu vực, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi khẳng định, Bến Tre hội đủ các yếu tố đặc trưng của vùng BĐSCL, giàu tiềm năng về phát triển nông nghiệp và kinh tế biển.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh trong xây dựng quy hoạch, đề ra các chủ trương, chính sách, tổ chức triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội đều hướng đến mục tiêu bền vững, thích ứng với BĐKH.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là “Tập trung phát triển nông nghiệp sạch, hiệu quả là nền tảng; phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng và xây dựng đô thị là động lực tăng trưởng... Tập trung phát triển các ngành kinh tế biển gắn với định hướng phát triển về hướng Đông, liên kết vùng và chủ động thích ứng với BĐKH. Tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng giao thông...”.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre đã kiến nghị một số nội dung.

Thứ nhất, các bộ, ngành chức năng của Trung ương xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch vùng, sớm đưa vào triển khai thực hiện, tạo cơ chế chính sách để ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng BĐKH, trở thành một trong những trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả cao, tương xứng với tiềm năng và vị trí địa chiến lược của vùng.

“Trong đó, chúng tôi đề nghị quan tâm phát triển hành lang kinh tế ven biển, mở ra không gian phát triển mới cho ĐBSCL, từ đó cấu trúc lại không gian hiện hữu để ĐBSCL thật sự là nơi đáng sống và thịnh vượng trong điều kiện BĐKH”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nói.

Thứ hai, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển toàn diện cơ sở hạ tầng cho vùng ĐBSCL như hạ tầng thủy lợi-cấp nước, giao thông-logistics, năng lượng, hạ tầng số... Đặc biệt, đề nghị có cơ chế đầu tư phát triển tuyến động lực ven biển nối TPHCM và các tỉnh vùng ĐBSCL (qua Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang), phát triển hành lang kinh tế ven biển, gắn với đảm bảo quốc phòng-an ninh và thích ứng với BĐKH và nước biển dâng.

Thứ ba, nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ xanh trong lĩnh vực khai thác biển; quan tâm định hướng, giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn đến đầu tư, nhất là đối với các dự án thuộc lĩnh vực thủy sản, công nghiệp, phát triển đô thị ven biển, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo…

Đặc biệt đối với du lịch, tập trung phát triển một số trung tâm du lịch biển điển hình trong vùng, để lựa chọn và tìm ra sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, nhằm khai thác lợi thế. Hình thành hệ thống kết nối, tạo động lực cho các địa phương cùng phát triển, khắc phục triệt để tình trạng “giẫm chân nhau” về sản phẩm du lịch.

Thứ tư, tăng cường đầu tư cho giáo dục ĐBSCL nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho yêu cầu phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển bền vững và các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, công nghiệp của vùng ĐBSCL trong giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và bền vững hơn.

Thành lập các khu kinh tế-quốc phòng vùng ven biển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới.

Hải Liên

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tin-tuc/go-nut-that-dua-dbscl-thanh-vung-kinh-te-trong-diem/421140.vgp