Gỡ nút thắt giải ngân vốn đầu tư công

Tập trung giải ngân hết số vốn đầu tư công đã bố trí trong năm 2020, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm là nhiệm vụ trọng tâm đối với các sở, ban, ngành, quận huyện được giao làm chủ đầu tư các dự án xây dựng cơ bản (XDCB) trên địa bàn thành phố. Với tỷ lệ giải ngân đạt thấp, tập trung chủ yếu ở các dự án được giao nguồn vốn lớn, lãnh đạo TP Cần Thơ càng quyết liệt đôn đốc các chủ đầu tư phải đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công, hoàn thành các dự án và giải ngân vốn kịp thời, chủ động từ nay đến cuối năm.

Chưa có nhiều chuyển biến

Công nhân trên công trường thi công Dự án Kè bờ sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Công nhân trên công trường thi công Dự án Kè bờ sông Cần Thơ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đây là đánh giá chung của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công qua 7 tháng đầu năm, dù trước đó, kể từ tháng 3-2020, UBND thành phố đã ban hành 10 công văn, 6 thông báo kết luận, 1 kế hoạch và 1 chương trình hành động để chỉ đạo thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, tính đến 31-7, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt 1.411/6.359 tỉ đồng, đạt 22,19% kế hoạch vốn. Trong tổng số 8 nguồn vốn, chỉ có nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu giải ngân đạt 61,28%. Còn lại 7 nguồn vốn khác đều có giá trị giải ngân dưới 50%. Theo phân cấp quản lý, cấp thành phố giải ngân 707,9 tỉ đồng, đạt 16,08% với 3/27 sở ngành được giao làm chủ đầu tư giải ngân trên 50%; cấp quận huyện giải ngân 703,2 tỉ đồng, đạt 35,94% với 2 quận, huyện giải ngân trên 50%.

Ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, chia sẻ: Thời gian qua, bên cạnh những nguyên nhân khách quan vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư có ý tưởng nếu không giải ngân hết số vốn kế hoạch năm sẽ được điều chuyển, bố trí vốn cho năm sau trong trường hợp không vượt quá thời hạn quy định hoàn thành của nhóm dự án. Một số chủ đầu tư đề nghị cắt giảm vốn nhưng không nêu rõ nguyên nhân chính đáng và khó khăn vướng mắc cụ thể. Công tác giải phóng, bàn giao mặt bằng phục vụ thi công công trình còn chưa kịp thời. Chưa có các hình thức chế tài, xử lý đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng về thời gian hoàn thành dự án; chủ đầu tư không giải ngân hết vốn được bố trí theo mức vốn đã đăng ký đầu năm…

Theo Sở KH&ĐT, trong số 124 dự án được bố trí kế hoạch vốn thuộc thành phố quản lý có 16 dự án có mức vốn bố trí trên 50 tỉ đồng. Tổng vốn bố trí cho các dự án này chiếm hơn 85% kế hoạch vốn thuộc thành phố quản lý và chiếm hơn 58,9% kế hoạch vốn toàn thành phố. Tuy nhiên tổng giá trị giải ngân đến cuối tháng 7 chỉ đạt 14,46%. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp như: Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, Sở Xây dựng, Ban Quản lý (BQL) Dự án ODA, Sở Y tế, BQL Dự án Đầu tư xây dựng thành phố, BQL Dự án Đầu tư xây dựng 2 thành phố... Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến các dự án này thông qua việc tăng cường đôn đốc, kiểm tra tiến độ, chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc về vốn, thủ tục, công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư…

Dồn sức thi công, giải ngân vốn

BQL Dự án ODA TP Cần Thơ là một trong số những chủ đầu tư được giao nguồn vốn lớn để triển khai Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị. Tổng kế hoạch vốn cấp năm 2020 là 1.786,6 tỉ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 266 tỉ đồng, đạt 15% kế hoạch. Theo ông Lê Văn Sơn, Giám đốc BQL Dự án ODA, từ nay đến cuối năm, Ban lập kế hoạch triển khai các giải pháp để tăng tỷ lệ giải ngân vốn. Theo đó, Ban đã triển khai 24/46 gói thầu với giá trị 1.884 tỉ đồng. Trong quý III-2020, Ban đã triển khai được 4 gói thầu với giá trị 1.339 tỉ đồng. Tháng 8 và tháng 9, Ban sẽ tiếp tục đấu thầu thêm 4 gói với giá trị dự kiến 800 tỉ đồng. Trong quý IV, Ban sẽ tích cực tổ chức đầu thầu và trao thầu với giá trị 1.050 tỉ đồng. Với kế hoạch giải ngân cụ thể cho các tháng còn lại từ nay đến cuối năm, trong quý III, Ban sẽ cố gắng giải ngân 262 tỉ đồng và quý IV giải ngân 682 tỉ đồng cho phần vốn vay. Trong quý III sẽ giải ngân cho các gói thầu giải phóng mặt bằng (vốn đối ứng) là 110 tỉ đồng và quý còn lại là 280 tỉ đồng. Tổng cộng, Ban đăng ký giải ngân với UBND thành phố là 1.602 tỉ đồng/1.786 tỉ đồng, đạt 90% kế hoạch vốn được giao.

Theo ông Vũ Hải Sơn, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Cần Thơ, các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp đều là những đơn vị được giao nguồn vốn lớn song tỷ lệ giải ngân trung bình chỉ đạt trên dưới 10%. Do khối lượng lớn, tỷ lệ giải ngân thấp nên kéo tỷ lệ chung của cả thành phố đạt thấp. Nên nếu giải quyết được bài toán giải ngân các dự án trọng điểm sẽ góp phần đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân vốn của thành phố. Về phía KBNN Cần Thơ đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở KH&ĐT, Sở Tài chính, các BQL dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Tất cả các hồ sơ thành toán cho dự án đã có khối lượng gửi đến KBNN và KBNN các quận, huyện đều được xử lý trong ngày. Những hồ sơ nào đủ điều kiện được xử lý ngay; hồ sơ không đủ điều kiện, Kho bạc sẽ chủ động phối hợp với các chủ đầu tư để hoàn thiện và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh đề nghị tất cả các chủ đầu tư phải yêu cầu nhà thầu xây dựng kế hoạch, tiến độ chi tiết, hằng tuần gửi các chủ đầu tư có cơ sở theo dõi, kiểm tra. Các chủ đầu tư trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch thực hiện, tiến độ triển khai giải ngân vốn từng dự án, chi tiết từng gói thầu gởi về Sở KH&ĐT, Văn phòng UBND thành phố theo dõi, chủ động kiểm tra, giám sát. Sau khi có khối lượng, các chủ đầu tư phải thực hiện hồ sơ giải ngân, thanh quyết toán, kiểm tra tiến độ và chất lượng công trình. Hằng tuần, hằng tháng phải có báo cáo nêu các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng tháo gỡ kịp thời để cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết...

Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Mạnh yêu cầu: "Liên quan đến tiến độ, các chủ đầu tư phải có cam kết bằng văn bản để có cơ sở giám sát và đánh giá kết quả công tác cuối năm. Các chủ đầu tư phải rà soát các điều khoản trong hợp đồng, có các ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa 2 bên để làm cơ sở xử lý đối với các nhà thầu vi phạm hợp đồng, chậm triển khai thi công phải kiên quyết xử lý theo quy định. Trường hợp cần thiết báo cáo UBND thành phố để có biện pháp chế tài, răn đe; triển khai các biện pháp xử phạt như đăng Cổng thông tin công khai các trường hợp vi phạm và cấm tham gia dự thầu trong tương lai đối với các dự án trên địa bàn thành phố".

-Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/go-nut-that-giai-ngan-von-dau-tu-cong-a124424.html