Gỡ 'nút thắt' giải phóng mặt bằng

Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội, các dự án phát triển hạ tầng giao thông được chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Tuy nhiên, với công tác này, việc giải phóng mặt bằng (GPMB), thu hồi đất vẫn là bài toán nan giải. Thực tế cũng cho thấy, thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng.

“Chất xúc tác” đảm bảo tiến độ dự án

Hà Nội với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước đang ngày một nỗ lực vươn mình, phát huy được bản lĩnh, khí phách của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Công tác GPMB tại Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được triển khai linh hoạt, sát thực tế, nhờ vậy đã thu được kết quả tích cực. (Ảnh: Đinh Luyện)

Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đặc biệt là trong công tác đồng bộ hóa hạ tầng giao thông Thủ đô. Theo đó, hiện Hà Nội có khoảng 8,5 triệu dân cư trú và 1,5 triệu dân đi lại tự do. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện tại Hà Nội là khoảng 4 - 5%/năm, cá biệt ô tô tăng 10%.

Điều này gây sức ép lớn đến hạ tầng giao thông Thủ đô khi tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 12 - 13% (Quy hoạch yêu cầu 20 - 26%). Có thể hiểu, tốc độ tăng trưởng diện tích đất dành cho giao thông không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện từ 4 - 5%, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố là không thể tránh khỏi và vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Để khắc phục tình trạng này, giải pháp căn cơ chính là phát triển hạ tầng giao thông, giành đất để phát triển giao thông. Thực tế, hàng loạt dự án được triển khai thời gian gần đây đã và đang trực tiếp tăng tính kết nối và đồng bộ giao thông Thủ đô. Cụ thể, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, phấn đấu để hoàn thành đoạn trên cao vào Quý II/2024, vận hành toàn tuyến vào năm 2027.

Đồng thời, Hà Nội cũng khởi công các dự án quan trọng của Thành phố như: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai; Tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long đến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; Xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Vành đai 3. Đặc biệt, Hà Nội đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2…

Tại Hội thảo khoa học phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trường Đại học Việt Đức cho rằng, hiện nay tại các dự án, các vướng mắc về đất đai, quy hoạch là phổ biến. Trong đó, công tác GPMB thường chịu chung cảnh chậm và khó. Chậm vì vướng các thủ tục và quy trình đầu tư nhiều bước, chậm vì phải xác định nguồn gốc đất và đặc biệt là chậm vì cơ chế phối hợp và thẩm quyền xử lý phân tán…

Làm sao để hiệu quả?

Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong khoảng 25 năm tới. Đó là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300 - 8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000 - 13.000 USD. Và đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của Thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội cũng tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô.

Nhìn từ Dự án đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Đỗ Đình Phan cho biết, Vành đai 4 là vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng. Xác định khâu GPMB, tái định cư là khâu “trọng điểm của trọng điểm” phải được triển khai sớm, thành phố Hà Nội đã đề xuất tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập để triển khai ngay sau khi chủ trương đầu tư được duyệt. Từ đó, GPMB đã đi trước một bước, giúp đảm bảo có mặt bằng thi công trước khi trao thầu.

Theo đại diện Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, từ kinh nghiệm của Hà Nội cho thấy, hoàn toàn có thể triển khai song song công tác bồi thường GPMB đối với công tác lập dự án thành phần GPMB; việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần GPMB thường sẽ triển khai nhanh hơn so với việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư do không có yếu tố kỹ thuật phức tạp, không phải thỏa thuận với nhiều đơn vị quản lý, khối lượng công việc ít hơn… dẫn đến rút ngắn được thời gian thực hiện, việc ứng vốn từ quỹ đầu tư phát triển Thành phố chi trả cho các phương án GPMB không phụ thuộc vào dự án được duyệt (Điều 53 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019 quy định dự án chỉ được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Đặc biệt, việc giao địa phương thực hiện nhiệm vụ GPMB hoặc chủ đầu tư dự án thành phần GPMB trên địa bàn để các địa phương chủ động và huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của địa phương góp phần đẩy nhanh tiến độ GPMB chung của các dự án. Tạo được quỹ đất sạch trước khi trao thầu xây dựng.

Rõ ràng, GPMB đóng vai trò hết sức quan trọng để phát triển hạ tầng giao thông Thủ đô. Nếu công tác này bị chậm sẽ kéo theo những hệ lụy khiến các dự án trì trệ, không đạt tiến độ. Bởi vậy, đối với các dự án phát triển hạ tầng lớn tại các đô thị lớn thì rất cần một cơ chế thoáng và linh hoạt trong vấn đề này.

Theo Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Hà Nội hiện có diện tích tự nhiên 3359,8km2 với quy mô dân số dự kiến năm 2045 là 14,6 triệu người sẽ hình thành đô thị cực lớn. Do vậy, việc xây dựng Thành phố theo hình thức TOD sẽ tăng hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả kinh tế - xã hội môi trường, giảm khoảng cách đi lại giữa nơi ở với nơi làm việc, các cửa hàng, giảm đô thị hóa tràn lan… Ngoài ra, làm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, giảm giao thông cá nhân, ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống, làm việc, giải trí.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/go-nut-that-giai-phong-mat-bang-167071.html