Gỡ nút thắt hạ tầng lưới điện để giải tỏa năng lượng tái tạo

Trong nhiều năm qua, theo chủ trương của Chính phủ, các dự án về năng lượng tái tạo đã được triển khai đồng bộ với các nhà đầu tư có năng lực tại Nam Trung bộ, điển hình là tại Khánh Hòa, Bình Thuận và Ninh Thuận. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập về hạ tầng truyền tải điện đã làm giảm hiệu quả của các dự án này.

Các cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận đang gặp khó khăn khi đấu nối, dẫn đến giảm phát

Tại Ninh Thuận, nơi được xem là mảnh đất có sức gió mạnh nhất trên cả nước, câu chuyện về năng lượng tái tạo đã được Bộ Công thương xem xét, trình duyệt Chính phủ một cách nghiêm túc và có tính khoa học trong cả thời gian dài. Theo lời Bộ trưởng Bộ Công thương, miền Nam sẽ thiếu hàng tỷ kWh điện kể từ năm 2021, bất chấp việc phải sử dụng nguồn điện chạy dầu. Nếu như các nguồn sinh điện như thủy điện, nhiệt điện tỏ ra thiếu phù hợp ở vùng đất này (liên quan tới mực nước hay trữ lượng, chất lượng than, tác động môi trường), năng lượng tái tạo đã mở ra một hướng đi mới. Đó là việc tận dụng tài nguyên nắng, gió, các địa điểm thưa thớt dân cư, và cả những cánh đồng với diện tích lớn nhưng không thể canh tác vì yếu tố địa lý khắc nghiệt.

Theo đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, ngay từ năm 2010, tỉnh đã cho tiến hành nghiên cứu, rà soát các dự án điện mặt trời, điện gió có khả năng khả thi, nhưng các chính sách về vấn đề này vẫn chưa có. Tới năm 2016, tỉnh đã tiến hành lập quy hoạch, và chỉ một năm sau, Chính phủ ban hành Quyết định 11/2017/QĐ-TTg để áp giá, đồng thời khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Ninh Thuận ngay lập tức đã lập dự án để trình Bộ Công thương, báo cáo về quá trình quy hoạch cũng như tiềm năng về năng lượng tái tạo. Tới nay, Ninh Thuận đã trình toàn bộ các hồ sơ của những dự án có liên quan, nhưng Bộ Công thương vẫn chưa có phản hồi chính thức vì còn vướng mắc ở các điều khoản đan chéo liên quan tới Luật quy hoạch. Hiện tại, đã có 31 dự án được Ninh Thuận cấp phép, 15 dự án đi vào hoạt động với công suất gần 1200 Mw. Đối chiếu với đề án trình Bộ Công thương là trên 2000 Mw cho tới năm 2020, có thể thấy Ninh Thuận hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành chỉ tiêu nếu các nhà máy hoạt động đúng công suất. Tuy vậy, một vấn đề khác đã nảy sinh khi các dự án bắt đầu đi vào quá trình đấu nối.

Khi các dự án hoàn tất và bắt đầu sản xuất điện với tốc độ lên lưới quá nhanh, hệ thống truyền tải tại đây bắt đầu xuất hiện những bất cập. Độ lệch về thời gian giữa việc xây dựng các nhà máy điện tái tạo và các phương án truyền tải là rất rõ rệt. Nếu như một dự án có thể thành hình chỉ trong 6 hoặc 7 tháng, thì hệ thống truyền tải tới đường dây 500 Kv (để có thể điều hòa cả đường 110 và 220 Kv) lại có thời gian xây dựng lên tới 5 năm. Ước tính, khi toàn bộ hệ thống giảm phát, theo báo cáo từ đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, các nhà máy sẽ thiệt hại khoảng 480 tỷ đồng cho tới cuối năm 2019, tương ứng với 60% giảm phát. Đó là con số không nhỏ, không chỉ liên quan tới lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới tổng thể an ninh năng lượng quốc gia.

Vấn đề về phát triển lưới điện truyền tải không theo kịp tiến độ đầu tư còn liên quan tới Luật điện lực năm 2004, khi Nhà nước độc quyền quản lý, quy hoạch và điều tiết điện lực. Để tháo gỡ câu chuyện giảm phát điện tại các dự án năng lượng tái tạo, Ninh Thuận đã đề xuất phương án xã hội hóa đầu tư hệ thống truyền tải, để các doanh nghiệp tư nhân trực tiếp thực hiện các dự án liên quan tới đường dây, trạm biến áp… trước khi bàn giao lại cho EVN quản lý. Tuy vậy, tới nay, ý tưởng này vẫn chưa được thông qua sau khi Bộ Công thương có văn bản trình Chính phủ phê duyệt.

Những khu vực đất cằn cỗi chỉ phù hợp với điện gió và điện mặt trời

Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Đạo Văn Rớt – Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện nhiều dự án trên địa bàn tỉnh đã phải giảm phát điện lên lưới, chưa kể đến các dự án chưa được cấp COD (chứng nhận vận hành thương mại). Đề xuất của tỉnh là việc cho phép các chủ dự án có năng lực sẽ đầu tư vào hệ thống lưới điện truyền tải để tránh giảm phát, trước khi chuyển giao lại cho EVN khai thác. Có thể thấy, việc xã hội hóa các lĩnh vực có tính độc quyền đang trở thành nhu cầu có tính cấp bách, nhưng vẫn cần một hành lang pháp lý để vừa giảm tải gánh nặng ngân sách, vừa phù hợp với thực tiễn trong sản xuất, kinh doanh.

Năng lượng sạch, không chỉ ở Việt Nam, mà còn là vấn đề phát triển có tính bền vững ở bất cứ quốc gia nào. An ninh năng lượng quốc gia sẽ cần những sự đầu tư đồng bộ, có quy hoạch cụ thể, và cả sự chung tay của các doanh nghiệp đủ tầm, thay vì mãi ngóng chờ “bầu sữa” từ nguồn ngân sách. Nút thắt cuối cùng thuộc về hệ thống lập pháp, chỗ dựa pháp lý quan trọng nhất cho cả Nhà nước, Doanh nghiệp và nhân dân ở bất cứ lĩnh vực nào.

Chỉ tính riêng tại huyện Thuận Nam, Ninh Thuận, 9 dự án năng lượng tái tạo có công suất gần 250 Mw đều bị giảm phát. Trung bình, mỗi dự án lên lưới 110 kv đều giảm phát từ 30-40%. Các hợp đồng mua bán điện đều không có điều khoản giảm phát hay quá tải đường dây, dẫn tới thiệt hại hàng tỷ đồng mỗi tháng. Dự kiến, tới năm 2020, EVN sẽ nâng cấp thành công hệ thống truyền tải 110 và 220 Kv tại Ninh Phước, Thuận Nam và Tháp Chàm 2 đi Phan Rí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giải tỏa 100% công suất các dự án, hệ thống lên lưới này vẫn không khả thi nếu không được điều tiết bởi hệ thống truyền tải 500 Kv.

Bài và ảnh: HC

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/go-nut-that-ha-tang-luoi-dien-de-giai-toa-nang-luong-tai-tao-545060.html