Gỡ nút thắt về lao động giữa đại dịch COVID-19 - Bài 1: Lối thoát ở cuối con đường

Đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống, việc làm của hàng trăm nghìn người lao động và một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động phi chính thức trên địa bàn Thủ đô.

Hầu hết các cửa hàng phục vụ ăn, uống tại các trung tâm thương mại Hà Nội đều vắng khách. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất là khối doanh nghiệp ngành dịch vụ, du lịch, dệt may, giầy da và đội ngũ giáo viên, nhân viên, người lao động các trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tháng 2/2020, dựa trên báo cáo của 22/63 tỉnh, thành phố, có 322 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, 553 doanh nghiệp giảm quy mô hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Còn theo thống kê của các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội, có 1.298 doanh nghiệp trên địa bàn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19 với trên 34.000 người lao động mất việc làm, thiếu việc làm. Một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động. Cắt giảm thu nhập đối với người lao động là việc "cực chẳng đã" với các doanh nghiệp khi phải chống chọi với tác động tiêu cực từ dịch COVID-19.

Cùng với các doanh nghiệp, trên địa bàn Hà Nội hiện nay cũng có 520 trường tư thục, cơ sở giáo dục ngoài công lập bị ảnh hưởng, phải ngừng hoạt động vì dịch bệnh, với gần 40.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động mất việc làm, thiếu việc làm. Ngoài ra, Hà Nội còn có 2.668 trường mầm non, nhóm trẻ tư thục đăng ký hoạt động với hàng chục nghìn giáo viên, người lao động phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND thành phố. Đời sống, việc làm của những cán bộ, giáo viên, người lao động ở khu vực này hiện gặp nhiều khó khăn. Nhiều người lao động phải về quê, một số khác đang tìm công việc mới.

Thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết, kể từ Tết Nguyên Đán 2020 tới nay, trên địa bàn Hà Nội có trên 10.000 lao động đã khai báo hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Nơi tiếp nhận thủ tục xin chi trả bảo hiểm thất nghiệp vốn chẳng phải nơi mà người ta muốn tới, nhưng hiện nay lại là điểm đến "cứu cánh" gần nhất cho những người mất việc.

Số người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Hà Nội đã có chiều hướng gia tăng thời gian gần đây và dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất của một số doanh nghiệp đã cạn dần, cùng với chính sách siết chặt quản lý xuất nhập cảnh và thông thương hàng hóa để phòng chống dịch của một số nước trung tâm dịch. Do đó, người lao động ở những đơn vị này sẽ bị mất hoặc thiếu việc làm, đặc biệt là khối ngành dệt may, giày da, lắp ráp điện tử. Đây là lĩnh vực sản xuất phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu…

Cuộc sống của gia đình bị đảo lộn bởi đại dịch COVID-19, nhiều ngày qua, chị Nguyễn Thanh Trúc, giáo viên một trường mẫu giáo tư thục ở quận Hai Bà Trưng buộc phải tạm xa công việc của cô nuôi dạy trẻ, để tất bật với việc làm mới: Bán cháo sườn online. Cô gái Hà Nội gốc, thành thạo nữ công gia chánh, có năng khiếu nấu ăn từ nhỏ, những món ăn chị nấu luôn được đông đảo bạn bè, gia đình khen ngợi. Ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, trường học đóng cửa, học sinh nghỉ dài, hai đứa con nhỏ của chị cũng phải nghỉ học ở nhà, công việc thích hợp nhất với chị Trúc lúc này là ở nhà nấu cháo và bán hàng qua mạng.

Chị Trúc tâm sự, ban đầu chị tưởng chỉ một vài ngày, vài tuần, nhưng rồi tháng này qua tháng khác, việc phải nghỉ làm chưa có thời hạn khiến hai vợ chồng chị vô cùng lo lắng. Mới đầu, chị Trúc thử đi phụ việc kinh doanh vàng bạc cho một người bạn, nhưng cửa hàng cũng vắng khách, rồi phải đóng cửa, việc chính nghỉ, việc phụ cũng không có cơ hội làm.

"Cái khó ló cái khôn", 3 tuần nay, từ ngày mở quầy cháo sườn online, đúng nhu cầu phụ huynh có con nhỏ nghỉ học ở nhà, ngại dịch không ra đường ăn, món cháo của chị bán chạy từ sáng đến tối. Chồng chị khi rảnh vẫn phụ vợ ship đồ cho khách. Những ngày đầu, lượng khách ít, chị Trúc vừa bán vừa để cả nhà cùng ăn do cháo của nhà nấu nên đảm bảo chất lượng. Sau vài tuần khách hàng đã quen, ăn thấy ngon và giá cả hợp lý nên đặt hàng thường xuyên. Giờ mỗi ngày, quầy cháo online cũng đem lại thu nhập khoảng 300.000 đồng. Với thu nhập kiếm thêm hiện nay, hai vợ chồng chị có thể chi tiêu đủ cho gia đình qua mùa dịch.

Cũng do dịch bệnh, chị Minh Hà, giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm ngoại ngữ có uy tín ở quận Thanh Xuân không thể đến lớp. Thời gian đầu, nghĩ dịch qua nhanh, chị chỉ ở nhà chăm con, cơm nước hàng ngày. Nhưng "đi ra, đi vào" mãi cũng chán, chị lập kế hoạch dạy học trực tuyến, vừa để có nguồn thu vừa kiếm việc làm trong lúc rảnh rỗi.

Kế hoạch của chị Hà nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học viên và phụ huynh với nhu cầu dạy chữ cho con em phải nghỉ học do dịch COVID-19. Sau 3 tuần triển khai, chỉ với một ứng dụng video chat trực tuyến rất phổ thông, mỗi lớp học online tùy theo yêu cầu của học viên, có lớp 1 thầy, 1 trò, có lớp 4 - 5 học viên học cùng lúc, chị Minh Hà ngày nào cũng có lịch lên lớp online, không khác thời điểm trước khi tạm nghỉ việc.

Tình thế không phải là "hết thuốc chữa". Trước khó khăn, người lao động lại tìm thấy những lối ra để duy trì kinh tế gia đình, ổn định đời sống. Mong đợi dịch COVID-19 chóng qua, sinh hoạt và đời sống ổn định trở lại, song trong thời điểm này, mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động cần nỗ lực tìm hướng đi mới, có tính đến phương án lâu dài để tự lo cho bản thân và gia đình. Đây cũng là lúc cần có sự vào cuộc tích cực của tổ chức Công đoàn Thủ đô.

Bài cuối: Chung tay tháo gỡ khó khăn

Minh Nghĩa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/viec-lam/go-nut-that-ve-lao-dong-giua-dai-dich-covid19-bai-1-loi-thoat-o-cuoi-con-duong-20200322101615740.htm