Gỡ rào cản cho thanh toán không dùng tiền mặt

Sau 4 năm triển khai Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, thanh toán điện tử và hệ sinh thái thanh toán điện tử có những bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố thuận lợi cũng còn không ít khó khăn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chiều 26/8, tại Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg - Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”. Các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp tích cực về vấn đề này.

Tăng trưởng về số lượng, giá trị

Theo ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Chính phủ từ giữa thập niên trước. Cụ thể hóa chủ trương này, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.

Đến nay, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 TCCƯDVTT thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ). Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019).

Dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Đến cuối tháng 6 năm 2020, số lượng thẻ lưu hành đạt mức 106 triệu thẻ (tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019).

Các ngân hàng đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ; đồng thời, chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.

Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN

Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã QR Code được các TCTD, tổ chức TGTT quan tâm đẩy mạnh để thúc đẩy TTKDTM với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến nay, đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt đã liên tục được thúc đẩy với 5 giải pháp chính, từ đó đã mang lại kết quả đáng kể.

Đáng chú ý là hệ thống điện tử liên ngân hàng đã kế nối được với 63 kho bạc, ngân hàng nhà nước ở các địa phương. Đây là cơ sở đẩy mạnh TTKDTM. Đến nay, đã có 50 ngân hàng thương mại ký kết thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với Thuế, Hải quan trên phạm vi cả nước; 99% doanh nghiệp đang hoạt động đăng ký nộp thuế điện tử; số tiền điện tử đã nộp từ năm 2019 là trên 700.000 tỷ đồng.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP bưu chính Viettel (Viettel Post) cho rằng, Công ty triển khai TTKDTM từ năm 2016 với thời điểm sơ khai của hoạt động mua sắm qua mạng. Văn hóa “tiền trao cháo múc” đã được hình thành quá lâu, 95% khách hàng của Viettel Post lúc đó sử dụng hoạt động thanh toán dùng tiền mặt.

Do đó, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp thay đổi phương thức thanh toán. Ví dụ, khách hàng thanh toán trước qua chuyển khoản sẽ được giảm cước vận chuyển đến 20 - 30%. Sau 4 năm triển khai, đã có 30% số khách hàng TTKDTM, còn khoảng 70% khách hàng vẫn sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt.

Với ứng dụng của nền tảng khoa học công nghệ, Viettel Post đang ngày một nâng cao số lượng khách hàng TTKDTM, các nền tảng mua sắm bằng điện tử nở rộ khiến tình trạng “bom hàng” giảm dần, giúp mua sắm hàng qua điện tử tin cậy hơn.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng

Còn theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, dịch Covid-19 đã tác động lớn đến kinh tế thế giới, thế nhưng đây cũng lại là cơ hội để thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chuyển đổi mô hình kinh tế số, thay vì thủ công như trước.

Có nhiều lý do khiến người dân Việt Nam vẫn chi tiêu bằng tiền mặt. Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu tin rằng, đến năm 2025, 80% người dân Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt sẽ tăng lên đến 40%.

Những khó khăn cần tháo gỡ

Theo đánh giá của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, mặc dù có bước phát triển đáng ghi nhận, nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng, tỷ lệ sử dụng tiền mặt còn cao.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do cả vấn đề nhận thức và ý thức. Trong đó, hạ tầng cơ sở và trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn kém hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là môi trường pháp lý.

Từ thực tế hoạt động, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cũng thừa nhận, bên cạnh kết quả đạt được, TTKDTM còn một số tồn tại, thách thức trong phát triển như cơ chế, chính sách, khuôn khổ, quy định liên quan đến TTKDTM cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo.

Các đại biểu tham gia Chủ tọa phiên thảo luận

Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.

Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn cũng là rào cản.

Ông Dũng cũng thông tin, một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành, như: Một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật; hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam... còn có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.

Với thực tế và những tồn tại, thách thức nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra phương châm chỉ đạo hoạt động thanh toán thời gian tới theo nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh, lấy ứng dụng công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 để tạo sự phát triển bứt phá; đồng thời đề ra một số giải pháp cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính

Còn theo bà Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Phát triển thị trường tài chính, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính- Bộ Tài chính, thói quen sử dụng tiền mặt là rào cản lớn nhất trong việc thực hiện TTKDTM.

Doanh nghiệp nhỏ ngại sử dụng phương tiện thanh toán hiện đại vì không giấu được doanh thu và ảnh hưởng đến các khoản nộp thuế. Mặt khác, một số doanh nghiệp chưa có sự đồng bộ về hệ thống TTKDTM, đặc biệt là dịch vụ công.

Từ thực tế, bà Bình đề xuất ba giải pháp mang tính định hướng để thúc đẩy hoạt động TTKDTM: Thứ nhất, coi vấn đề xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng thanh toán dịch vụ là yếu tố cốt lõi và trọng tâm. Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách. Thứ ba là thực hiện chiến lược tài chính toàn diện đến 2025, định hướng đến 2030 theo Quyết định số 149/QĐ-TTg.

Theo ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, hiện có một số vấn đề khó khăn mà trước hết là liên quan chi phí. Nếu thanh toán điện tử thì mất phí cao, trong khi thanh toán tiền mặt không mất phí…

Trước thực trạng trên, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần có những nỗ lực mới cả ở tầm chính sách và tạo lập hạ tầng để thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp nói riêng.

“Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Covid-19 đang khiến chúng ta thay đổi nhanh hơn trong chuyển đổi số, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược kênh phân phối...” - TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

“Viettel Post hiện đang có kênh online Vỏ Sò, trong đó coi trọng việc đồng hành cùng người nông dân chuyển đổi phương thức bán hàng và thanh toán, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 có nhiều tác động như hiện nay”.- Ông Đinh Thanh Sơn - Phó Tổng giám đốc Viettel Post

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/go-rao-can-cho-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-394420.html