Gỡ rào cản để thành phố tăng tốc

Sau gần một năm bình thường mới, kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đang từng bước phục hồi, phát triển nhanh và dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, để tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, thành phố cần nhanh chóng tháo gỡ rào cản về hành chính, cơ chế chính sách,…

Thành phố cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp bứt tốc thời gian tới. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May mặc Dony trong giờ làm việc.

Thành phố cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp bứt tốc thời gian tới. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH May mặc Dony trong giờ làm việc.

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, qua mỗi tháng, mỗi quý, các lĩnh vực kinh tế của thành phố tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Nổi bật nhất là sự phục hồi nhanh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, khi nhiều doanh nghiệp khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường. Mặc dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến khá phức tạp nhưng hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động nhờ khách du lịch quay trở lại thành phố với những con số thống kê tích cực.

Hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,5% so với tháng trước, tăng 104% so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch tăng 2.567% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh 8 tháng đầu năm ước đạt 311.921 tỷ đồng (đạt 80,7% dự toán năm),... Bên cạnh những thống kê tích cực ở các chỉ số đó thì nội lực bên trong mỗi ngành, lĩnh vực đang cho thấy, sức khỏe của doanh nghiệp vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Đơn cử, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm dù tăng đến 104% so với cùng kỳ năm 2021 nhưng nếu so sánh với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid-19) thì chỉ số này chỉ tăng 1,2%, một thống kê được xem là khá khiêm tốn so với dư địa của thành phố.

Tương tự, trong lĩnh vực bán lẻ, dù tỷ lệ tăng đến 23,2% so cùng kỳ năm 2021 nhưng so với năm 2019 chỉ tăng 4,7%. Theo Cục Thống kê thành phố, số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng 33,4%, nhưng quy mô vốn lại giảm hơn năm trước, chỉ đạt 11,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, trong khi con số này của năm 2021 là hơn 16 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đó là chưa tính đến mức độ “dễ tổn thương” của các doanh nghiệp trước những diễn biến khó lường đối với tình hình trong nước và thế giới. Thu ngân sách đạt 80,7% kế hoạch năm là tín hiệu tích cực, nhưng nguồn thu này chủ yếu từ nhà đất và dầu thô, trong khi đó nguồn thu từ thuế sản phẩm chỉ ở mức 3%, cho thấy yếu tố chưa bền vững trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời gian qua, cùng với các chính sách phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch của thành phố, các doanh nghiệp đã đồng hành, nỗ lực để đưa thành phố trở lại với đà tăng trưởng và duy trì vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, bắt kịp các nền kinh tế trong khu vực. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều vấn đề khó khăn về hành chính, chính sách đang cản trở sự phát triển.

Tại hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, hàng loạt ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội thành phố “than thở” với lãnh đạo thành phố rằng, thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, doanh nghiệp mất thời gian, kinh phí để sửa đổi, đào tạo...; việc công khai minh bạch thông tin, thủ tục và thời gian giải quyết, trả kết quả thủ tục hành chính vẫn chưa tạo sự thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp; việc chuyển đổi số, số hóa vẫn chưa thực hiện triệt để;… Trong khi đó, nỗ lực hoàn thiện hệ thống hạ tầng vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi đã bước sang quý III, giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt khoảng 29%.

Giải quyết vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết: Đến cuối năm nay, dựa trên kết quả giải ngân đầu tư công, UBND thành phố sẽ xem xét trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân và kể cả chủ tịch, đồng thời, khẳng định sẽ siết kỷ cương, tăng sự phối hợp giữa quận, huyện, sở, ngành, chủ đầu tư để đạt hiệu quả về đầu tư công trong thời gian tới.

Theo UBND thành phố, trong nỗ lực xây dựng chính quyền thành phố minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, thành phố đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố cũng tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm bằng cách yêu cầu các sở, ngành phải giải quyết các công việc tồn đọng hoặc các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội. Đặc biệt, để giải quyết nhanh và kịp thời các vấn đề của doanh nghiệp, UBND thành phố đang triển khai nền tảng số để theo dõi phản ánh của người dân, doanh nghiệp; điều hành về kinh tế-xã hội và sâu sát tiến độ giao việc của chủ tịch UBND thành phố cho các sở, ngành, đơn vị.

Nhấn mạnh về quyết tâm của thành phố để đưa thành phố tiến nhanh, bền vững, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng: Xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian qua là một nội dung quan trọng thành phố tập trung thực hiện; được thành phố chọn là chủ đề năm trong năm 2021 và 2022.

Mới đây, thành phố đã có quyết định thành lập ban chỉ đạo xử lý những vấn đề tồn đọng có liên quan doanh nghiệp, người dân, để có bộ phận chuyên trách giải quyết cho thấy quyết tâm của hệ thống chính trị trong tháo gỡ các vấn đề khó khăn của người dân, doanh nghiệp. Bí thư Thành ủy đề nghị cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ chủ trương này và cùng tham gia thực hiện, phối hợp với thành ủy, chính quyền thành phố quyết tâm tạo chuyển biến thật sự, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên toàn thành phố; đề nghị chính quyền thành phố thi đua cùng với doanh nghiệp để tạo chuyển biến nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Bài và ảnh: QUANG QUÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/go-rao-can-de-thanh-pho-tang-toc-post713843.html