Gỡ rối cho doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành

Ngày 31/10, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã chủ trì cuộc họp với các nhóm rà soát pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đại diện các bộ ngành. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hội thảo rà soát pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án Tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, tổ chức tại TPHCM từ ngày 29 đến ngày 31/10.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Huế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại cuộc họp, các nhóm rà soát đã trình bày các kết quả rà soát các mặt hàng xuất nhập khẩu còn chồng chéo trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 7957/VPCP-KSTT ngày 5/9/2019; Rà soát tiến độ, kết quả triển khai các nhiệm vụ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành được giao tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg để kiến nghị sửa đổi bổ sung Quyết định nêu trên; Rà soát áp mã số HS đối với các danh mục hàng hóa thộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Theo thống kê của Dự án Tạo thuận lợi thương mại, sau 3 ngày làm việc các nhóm đã rà soát được 469 văn bản (tăng 35 văn bản so với đợt rà soát gần nhất vào thực hiện vào tháng 5/2019); rà soát được 236 danh mục với xấp xỉ 59.275 mặt hàng; 1.767 mặt hàng không có mã HS.

Trong quá trình rà soát, các nhóm đã thảo luận được 5 mặt hàng còn chồng chéo theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn 7957/VPCP-KSTT; rà soát áo mã HS 14 danh mục thuộc quản lý của 5 bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Xây dựng, Công An, Quốc phòng…

Tham dự hội thảo đại diện các bộ, ngành và các chuyên gia thể hiện sự thống nhất cao đối với các kết quả rà soát được đưa ra. Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng đã ghi nhận một số ý kiến từ các chuyên gia và các bộ, ngành liên quan đến hoạt động rà soát cũng như các kết quả đã đạt được.

Cụ thể, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các kết quả rà soát không chỉ chỉ ra được một số mặt hàng đang có sự chồng chéo về quản lý của các bộ ngành mà còn nhận diện được các vấn đề vướng mắc, bất hợp lý trong các quy định pháp luật. Theo bà Thảo để đạt hiệu quả cao hơn, các kết quả rà soát nên bổ sung thêm phần kiến nghị, khi cơ quan Hải quan gặp vướng mắc đối với các mặt hàng như vậy thì cần xử lý ra sao…

Đánh giá cao tinh thần làm việc của các nhóm rà soát, đại diện Bộ Công an cho biết sẽ ghi nhận những vấn đề nhóm rà soát đưa ra liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Công an để có các nghiên cứu, hoàn thiện.

Liên quan đến ý kiến của lãnh đạo Tổng cục Hải quan về việc cần phải mã hóa các mặt hàng nhập khẩu dân dụng của Bộ Quốc phòng. Đối với những mặt hàng đặc thù thuộc về an ninh quốc gia dù không có mã số thì cơ quan Hải quan khi nhìn vào đó cũng nhận định được đó là các mặt hàng liên quan đến an ninh quốc gia, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, có những khó khăn nhất định trong việc mô tả hàng hóa đối với các mặt hàng đặc thù, thậm chí có một số mặt hàng nếu áp mã 8 số sẽ rơi vào loại khác, tương lai sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Theo đại diện Bộ Quốc phòng, danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu của Bộ Quốc phòng là các mặt hàng doanh nghiệp không được phép nhập khẩu, Bộ Quốc phòng muốn nhập khẩu cũng phải báo cáo Thủ tướng. Những mặt hàng này luôn được thông quan đặc biệt và đến nay cũng chưa phát hiện vướng mắc từ các doanh nghiệp về Thông tư của Bộ Quốc phòng liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của ngành Hải quan, Bộ Quốc phòng có thể tập huấn cho cán bộ hải quan về nhận diện hàng hóa đối với các mặt hàng không thể áp mã…

Đánh giá cao sự thẳng thắn của các bộ ngành trong việc đưa ra các phương án cụ thể đối với các mặt hàng đang có sự chồng chéo trong quản lý tránh phải họp Chính phủ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho rằng trong đợt rà soát lần này, các bộ ngành đã có nhiều đột phá và mạnh dạn. Tuy chưa phải ý kiến cuối cùng nhưng qua các ý kiến thảo luận của đại diện các bộ, ngành tham gia đợt rà soát Bộ Tài chính cũng có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến việc xử lý các mặt hàng đang bị quản lý chồng chéo, theo Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, nếu đã thống nhất chuyển về một Bộ quản lý thì không cần đợi các Bộ phải sửa thông tư, các Bộ đề nghị Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng cho phép thông báo cho cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan Hải quan biết để thực hiện nhằm đảm bảo sự kịp thời.

Đặc biệt, “đề nghị các Bộ cũng có sự sắp xếp trong nội bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tránh để doanh nghiệp cho rằng tuy đã được thu về một mối, không còn chồng chéo giữa các bộ, nhưng trong nội bộ một bộ vẫn còn sự chồng chéo”, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Với các kết quả rà soát đưa ra, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính sẽ sớm có báo cáo lên Văn phòng Chính phủ và sẽ có ý kiến tham gia trong việc khắc phục những bất cập, tồn tại ở các bộ, ngành vì mục tiêu chung tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, kích thích sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/go-roi-cho-doanh-nghiep-ve-kiem-tra-chuyen-nganh-114432.html