Gỡ rối ngay những bất hợp lý trong điều hành, kinh doanh xăng dầu

Cơ quan soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu là Bộ Công Thương vừa đề xuất phương án sửa đổi, nhưng doanh nghiệp lại cho rằng chưa thỏa đáng, chưa giải quyết được tận gốc những 'rối rắm' của thị trường xăng dầu thời gian qua. Vì vậy tình trạng cửa hàng xăng dầu vi phạm, cơ quan quản lý xử phạt và người tiêu dùng phải tìm chỗ mua xăng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương.

Xử phạt chưa chặn được vi phạm

Để ngăn chặn tình trạng cửa hàng xăng dầu tự ý đóng cửa, không thông báo và chưa được Sở Công Thương địa phương cho phép, ảnh hưởng đến tâm lý và nguồn cung xăng dầu trên thị trường, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các địa phương đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý hàng loạt vi phạm. Tại các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Ninh Bình, An Giang… lực lượng chức năng phát hiện không ít cửa hàng xăng dầu tự ý đóng cửa hoặc bán hàng không đúng với giá niêm yết, bán xăng dầu khi giấy phép đã hết hạn.

Cán bộ quản lý thị trường đo bồn chứa xăng một cây xăng đóng cửa nhất thời tại TP.HCM năm 2022

Cán bộ quản lý thị trường đo bồn chứa xăng một cây xăng đóng cửa nhất thời tại TP.HCM năm 2022

Mới đây nhất, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng thông tin về 6 cửa hàng xăng dầu đóng cửa trong những ngày qua. Theo đó, các cửa hàng này đều đã có đơn xin đóng cửa tạm ngừng kinh doanh với Sở Công Thương hoặc xin tạm nghỉ bán hàng để sửa chữa. Đáng chú ý, chỉ tính từ sau Tết đến nay, TP.HCM có gần 10 cửa hàng xăng dầu đóng cửa (98% cây xăng trên địa bàn vẫn bán hàng bình thường). Dù đóng cửa đã được phép hay chưa được phép thì tình trạng trên cũng cho thấy hoạt động kinh doanh xăng dầu đang có vấn đề.

Trong bản góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 mới nhất, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu lan rộng trên cả nước trong thời gian qua xuất phát chủ yếu từ phương thức quản lý giá của Nhà nước đặt trong bối cảnh biến động trên thế giới. Tình trạng này biểu hiện ở 2 khía cạnh.

Thứ nhất, ngay trước mỗi kỳ điều chỉnh giá có tình trạng găm hàng hoặc cố tình nhập hàng nhỏ giọt dẫn đến thiếu hụt đã diễn ra từ lâu. Sự thiếu hụt này chỉ diễn ra vài ngày trước mỗi kỳ điều hành giá và hết ngay khi giá trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới. Trước đây, khi giá xăng dầu thế giới ít biến động, giá điều hành không khác nhiều so với giá thế giới nên sự thiếu hụt xăng trước mỗi kỳ điều chỉnh diễn ra không phổ biến. Tuy nhiên, khi giá thế giới biến động mạnh như trong nửa cuối năm 2022 thì tình trạng này lan rộng và gây tác động lớn đến xã hội.

Năm 2022, có thời điểm người dân xếp hàng mua xăng

Thứ hai, gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng thiếu hụt xăng dầu ngay cả sau khi điều hành giá. Điều này là do các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng (premium, chi phí vận chuyển, chi phí bảo hiểm, chi phí lãi vay, và các chi phí phát sinh khác) trong năm 2022 nhưng chưa kịp phản ánh trong giá điều hành.

“Thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa, nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia”- bản kiến nghị của VCCI cho biết.

Thực tiễn về những quy định không còn phù hợp trong kinh doanh xăng dầu cũng được thể hiện trên thị trường những ngày qua. Mặc dù giá xăng dầu đã tăng mạnh trong kỳ điều hành gần nhất, song vi phạm vẫn diễn ra. Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp bán lẻ sở hữu gần 9.000 cửa hàng xăng dầu trên cả nước cũng cho hay, theo quy định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lãi hay lỗ doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị phạt. Và thực tế thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, (nhà cung cấp) tự kê phí vận chuyển lên quá cao so với phí vận chuyển thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn phải duy trì kinh doanh. Những doanh nghiệp nào không đủ sức gánh lỗ sẽ xin tạm ngừng hoạt động.

Sửa quy định thế nào?

Để nhanh chóng sửa đổi những bất hợp lý trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đã soạn thảo và lấy ý kiến dự thảo sửa đổi các quy định liên quan hiện hành theo quy trình rút gọn. Dù vậy, nội dung sửa đổi mà cơ quan soạn thảo đưa ra, phía doanh nghiệp vẫn cho rằng chưa phù hợp.

Đại diện nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết, vấn đề mấu chốt cần sửa đổi là Nghị định mới quy định cụ thể mức chiết khấu trong mỗi lít xăng dầu cho đại lý bán lẻ, để đảm bảo đại lý kinh doanh có lãi thay vì lỗ triền miên như vừa qua. Kế đó là cho phép đại lý được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn (2 - 3 nguồn) thay vì chỉ 1 nguồn như trước đây. Sau cùng là kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Với 3 nội dung lớn này, trong dự thảo, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án cho phép đại lý bán lẻ nhập xăng dầu từ 2 - 3 nguồn. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo vẫn bảo lưu quan điểm không quy định “cứng” chiết khấu xăng dầu cho đại lý sau khi đưa ra ưu nhược điểm của từng phương án, cũng như giữ nguyên quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo VCCI, thời gian vừa qua nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm. Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì sợ sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt. Trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. “Với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ. Bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu” - VCCI nêu quan điểm.

Cũng theo VCCI, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa, không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả như đã trình bày và phân tích. Với lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.

Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý. Tại bản góp ý này, VCCI cũng đề xuất chọn phương án để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Cùng với đó, thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu (các vấn đề này sẽ được phân tích ở phần sau) và điều tra hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Với Quỹ bình ổn xăng dầu, theo thuyết minh của Bộ Công Thương, mục tiêu của Quỹ là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý. Nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hóa khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hóa khác không giảm theo (nguyên tắc sticky price). Cơ quan Nhà nước kỳ vọng rằng Quỹ bình ổn xăng dầu sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước.

Đây là mong muốn hợp lý. Tuy nhiên, VCCI dẫn nghiên cứu của chuyên gia kinh tế, TS Phạm Thế Anh cho rằng, việc điều hành Quỹ bình ổn xăng dầu thời gian qua đã không đạt được mục tiêu nêu trên. Sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng quỹ. Lý giải cho sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn này, TS Phạm Thế Anh cho rằng, nguyên nhân là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai.

Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới. Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả quỹ đúng đắn.

“Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn xăng dầu không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, VCCI đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu” - VCCI kiến nghị.

Để doanh nghiệp tự điều chỉnh giá xăng đã phù hợp?

Bình luận về kiến nghị cho doanh nghiệp tự điều chỉnh giá xăng dầu, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên Học viện Tài chính cho rằng, sửa đổi này có nhiều ưu điểm nhưng cần chọn thời điểm phù hợp, nếu không sẽ phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực. Cụ thể, ưu điểm là giá xăng dầu trong nước sẽ bắt kịp giá xăng dầu thế giới, tăng tính cạnh tranh, hạn chế sự can thiệp của Nhà nước vào giá bán xăng dầu, đưa giá xăng dầu dần theo thị trường quyết định, hạn chế việc đầu cơ găm hàng, khuyến khích các doanh nghiệp tạo nguồn cung ổn định cho thị trường...

Tuy nhiên, do xăng dầu hiện vẫn thuộc nhóm mặt hàng bình ổn giá, nên Nhà nước phải can thiệp vào để điều chỉnh giá xăng dầu, tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Đáng chú ý hơn, chúng ta hiện có 38 doanh nghiệp đầu mối, nhưng thị trường vẫn phụ thuộc vào nhiều “ông lớn” như Petrolimex, PV Oil... nên rất khó có cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Một khi các doanh nghiệp chiếm thị phần thống lĩnh “bắt tay” nhau thì giá xăng dầu sẽ khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và cả nền kinh tế. “Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước vẫn phải can thiệp để bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc điều hành giá xăng dầu từng bước tiến đến tự do hóa ở một số khâu, phân khúc thị trường chứ không phải toàn bộ thị trường xăng dầu” - chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nói.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cũng trao đổi với báo chí, Nhà nước không cần can thiệp quá sâu vào thị trường. Về nguyên tắc, nếu có cơ chế thị trường đúng nghĩa thì giá xăng dầu phải để thị trường định giá.

Nhưng hiện nay, thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn còn doanh nghiệp nắm thị phần thống lĩnh, nên chưa thể thả nổi giá xăng dầu cho thị trường quyết định. Theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều quy định pháp luật quy định cạnh tranh trên thị trường xăng dầu nên không quá lo việc doanh nghiệp lớn “bắt tay” thao túng thị trường. Dù vậy, để thả nổi thị trường này thì không phải thực hiện ngay được. Xét ở góc độ người tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để thị trường xăng dầu tự cạnh tranh thì người dân sẽ được hưởng lợi.

Ngày 14-2 tới, VCCI sẽ tổ chức hội nghị góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu. Hội nghị sẽ có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, cùng đại diện các doanh nghiệp, bao gồm cả những doanh nghiệp bán lẻ.

Người dân cần được cung cấp đủ xăng dầu

“Là người dân, tôi không nắm rõ hết các quy định hoạt động kinh doanh xăng dầu. Tôi chỉ thấy thời gian qua, đi trên đường, một số cây xăng đóng cửa không rõ lý do, khách hàng phải đi tìm cây xăng còn mở cửa, xếp hàng rất lâu để mua. Kèm theo đó là những tin đồn thiếu xăng dầu khiến chúng tôi bất an. Chúng tôi cần được cung cấp đủ xăng dầu để phục vụ hoạt động đi lại, sản xuất”.

Anh Vũ Quang Huy (quận Hà Đông, Hà Nội)

Quan trọng nhất là cơ quan quản lý tính giá xăng dầu hợp lý

“Người dân vẫn muốn để thị trường tự định giá hơn, nhưng nếu chưa đến thời điểm thích hợp thì cơ quan quản lý cần minh bạch cách tính giá xăng dầu để các chuyên gia và những người có chuyên môn kiểm chứng, sau đó thông tin lại cho người dân. Người dân cần được mua xăng dầu đầy đủ, với giá hợp lý, còn giá tăng hay giảm là theo thị trường. Để người dân hoang mang vì lo thiếu xăng dầu như vừa qua hoặc có tâm lý tăng mạnh, giảm nhỏ giọt thì rất bất ổn”.

Chị Nguyễn Hoàng Anh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Giải pháp tình thế chỉ có tác dụng ngắn hạn

Thời gian qua, Bộ Công Thương ngăn chặn tình trạng thiếu xăng bán lẻ bằng cách xử phạt cây xăng đóng cửa. Các cây xăng có thể vì sợ bị phạt mà vẫn chấp nhận mở cửa, nhưng cố tình bán nhỏ giọt cho người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng phải xếp hàng mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có tác dụng trong ngắn hạn. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn chi phí kéo dài thì các doanh nghiệp sẽ không chỉ bán hàng nhỏ giọt trước mắt mà sẽ không đầu tư mới, thậm chí rời bỏ thị trường trong dài hạn. Khi đó, hạ tầng năng lượng của quốc gia sẽ bị xuống cấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống sinh hoạt của người dân và an ninh năng lượng quốc gia.

Góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Thúc đẩy tính cạnh tranh bằng nhiều biện pháp

Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa, không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng. Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả như đã trình bày và phân tích. Với lý do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng: Trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý. VCCI cũng đề xuất chọn phương án để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu. Cùng với đó, thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu và điều tra hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi có dấu hiệu.

Góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Một khi các “ông lớn” “bắt tay nhau”, thì...

Do xăng dầu hiện vẫn thuộc nhóm mặt hàng bình ổn giá, nên Nhà nước phải can thiệp vào để điều chỉnh giá xăng dầu, tránh những cú sốc cho nền kinh tế. Đáng chú ý hơn, chúng ta hiện có 38 doanh nghiệp đầu mối, nhưng thị trường vẫn phụ thuộc vào nhiều “ông lớn” như Petrolimex, PV Oil... nên rất khó có cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Một khi các doanh nghiệp chiếm thị phần thống lĩnh “bắt tay” nhau thì giá xăng dầu sẽ khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và cả nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước vẫn phải can thiệp để bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Việc điều hành giá xăng dầu từng bước tiến đến tự do hóa ở một số khâu, phân khúc thị trường chứ không phải toàn bộ thị trường xăng dầu.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/go-roi-ngay-nhung-bat-hop-ly-trong-dieu-hanh-kinh-doanh-xang-dau-post530776.antd