Gỡ rồi, sao vẫn vướng?

Những câu chuyện về thiếu vốn, quỹ đất hạn hẹp, khát nhân lực... không còn là vấn đề mới nảy sinh trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) mà đã trở thành điệp khúc 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'.

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Mô hình trồng hoa lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ánh Ngọc

Thế nhưng, nghịch lý ở chỗ, dù đã nói đi nói lại trong suốt thời gian qua, những bất cập ấy vẫn chưa được giải quyết thấu đáo, trong khi Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương luôn thúc giục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp CNC, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.

Phải thẳng thắn nhìn nhận, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực đang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư nhất hiện nay. Có thể kể đến hàng loạt văn bản quy định hành lang pháp lý như: Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Gần đây nhất, Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã có nhiều thay đổi về cơ chế hỗ trợ, từ hỗ trợ trực tiếp bằng tiền sang hình thức miễn tiền thuê đất, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, đào tạo...
Riêng với nông nghiệp ứng dụng CNC, cũng có nhiều chính sách ưu đãi được đưa ra như DN hoạt động trong khu nông nghiệp ứng dụng CNC được hưởng mức ưu đãi cao nhất về thuế thu nhập DN, thuế xuất nhập khẩu… Ngoài ra, theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay ưu đãi nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch thì các DN được dùng tài sản hình thành từ vốn vay để làm tài sản đảm bảo, cơ cấu về thời hạn trả nợ cho vay được thay đổi...
Rõ ràng, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư vào nông nghiệp hiện nay là không thiếu nhưng DN vẫn gặp khó trong tiếp cận. Theo nhận định của các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng trên là bởi các cơ chế hỗ trợ chưa sát với nhu cầu thực tế và hiệu quả thực thi chính sách chưa cao. Nói như Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch Nguyễn Thị Hồng Minh, trong các chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ chủ yếu là DN, trong khi đó người sản xuất nông nghiệp thường có quy mô nông hộ hoặc trang trại, hình thành rất ít DN. Do đó, cần có chính sách hướng trực tiếp vào hỗ trợ nông dân, chủ trang trại tổ chức lại sản xuất, tiếp cận nguồn vốn, đất đai vươn lên hình thành các DN nông nghiệp có quy mô hơn.
Phải nói thêm là thời gian qua, không chỉ tại Hà Nội mà hầu hết ở các địa phương, DN đều phản ánh khó khăn trong quá trình tích lũy đất đai để đầu tư phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp CNC, quy mô lớn. Các địa phương cũng đã nắm bắt, định hướng tháo gỡ, song dường như sự vào cuộc chưa rốt ráo nên khó vẫn hoàn khó.
Tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ lần đầu tiên được tổ chức hồi giữa tháng 5 vừa qua, khẩu hiệu hành động "Make in Vietnam" được nhắc đến như một thông điệp truyền cảm hứng và khát vọng hùng cường. Mục tiêu của diễn đàn này hướng tới là muốn biến các DN công nghệ trong nước trở thành động lực để đột phá nền kinh tế. Đặc biệt, một trong 5 nội dung được trưng bày trên bức tường công nghệ “Make in Vietnam” là nông nghiệp và chuyển đổi số. Điều này cho thấy vai trò, tầm quan trọng của ứng dụng CNC trong nông nghiệp, chìa khóa để “trụ đỡ của nền kinh tế” bứt phá trong tương lai.
Định hướng là vậy, khát vọng luôn đong đầy. Song điều mà không chỉ người nông dân mà rất nhiều DN mong muốn là sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách của các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, cụ thể hơn nữa và bám sát thực tiễn. Đừng để chính sách có cũng như không, ban hành rồi rơi vào quên lãng. Hãy hành động để hiện thực hóa giấc mơ một ngày không xa, Việt Nam sẽ có nền nông nghiệp 4.0 đáng tự hào như Israel!

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/go-roi-sao-van-vuong-345370.html