Gỗ Việt ngày càng đối mặt nhiều rủi ro kiện phòng vệ thương mại

Gần đây, ngành gỗ Việt Nam đón nhận những thông tin không mấy khả quan khi mặt hàng gỗ dán liên tục 'dính' vào các vụ kiện phòng vệ thương mại. Dự báo, thời gian tới, các doanh nghiệp gỗ sẽ tiếp tục phải đối mặt rủi ro, không chỉ đối với mặt hàng gỗ dán mà có thể đối với một số mặt hàng khác ở nhiều thị trường.

Xuất khẩu gỗ dán đã có sự tăng trưởng khá mạnh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Nguyễn Thanh

Xuất khẩu gỗ dán đã có sự tăng trưởng khá mạnh trong vài năm trở lại đây. Ảnh: Nguyễn Thanh

Chia sẻ về câu chuyện của gỗ dán, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhắc ngay tới việc ngày 9/6 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức đưa ra quyết định điều tra ngành gỗ dán Việt Nam.

Quyết định này được đưa ra dựa trên cáo buộc của Liên minh Thương mại Công bằng về Gỗ dán cứng Hoa Kỳ rằng một số công ty xuất gỗ dán từ Việt Nam vào thị trường này đã vi phạm điều luật về chống lẩn tránh thuế trong khuôn khổ của Đạo luật Thuế năm 1930 của Hoa Kỳ.

Đáng chú ý, Hoa Kỳ không chỉ là quốc gia duy nhất điều tra về mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Trước đó, ngày 3/12/2019, Ủy ban Thương mại của Hàn Quốc (KTC) cũng đã ra quyết định điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.

Đến ngày 24/4/2020, KTC công bố kết quả điều tra sơ bộ, theo đó mức thuế tạm thời được áp dụng đối với tất cả các sản gỗ dán từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này sẽ ở mức 9,18 – 10,56% (tuy nhiên 6 công ty nằm trong diện điều tra có mức thuế cao hơn). Mức thuế tạm thời được áp dụng từ 29/5 tới 28/9/2020.

Lùi lại một chút nữa vào năm 2015, Bộ Kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ cũng chính thức điều tra mặt hàng gỗ dán của Việt Nam. Bộ này đã đưa ra quyết định điều tra cuối cùng vào ngày 28/10/2016.

Theo đó, mức thuế 240 USD/m3 được áp dụng cho tất cả công ty không phản hồi thông tin cho cơ quan điều tra. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng mức thuế bằng 0% cho riêng 2 các công ty có phản hồi thông tin.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, các thông tin trên cho thấy xu hướng rủi ro trong các vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá đối với các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh ngành gỗ Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thị trường thế giới.

“Đáng chú ý, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung làm gia tăng các rủi ro này. Trong tương lai, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro, không chỉ đối với mặt hàng gỗ dán mà có thể đối với một số mặt hàng khác, ở các thị trường xuất khẩu khác”, ông Lập nhấn mạnh.

Tại sao gỗ dán Việt Nam lại ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại? Ở góc độ này, không ít ý kiến chuyên gia nhìn nhận, chính sự gia tăng về lượng và trị giá xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc và Mỹ cùng với việc đón nhận nhiều dự FDI mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc đã khiến cho mặt hàng này đã và đang đứng trước các vụ kiện chống lấn tránh thuế và chống bán phá giá.

Ông Đỗ Xuân Lập cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các đơn vị nhập khẩu và các đơn vị sản xuất nội địa, sự chuyển dịch đầu tư… để doanh nghiệp Việt Nam có thể tránh được các rủi ro trong thời gian tới.

Bản thân các doanh nghiệp ngành ván và đồ gỗ cần tái cấu trúc lại sản xuất, kinh doanh, áp dụng những giải pháp mới về công nghệ và quản trị để gia tăng được sản lượng lẫn chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.

Ông Lê Xuân Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty Kiến trúc và Nội thất Nano bày tỏ quan điểm, hiệp hội gỗ các địa phương phải rà soát lại hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thành viên để phát hiện các điểm bất thường giữa năng lực sản xuất và sản lượng xuất khẩu. Nếu phát hiện có gian lận, chuyển tải hàng hóa từ Trung Quốc phải công bố thông tin rộng rãi, đề nghị cơ quan chức năng có chế tài xử lý nghiêm…

Đó là bởi, chỉ cần một vài doanh nghiệp làm ăn bất chính, tiếp tay cho doanh nghiệp Trung Quốc để hưởng lợi trước mắt có thể khiến cả ngành hàng chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam phải trả giá đắt.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong giai đoạn 1995-2014 (20 năm) chỉ có 11 dự án FDI đầu tư vào sản xuất gỗ dán. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2020 (khoảng 5 năm), Việt Nam đã tiếp nhận 42 dự án FDI đầu tư vào sản xuất ván dán, với số vốn đầu tư 243,07 triệu USD. Đáng chú ý, Trung Quốc là quốc gia dẫn dầu với 29 dự án có tổng vốn đầu tư 150,87 triệu USD.

Uyển Như

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/go-viet-ngay-cang-doi-mat-nhieu-rui-ro-kien-phong-ve-thuong-mai-129744-129744.html