Gỡ vướng cấp phép cho hàng nghìn bến thủy

Theo thống kê, hiện có gần 1.900 bến thủy hàng hóa không phép, trong đó khoảng 1.000 bến có khả năng cấp phép.

Phương tiện, nhân công tại một bến thủy “chờ phép” ở Bắc Ninh dừng hoạt động khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra

Phương tiện, nhân công tại một bến thủy “chờ phép” ở Bắc Ninh dừng hoạt động khi thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra

Do vướng các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch của địa phương nên hàng nghìn bến thủy nội địa không được cấp phép, tạo ra nghịch lý tồn tại dai dẳng nhiều năm nay là bến không phép vẫn hoạt động, trong khi không phải chấp hành các nghĩa vụ thuế và Luật Giao thông đường thủy (GTĐT)...

Nghịch lý bến chờ cấp phép...

Nhìn bên ngoài, hai bến thủy bốc xếp vật liệu xây dựng Thành Trung, Bình Hoài ven sông Đuống (phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội) hoạt động nhộn nhịp như bao bến thủy khác. Vị trí của bến không ảnh hưởng đến đê điều, cản trở thủy lợi. Tuy vậy, các bến này không có lực lượng chức năng giải quyết thủ tục, thu phí cảng vụ phương tiện thủy hay bị kiểm soát tải trọng đường bộ.

Nguyên nhân chỉ vì các bến này chưa được cấp phép hoạt động, dù hồ sơ xin cấp phép được gửi đến cơ quan chức năng đã lâu. Cũng vì thế, lần nào lực lượng chức năng đi kiểm tra cũng lập biên bản xử phạt, song cũng không thể đóng cửa.

"Để phù hợp với chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, áp dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý Nhà nước, dự thảo Nghị định quy định việc đặt tên cảng thủy nội địa, tiến tới đồng bộ, kết nối quản lý điện tử đối với cảng thủy nội địa. Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ thông tin điện tử trong việc làm thủ tục phương tiện vào, rời cảng, bến; cắt giảm giấy tờ phải nộp, trình”.

Ông Trần Sỹ Duy
Trưởng phòng Pháp chế
Cục ĐTNĐ Việt Nam

“Khu vực này có cụm bến thủy với diện tích khoảng 10ha đang hoạt động nhưng chưa được cấp phép. Chúng tôi đã làm hồ sơ đề nghị quận, quận cũng đã gửi văn bản lên thành phố đề nghị đưa khu vực này vào quy hoạch, cấp phép hoạt động cảng, bến thủy nhưng chưa có hồi âm”, ông Trần Trọng Đào, chủ bến Thành Trung cho biết.

Tương tự, bến thủy vật liệu xây dựng ven sông Lạch Tray của gia đình ông Vũ Văn Trung (xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) có diện tích khoảng 2.000m2 cũng trong tình trạng chờ... cấp phép nên lực lượng cảng vụ dù muốn quản lý cũng không thể vào. Trong khi đó, các lực lượng khác cũng chỉ có thể xử phạt, chứ rất khó để cưỡng chế, giải tỏa bến.

“Tôi đã nhiều lần gửi hồ sơ đề nghị được cấp phép nhưng chưa được. Chỉ mong sớm được các cơ quan tạo điều kiện cấp phép, chứ đâu muốn hoạt động không phép thế này”, ông Trung nói.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, những trường hợp bến thủy hoạt động không phép như trên rất phổ biến trên cả nước. Theo thống kê của Cục ĐTNĐ VN, hiện có gần 1.900 bến thủy hàng hóa không phép, trong đó khoảng 1.000 bến có khả năng cấp phép. Tuy nhiên, do vướng các thủ tục liên quan đến đất đai, quy hoạch của địa phương nên vẫn chưa thể cấp phép bến, tạo ra nghịch lý là không có phép nhưng vẫn hoạt động, không phải chấp hành các nghĩa vụ về thuế và pháp luật GTĐT.

Ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế Cục ĐTNĐ VN cho biết, trong dự thảo Nghị định quản lý hoạt động giao thông ĐTNĐ mà Bộ GTVT chuẩn bị lấy ý kiến rộng rãi, lần đầu tiên sẽ tạo hành lang pháp lý đưa đối tượng bến thủy trên vào quản lý. Cụ thể, dự thảo quy định bến thủy nội địa đang khai thác mà chưa có giấy phép hoạt động, nếu không vi phạm hành lang bảo vệ công trình, không ở vị trí gây nguy hiểm về ATGT có thể được xem xét công bố hoạt động. Thời hạn quyết định công bố hoạt động không quá 2 năm.

“Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày công bố hoạt động, người khai thác phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định (về thủ tục mở bến) tại nghị định này để công bố hoạt động. Nếu người khai thác bến không thực hiện thủ tục hoặc bến thủy nội địa không đủ điều kiện để công bố hoạt động phải được giải tỏa”, nội dung dự thảo nêu.

Phân cấp mạnh hơn cho địa phương

Nội dung dự thảo Nghị định lần này cũng có điểm rất đáng chú ý là quy định nguyên tắc đầu tư xây dựng cảng, bến thủy phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được phê duyệt. Trường hợp công trình, dự án chưa có hoặc khác với quy hoạch, chủ đầu tư phải báo cáo và được cấp phê duyệt quy hoạch chấp thuận.

Theo ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa VN, hiện việc quản lý hệ thống cảng, bến thủy theo quy hoạch có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển vận tải thủy theo hướng tập trung. “Chỉ khi cảng, bến thủy được phát triển và quản lý theo quy hoạch, nhất là những cảng, bến đầu mối mới tập trung được nguồn hàng, tạo thành hành lang vận tải thủy. Nếu không quản chặt theo quy hoạch cũng sẽ không giải quyết được tình trạng cảng, bến manh mún, vận tải manh mún”, ông Liêm nói.

Liên quan đến phân cấp quản lý cảng bến và phương tiện, có ý kiến cho rằng, nên chuyển thẩm quyền cấp phép bến thủy trên các tuyến đường thủy quốc gia từ Sở GTVT địa phương như hiện nay cho các Cảng vụ đường thủy khu vực trực thuộc Cục ĐTNĐ VN. Tuy nhiên, hiện nhiều ý kiến cho rằng nên phân cấp cho địa phương. Đại diện Cục ĐTNĐ VN cho biết, dự thảo tiếp tục phân cấp sở GTVT các địa phương thỏa thuận (với chủ đầu tư) về xây dựng bến thủy mới và cấp phép hoạt động bến thủy trên các tuyến quốc gia, còn cảng vụ đường thủy Trung ương quản lý hoạt động thường xuyên của cảng, bến như hiện nay.

“Do đó, dự thảo lần này phân cấp cho UBND cấp huyện cấp phép, tổ chức quản lý bến khách ngang sông, thay vì giao cho Sở GTVT như hiện nay. Hai bến nằm ở sông quốc gia, thuộc tỉnh, sẽ do UBND cấp huyện của 2 địa phương thống nhất quản lý”, ông Trần Sỹ Duy, Trưởng phòng Pháp chế thông tin.

Huy Lộc

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/go-vuong-cap-phep-cho-hang-nghin-ben-thuy-d274175.html