Gỡ vướng cho bất động sản nghỉ dưỡng

Sáng nay (13/9), diễn đàn 'Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn vốn để nâng cao hiệu quả thị trường bất động sản' do Báo Công thương tổ chức đã diễn ra.

Bất động sản nghỉ dưỡng có tầm quan trọng không kém bất động sản nhà ở

Chia sẻ tại Diễn đàn, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu phát triển mạnh từ 2014.

Tuy nhiên đến năm 2018, sự cố Cocobay Đà Nẵng khi dự án này phải bỏ dở và chủ đầu tư tuyên bố cam kết của mình với các nhà đầu tư là không hoàn tất…, đã khiến phân khúc này "lịm dần", và đặc biệt trầm lắng hơn trong giai đoạn 2019-2020 khi thị trường du lịch đóng cửa bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đến nay, thị trường bất động sản du lịch đang nổi lên và câu chuyện pháp lý lại được nhắc đến khi năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị yêu cầu xây dựng khung pháp luật cho phân khúc này nhưng không thành.

"Mặc dù Luật Đất đai đang sửa và cũng đã có quan điểm sẽ giải quyết được điểm nghẽn pháp lý cho các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng, nhưng thực tế sửa như thế nào và liệu có ra được khung pháp lý cho phân khúc này hay không lại là điều không dễ nói", ông Võ nói và cho biết thêm: “Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết nâng kinh tế du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quyết định đó cho thấy chúng ta phải sắp xếp lại các phân khúc bất động sản và phát triển nó như thế nào?”

GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh thêm, thực tế bất động sản nghỉ dưỡng quan trọng không khác gì như nhà ở. Chính phủ đang cố gắng định hướng lại thị trường nhà ở khi tập trung vào phát triển phân khúc nhà ở giá thấp thì việc cân nhắc và xem xét đường hướng cho cả phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cũng là không thể thiếu.

Tại diễn đàn, ông Vũ Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup cho rằng: "Chúng ta đang tự “lạc hậu” dần so với thế giới khi không thực sự nhất quán trong cách giải quyết các vướng mắc cho bất động sản nghỉ dưỡng, và cụ thể ở đây là cho chính các doanh nghiệp".

Trước hết, theo ông Thành, mỗi nhà đầu tư đến với địa phương là tạo động lực, mang lại các giá trị tích cực đối với sự phát triển kinh tế cho địa phương đó. Theo đó, doanh nghiệp cũng phải được tạo điều kiện hay được trải thảm để hai bên cùng có lợi. "Làm sao thay đổi quan điểm xin cho đối với nhà đầu tư".

Thực tế, việc đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng luôn khó khăn hơn đầu tư bất động sản nhà ở vùng ven, nội đô do bất động sản nghỉ dưỡng ra vùng biển, núi, vùng sâu, vùng xa. Lấy ví dụ thực tế, ông Thành chia sẻ: "Khi chúng tôi đầu tư dự án tại Bình Thuận, các quy trình cũng tương tự như miền Bắc, nhưng khi chạy được hơn nửa quãng đường thì phải dừng do liên quan đến khoáng sản, do cát của Bình Thuận có nhiều titan. Muốn chuyển cát ra ngoài phải thực hiện quá trình liên quan đến khoáng sản, chứ chưa nói đền bù giải phóng mặt bằng, định giá đất".

Ông Thành nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ cũng từng nói về mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, vì thế vấn đề này lại càng hết sức quan trọng.

“Do vậy, 14 năm theo đuổi lĩnh vực này, chúng tôi thấy rằng, các bộ luật điều chỉnh bất động sản nghỉ dưỡng nhiều lần nhưng vẫn chưa rõ ràng. Chúng tôi luôn muốn tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, để bất động sản nghỉ dưỡng có một danh phận” ông Thành chia sẻ tại Diễn đàn.

“Rừng luật” phải xử lý bằng “luật rừng” !?

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau thời gian dài bị nén lại, bất động sản du lịch đang trở lại. Do đó, việc thảo luận chính sách về bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Condotel là hết sức có ý nghĩa.

Hiện nay, hệ thống luật đang có nhiều vấn đề nghiêm trọng, đó là chồng chéo, xung đột, tranh chấp, giải quyết được điểm này lại dẫn đến xung đột với điểm khác... “Chúng ta có một rừng luật nên cần phải giải quyết bằng luật rừng”, ông Thiên ví von.

Ông Thiên phân tích thêm, loại hình Condotel chưa từng có ở Việt Nam, giống như đứa con lai, giữa nhà ở và khách sạn, đây lại là hình thức đầu tư tài chính. Câu chuyện tài sản này được vận động như thế nào, được chuyển nhượng, góp vốn để không gây ra xung đột. Việc này không quá khó và không phải không thể giải quyết, tuy nhiên, nhiều khi vướng vào câu chuyện đầu cơ sẽ rất rắc rối...

“Gốc rễ vấn đề nằm ở các quan điểm về tài sản, sau đó là các luật lệ liên quan đến tài sản, chúng ta đang có những biến chuyển rất nhanh, nhanh hơn so với biến chuyển của bộ máy. Do đó, chúng ta cần phải học thêm kinh nghiệm từ nước ngoài”, ông Thiên nói.

Một điểm đáng chú ý khác là du lịch. Người Việt Nam khá nhanh nhạy đón bắt đầu cơ về du lịch. Tuy nhiên, muốn bùng nổ du lịch thì cần có vốn, huy động nguồn vốn từ xã hội vô cùng nhiều, việc huy động nguồn vốn này cũng như chia sẻ lợi ích của người dân. Nếu hệ thống pháp luật ổn định thì nhiều nhà đầu tư chia sẻ lợi ích sẽ rất tốt cho người dân.

"Chúng ta cần tiếp cận giải quyết vấn đề Luật phải trên nền tảng như vậy chứ không phải trên nền tảng về kỹ thuật. Tuy nhiên, cách tiếp cận của chúng ta chưa đứng trên tổng thể lợi ích mà còn cân đo, căn ke và xem như đối trọng của nhau. Tóm lại, vấn đề cần xử lý ở đây sao cho không chồng chéo và cần xây dựng luật nền tảng, luật cơ bản", ông Thiên nhấn mạnh thêm.

Việt Dương

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/go-vuong-cho-bat-dong-san-nghi-duong-305596.html