Gỡ vướng cho phát triển du lịch sinh thái rừng

Trong những năm gần đây, phát triển du lịch sinh thái bền vững đang trở thành xu thế tất yếu của ngành du lịch. Tuy nhiên, đang có những rào cản vô hình khiến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong việc khai thác tài nguyên rừng một cách hợp lý để phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.

Du lịch sinh thái ngày càng thu hút lượng lớn khách du lịch. Ảnh Thế Hùng

Nhắc đến du lịch sinh thái Vĩnh Phúc, hẳn không thể bỏ qua Vườn Quốc gia Tam Đảo - kho tài nguyên quý giá, môi trường sinh sống của rất nhiều loại động thực vật đặc hữu, quý hiếm cần bảo tồn.

Thế nhưng không chỉ có Vườn Quốc gia, nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, thuộc vùng trung du, chuyển tiếp giữa rừng núi và đồng bằng, Vĩnh Phúc còn có nguồn tài nguyên rừng quý giá lên tới gần 40 nghìn ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là trên 12 nghìn ha cùng nhiều hang động, hồ đầm.

Với nhiều giá trị đặc sắc về mặt cảnh quan, môi trường, tài nguyên, động thực vật đa dạng phong phú cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã miền núi, Vĩnh Phúc có những yếu tố thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, du lịch trải nghiệm…

Nhằm khai thác tốt thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, phát triển du lịch, những năm qua, tỉnh cũng đã quy hoạch nhiều quỹ đất để thu hút các dự án đầu tư về du lịch như Dự án trồng rừng kết hợp với du lịch sinh thái cao cấp núi Thằn Lằn 50 ha; Khu du lịch Tam Đảo 2-Bến Tắm-Thác 75 diện tích 50 ha; Khu du lịch sinh thái Âu Cơ 100 ha; Khu du lịch Đại Lải 127 ha. Ngoài ra còn có quy hoạch khu du lịch sinh thái Thác Bay; khu du lịch sinh thái Vườn Cò; khu du lịch dịch vụ khu vực núi sáng hồ Bò Lạc và hồ Vân Trục...

Bên cạnh quy hoạch, thu hút đầu tư vào các dự án lớn, các mô hình du lịch sinh thái quy mô nhỏ cũng dần xuất hiện, bước đầu đem lại hiệu quả. Một trong số đó là khu du lịch nghỉ dưỡng The Deck Đại Lải của anh Lâm Văn Trung ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên).

Với việc đưa đến cho du khách những trải nghiệm thú vị như câu cá, trồng cây, hái quả, bắt gà vịt, hòa mình vào không gian xanh của rừng thông, hồ nước, The Deck Đại Lải đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt từ sau du lịch bắt đầu mở cửa trở lại, khu nghỉ dưỡng thường xuyên kín phòng vào các ngày cuối tuần.

Không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế, các mô hình du lịch sinh thái gắn với cộng đồng này còn tạo việc làm cho người dân, làm phong phú thêm cho bức tranh du lịch Vĩnh Phúc. Đặc biệt là với không gian mở, hạn chế tiếp xúc giữa các nhóm người, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm đang được xem là xu hướng du lịch hậu đại dịch Covid -19, thu hút sự quan tâm của du khách. Tuy vậy, những vướng mắc trong cơ chế, chính sách, thủ tục pháp lý đã và đang là rào cản cho sự phát triển của mô hình du lịch này.

Đầu năm nay, khi du lịch bắt đầu mở cửa trở lại, dư luận không khỏi xôn xao về chuyện Khu du lịch sinh thái Phú Lâm Farmstay tại xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh doanh du lịch, sinh thái được xây dựng trên diện tích đất rừng sản xuất. Việc này được cho là vi phạm các quy định của pháp luật về luật đất đai.

Tuy nhiên, ông Trịnh Duy Long, chủ khu du lịch khẳng định: Các công trình xây dựng phục vụ bảo vệ rừng kết hợp kinh doanh du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng trên phạm vi đất 1094m2 phần sát mép đồi, lưu lực khe nước sâu, bãi đá gồ ghề là đúng quy định và được pháp luật cho phép.

Cụ thể, theo Luật Lâm nghiệp và Quyết định số 38/2016 của Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ rừng được sử dụng tối đa 30% diện tích đất đã được giao, được thuê nhưng chưa có rừng để đầu tư phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp, trong đó diện tích dành cho xây dựng hạ tầng tối đa 20%. Trước tình hình đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT đang xin ý kiến của Bộ NN& PTNT.

Trước khi có kết luận chính thức về vụ việc, ông Long buộc phải tạm dừng việc tự ý xây dựng, thi công công trình trên đất rừng sản xuất đã được giao. Tất nhiên, điều này cũng là trở ngại cho Khu du lịch sinh thái Phú Lâm trong việc xin cấp phép an ninh trật tự để hoạt động.

Từ câu chuyện tại Khu du lịch sinh thái Phú Lâm có thể thấy rằng, việc khai thác thế mạnh về tài nguyên rừng để phát triển du lịch theo hình thức farmstay, green farm, du lịch cộng đồng tại các vùng nông thôn, miền núi trong thời gian qua không phải là chuyện đơn giản.

Về vấn đề này, anh Đỗ Hoàng Dương, Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Mặc dù du lịch sinh thái mang tính trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên, núi rừng, song việc việc thiếu đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhà lưu trú sẽ làm giảm đi nhu cầu tham quan trải nghiệm, khó có thể giữ chân du khách.

Do đó đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong đầu tư khai thác, vừa góp phần bảo vệ rừng vừa phát triển du lịch một cách bền vững.

Nguyễn Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78795/go-vuong-cho-phat-trien-du-lich-sinh-thai-rung.html