Gỡ vướng trong xúc tiến thương mại nông nghiệp

Công tác xúc tiến thương mại nông nghiệp hiện có vai trò rất quan trọng để giải quyết 'đầu ra' cho sản phẩm. Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về thương mại của Nhà nước, doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức cần tháo gỡ...

Theo khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT), hiện có 65,4% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc triển khai các chính sách thương mại và thị trường, trong đó 44,3% thấy đặc biệt khó khăn. Trong thương mại và thị trường, vấn đề khảo nghiệm và cấp giấy phép lưu thông vật tư "đầu vào" được các doanh nghiệp đánh giá là khó khăn nhất. Trong khi đó, hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật để kiểm soát chất lượng hàng hóa nhập khẩu trong nước chưa đủ mạnh. Chính sách hỗ trợ xây dựng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp có nhưng chưa hiệu quả. Công tác xúc tiến thương mại ở các doanh nghiệp ít gắn với phân tích bài bản về thị trường chiến lược, có trọng tâm, trọng điểm. Hiện tại, công tác xây dựng những chính sách để phát triển thị trường nông nghiệp, phân công vai trò chưa hiệu quả và hợp lý: Đối với thị trường xuất khẩu phụ thuộc vào 3 bộ và mỗi bộ quyết định một khâu (sản xuất do Bộ NN&PTNT, về giá là Bộ Tài chính, xúc tiến thương mại là Bộ Công Thương) trong khi cơ chế liên kết còn yếu. Đối với thị trường trong nước, phần lớn các địa phương dựa vào cơ quan khuyến nông, nhưng đây là cơ quan có chức năng thúc đẩy sản xuất, không chuyên trách về thị trường.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết: Hà Nội đang đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố đưa nông sản về tiêu thụ tại Thủ đô bảo đảm truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp của Hà Nội đầu tư phát triển sản xuất ở các tỉnh, thành phố khác nên chưa khuyến khích được vai trò liên kết hợp tác sản xuất giữa Thủ đô với các tỉnh, thành phố. Số lượng nông sản rau, thịt cung cấp cho Hà Nội được quản lý thông qua thỏa thuận phối hợp còn hạn chế.

Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên, hiện công ty đang sản xuất và kinh doanh các loại trứng sạch, an toàn. Tuy nhiên, công tác xúc tiến thương mại của doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu kinh phí để tham gia các hội chợ trong và ngoài nước, dẫn tới khả năng sản xuất của công ty rất lớn, nhưng tiêu thụ còn ít...

Theo bà Khuất Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Chế biến thực phẩm sinh học Yummy Việt Nam: Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường hoạt động xúc tiến nông nghiệp thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp trong nước và nước ngoài để quảng bá nông sản hàng hóa Việt Nam; đào tạo, tập huấn, tăng cường kỹ năng về xúc tiến nông nghiệp....

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, giải quyết rào cản, phát triển thị trường tiêu thụ với mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, uy tín và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó phải nâng cao năng lực nghiên cứu, phân tích và dự báo cung - cầu thị trường nông sản; tổ chức nghiên cứu sâu các thị trường tiêu thụ nông sản Việt Nam để hiểu và nắm rõ thị hiếu, chuỗi cung ứng hoặc “đường đi" của nông sản Việt... nhằm cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp, người sản xuất và có giải pháp nâng cao hiệu quả xuất khẩu; tiêu thụ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm lợi ích cho nông dân...

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/897321/go-vuong-trong-xuc-tien-thuong-mai-nong-nghiep