Góc của Lam...

Lâu lâu không thấy Thanh Lam xuất hiện trên sân khấu, bỗng một ngày tôi nhận được lời hẹn gặp của chị tại ngôi nhà được thiết kế thú vị. Lam nói đó là góc riêng của chị, nơi chị trở về với bản ngã đàn bà, quanh quẩn với sở thích nấu nướng, chăm chút yêu thương cho bản thân và bạn bè.

1. Tôi từng nghe ca sĩ Tùng Dương, Hồng Nhung, nhạc sĩ Dương Thụ, Phú Quang ngợi khen về tài nấu ăn khéo léo của Thanh Lam. Sự khéo ở đây không chỉ là cơm ngon mà còn là sự bày biện, sắp đặt khéo léo, tinh tế của chủ nhà. Thanh Lam thú nhận, chị ít khi nấu cho riêng mình, nên lúc nào “nổi hứng” vào bếp, chị sẽ mời bạn bè đến để bõ một công. Bạn bè Lam phần nhiều là người trong giới nghệ thuật, nên tài nấu ăn của chị lan truyền nhiều trong giới.

Lam là người sành về ẩm thực và kỹ tính trong việc thưởng thức. Chị thuộc tuýp phụ nữ thích nấu ăn, thích tìm các công thức chế biến mới lạ nhưng không phải là người chăm chỉ vào bếp thường xuyên. Chị có thể dành cả ngày để đi chợ chọn thực phẩm, tự tay chế biến, sắp đặt một bữa ăn ngon miệng, đẹp mắt nhưng đó phải là lúc chị có cảm hứng.

Bởi thế, tôi đã ngạc nhiên khi nghe tin Thanh Lam mở nhà hàng, mà lại do chị đích thân đứng bếp. Tôi chưa mường tượng được cảnh một diva nhạc nhẹ hàng đầu Việt Nam, vốn đóng đinh với hình ảnh “sang chảnh” má phấn môi hồng, váy áo sang trọng như chị lại tất bật với việc cơm nước, dầu mỡ, hành tỏi, đon đả đón khách. Nên, tôi nhận lời mời của chị tại nơi mà chị gọi là "ngôi nhà ẩm thực".

2. Ngôi nhà ẩm thực của Thanh Lam nằm trên phố Khúc Hạo. Hàng trúc được trồng dọc lối nhỏ dẫn vào nhà khiến khách đến chơi có cảm giác thanh tịnh đến lạ. Ngôi nhà được sắp đặt nhiều không gian khác nhau, nhưng đều rất đẹp và ấm áp, cho thấy sự tỉ mẩn, cầu kỳ của chủ nhà. Thanh Lam theo đạo Phật từ hơn chục năm nay. Mọi không gian trong nhà đều có dấu ấn của Phật giáo, từ những bức tượng Phật đặt trên kệ, cho đến bình sen trắng ở góc nhà, hay những chùm tràng hạt sắp đặt tinh tế. Một khu vườn nhỏ xinh xắn ở tầng 2 với nhiều cây xanh được chăm sóc tỉ mỉ trở thành điểm dừng chân thú vị mà bất cứ vị khách nào lạc vào cũng muốn chậm lại, thong thả với thiên nhiên, hoa lá. Buổi tối, ngôi nhà phảng phất mùi hương trầm và tiếng nhạc thiền nhè nhẹ.

Thanh Lam đón khách bằng nụ cười rạng rỡ. Chị vẫn lộng lẫy trong bộ váy màu tím nhạt, khuôn mặt được trang điểm kỹ, tóc đen bồng bềnh. Không ai nhận ra chị vừa đứng bếp chỉ huy nhân viên hoàn thành thực đơn của khách. Những thức uống mang ra chào khách cũng được chủ nhân đặt với những tên gọi lãng mạn như: Tĩnh tâm, Đánh thức tầm xuân, Tình yêu màu xanh, Nắng vàng… Mỗi tên gọi đều phảng phất đâu đó lời ca trong các bài hát Thanh Lam từng hát.

Thanh Lam tự tay vào bếp sắp đặt, nấu nướng.

Trả lời những băn khoăn của khách về lý do mở nhà hàng trong khi Thanh Lam hoàn toàn có thể chọn cho mình cuộc sống nhàn tênh, đầy ngẫu hứng và lãng mạn như vốn có, chị nói rằng, ẩm thực là một đam mê khác mà ít người biết ở chị. Chị muốn thử sức sáng tạo ở một lĩnh vực nghệ thuật khác bên cạnh ca hát.

“Nhiều bạn bè đã tỏ ra thương cảm khi nhìn tôi trăn trở với quán, tất bật trong bếp, mồ hôi lăn trên trán lúc nấu nướng. Họ nói tôi đang tự làm khó mình. Các con tôi thấy tôi bỗng nhiên bận rộn cũng xót mẹ vất vả. Tôi nói với con và bạn rằng, tôi làm vì thích. Tôi muốn có một không gian để được thử sức sáng tạo, được vui vẻ thường xuyên với bạn bè và cảm nhận hạnh phúc ở một lĩnh vực mới”, Thanh Lam thổ lộ.

Theo lời của nữ ca sĩ, nhiều món ăn chị lên thực đơn đều ít nhiều gắn với kỷ niệm của chị với gia đình. Ví như món “Cơm gà quê cha” là kỷ niệm của chị lúc nhỏ khi cùng cha về quê. “Khi ấy, gia đình tôi cũng như bao nhà khác đều khó khăn. 14 đứa trẻ con cùng quây quần quanh một chảo cơm và chút thịt gà xé nhỏ. Chỉ thế thôi, nhưng cũng đủ để những đứa trẻ sung sướng, no nê. Đến giờ tôi vẫn nhớ cảm giác ngon miệng khi ăn món cơm gà đó. Sau này, thi thoảng tôi vẫn làm cơm gà để mời bạn bè”, Thanh Lam kể.

3. Đàn bà ở trong gian bếp của mình sẽ trở về bản ngã dịu dàng, ấm áp. Thanh Lam nói rằng, phụ nữ khi đã vào bếp nên trút bỏ muộn phiền để gói ghém tình yêu vào các món ăn. Lam theo Phật giáo, được thấm nhuần các triết lý về thực dưỡng nên chị quan niệm, khi nấu ăn với sự yêu thương, vui vẻ thì món ăn sẽ là dưỡng chất, còn nếu nấu ăn lúc cáu giận, buồn bực, chán nản thì món ăn lại mang độc tính.

Thanh Lam thú nhận, kể từ khi vào bếp, thường xuyên chị học được nhiều điều, rõ nhất là việc kiềm chế sự gắt gỏng, bực bội đôi khi là do nóng nực vì đứng bếp lâu. Chị nền tính hơn, hạ “cái tôi” tự kiêu, “sang chảnh” của mình để giao tiếp gần gũi, cởi mở hơn.

Bên bàn ăn do Thanh Lam lên ý tưởng bày biện, mọi câu chuyện đều được chia sẻ chân tình và cởi mở. Lần đầu tiên Thanh Lam dốc bầu tâm sự về cuộc hôn nhân đổ vỡ và về những đứa con của mình. Chị thừa nhận, quyết định ly hôn với nhạc sĩ Quốc Trung đã ảnh hưởng rất lớn đến hai người con, đó là điều chị tiếc nuối nhất.

“Nếu ngày đấy tôi có suy nghĩ được như bây giờ thì có lẽ tôi không quyết định như vậy. Ly hôn của cha mẹ dù có diễn ra thế nào thì vẫn không thể lấp đầy được khoảng trống trong lòng những đứa trẻ. Tôi và anh Trung đến nay vẫn coi nhau là bạn, thường xuyên gặp gỡ và hỗ trợ nhau trong công việc. Các con tôi vẫn nhận được sự yêu thương đầy đủ từ bố và mẹ, nhưng tôi biết, sự chia tay ấy đã khiến các con tổn thương. Đăng Quang từ một cậu bé sôi nổi trở nên kín đáo và ít nói hơn. Tôi tiếc vì quyết định của chúng tôi khiến các con bị xáo trộn cuộc sống”, nữ ca sĩ bày tỏ.

Câu chuyện về hôn nhân, gia đình và tình yêu kéo dài không muốn dứt. “Người đàn bà hát” có nhiều thay đổi mới lạ khi gắn kết với ẩm thực. Thanh Lam đã tạo một góc riêng để thỏa mãn các sở thích và để được trở về với bản ngã với ước muốn dung dị là được yêu thương. Trước khi nói lời chào tạm biệt, chị khẳng định, dù đang say mê với niềm vui mới nhưng sẽ không bao giờ ngừng hát, bởi ca hát là bản năng và là máu chảy trong huyết quản. Cuối năm này, Thanh Lam sẽ thực hiện liveshow.

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Hau-truong/908314/goc-cua-lam