Góc khoa học cho con

Mỗi đứa trẻ sinh ra là một thiên tài bẩm sinh, nhưng tại sao chỉ có 0,001% trở thành thiên tài thực sự? Bởi có lẽ con đường đến với kết quả quá gian nan, mà lực cản đầu tiên, kinh khủng nhất, khó vượt qua nhất chính là cha mẹ, ông bà!

1. Ngọc Hân, một đồng nghiệp cùng cơ quan của tôi kể, con gái lớn của cô (cháu Nina 10 tuổi) được giao cho hẳn một góc nhỏ trong nhà làm “Góc khoa học”. Nơi đó, con có thể thí nghiệm làm những gì con thích, con tưởng tượng. Tất nhiên, con bị cấm dùng lửa, điện, dùng dao nhọn để tránh gây họa…, tránh dùng hóa chất nguy hại trong “Góc khoa học” bởi em trai nhỏ có thể ăn phải. Cháu Nina yêu thích nhất góc đó trong nhà, cứ mỗi khi về nhà là cháu lại ở rịt trong góc đó, say sưa thử nghiệm, nghiên cứu và tưởng tượng. Cháu chế tạo đồ chơi, điển hình là slime, thứ chất dẻo thần kỳ, khiến nguyên liệu màu dây tứ tung. Những nguyên liệu khác của cháu như giấy, đất, phấn, bột các loại, dây nhợ lòng thòng, ống, lọ… chất đầy trong “Góc khoa học”. Một hôm, bà ngoại đến nhà trong lúc cháu ở trường, thấy bẩn dơ kinh khủng, liền dọn dẹp cả buổi mới sạch cái góc kinh khủng đó. Khi Nina về nhà, liền lao ngay tới “Góc khoa học” của mình như thường lệ, nhìn thấy góc trống trơn, cháu òa khóc nức nở!

2. Cháu Dế, con trai của nhà thơ Thụy Anh cũng có một góc thí nghiệm nhỏ trong phòng ngủ của cháu. Ở đó cháu trưng lên những tác phẩm đất nặn, những công trình vĩ đại mà cháu tưởng tượng và chế tạo… Mẹ cháu không ý kiến gì, thậm chí khuyến khích. Tuy nhiên, có một hôm, khi vào phòng con, nhà thơ tá hỏa khi phát hiện ra có cả tổ kiến trong nhà. Khi hỏi Dế, thì cháu giải thích rằng, cháu nuôi đàn kiến đó để phục vụ mục đích khoa học. Nhà thơ đành phải kiên nhẫn giải thích thật nhiều cho con về những bất lợi khi kiến sống ở trong nhà mà thiếu kiểm soát.

3. Cháu Hoàng Mi thì lại bí mật nuôi cả đàn chuột nhắt trong phòng mình. Số là một lần, cháu bắt được ổ chuột con nên mang vào phòng, để trong một cái lồng có cài cửa cẩn thận. Cháu chăm sóc lũ chuột rất chu đáo nên chúng lớn nhanh như thổi, cho đến một hôm, cháu đi học, bỏ quên không đóng cửa lồng, chuột chạy khắp nhà và bố cháu phát hiện ra, không những đuổi hết chuột, đập chết hai con, mà còn phạt cháu rất nặng. Cháu tổn thương và giận bố rất lâu.

Còn rất nhiều những câu chuyện tương tự về thói nghịch dại vô bờ bến của lũ trẻ. Người lớn chúng ta thường chỉ đơn giản quy kết hành động khác thường đó của trẻ là nghịch dại, nghịch bẩn, trò nguy hiểm… và từ đó mà cấm đoán trẻ. Vô tình, người lớn đã chặn đứng óc sáng tạo, sự chủ động, và tư tưởng của trẻ, biến những đứa trẻ của chúng ta thành những đứa con ngoan, dễ bảo, dễ tuân thủ, bằng lòng với hiện tại kém cỏi và luôn lo sợ trước thay đổi, luôn chịu phần thua trước bất cứ một cuộc cạnh tranh nào, một cơ hội nào. Những đứa trẻ của chúng ta trở nên nhút nhát, sợ hãi, dễ dàng co rúm lại trước đám đông, trước người lạ. Do đó, chúng không thể phát triển được bản thân, luôn chấp nhận là người đi sau, sống ở tầng thấp cho an toàn.

Để phát huy được tố chất của trẻ, bạn cần để trẻ được sáng tạo, được suy nghĩ và hành động theo cách của chúng. Bạn vẫn cần để mắt kiểm soát, và dành thời gian cho chúng, cùng tham gia vào trò nghiên cứu khoa học, trò phiêu lưu của trẻ, có như vậy, bạn mới kiểm soát được trẻ một cách hiệu quả hơn, tạo điều kiện phát triển tài năng của con, chứ không triệt tiêu tài năng bằng lệnh cấm đơn giản với bạn nhưng nghiệt ngã với con.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/goc-khoa-hoc-cho-con-3956371-b.html