Góc khuất cuộc đời danh nhân thế giới Nikola Tesla

Nikola Tesla là cha đẻ của hàng loạt những phát minh đột phá, mang tính chất cách mạng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ hiện đại làm thay đổi thế giới như động cơ điện xoay chiều, bóng đèn huỳnh quang, đồng hồ điện tử... Tên của ông được đặt cho một đơn vị điện từ 'Tesla' trong hệ đo lường quốc tế.

Tesla là nhà điện học nổi tiếng với hơn 300 bằng sáng chế làm thay đổi cuộc sống của nhân loại

Tesla là nhà điện học nổi tiếng với hơn 300 bằng sáng chế làm thay đổi cuộc sống của nhân loại

Từ “Đứa trẻ của ánh sáng” đến nhà bác học sở hữu hơn 300 bằng sáng chế

Nikola Tesla cất tiếng khóc chào đời vào đêm mùng 9 rạng ngày mùng 10-7-1856 trong một gia đình người Serbia ở vùng biên giới Áo - Hung (nay thuộc phần lãnh thổ Croatia). Cha của ông, Milutin Tesla, là một cha sứ chính thống người Serbia và mẹ của ông, Djuka Mandic, là một nhà phát minh đồ gia dụng.

Trong khi mọi người nín thở chờ đón đứa bé chào đời thì bên ngoài trời mưa to gió lớn, sấm sét dữ dội. Các thành viên trong gia đình Tesla và cả các nữ hộ sinh đều cho rằng, mưa gió và sấm sét là điềm xấu, đứa trẻ sinh vào thời điểm này sẽ có cuộc đời chìm trong bóng tối. Nhưng mẹ của Tesla lại tin tưởng rằng: “cậu bé sẽ là hiện thân của ánh sáng."

Và niềm tin của người mẹ ngày nào đã trở thành hiện thực, Tesla đã trở thành nhà điện học nổi tiếng thế giới với hơn 300 bằng sáng chế làm thay đổi cuộc sống của nhân loại, tạo ra bước nhảy vọt không chỉ trong lĩnh vực năng lượng điện mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Khi vào đại học, ông chọn nghiên cứu vật lý và toán học là ngành ông yêu thích để theo học, thế nhưng sau một thời gian, niềm đam mê với ngành điện học trỗi dậy trong ông, và ông quyết định chuyển hẳn sang nghiên cứu điện học. Tesla từng theo học trường Realschule, Karlstadt; Học viện Bách khoa Khoa học và Kỹ thuật ở Graz, Áo và Đại học Prague. Sau khi tốt nghiệp, ông làm việc tại một công ty điện thoại ở Budapest vào năm 1881.

Năm 1882, Tesla phát hiện từ trường xoay chiều, nguyên lý vật lý tạo cơ sở cho gần như tất cả các thiết bị sử dụng điện xoay chiều. Ông đã sử dụng nguyên lý này để chế tạo ra motor điện từ AC và hệ thống đa pha cho máy phát, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng điện.

Năm 1883, Tesla đã chế tạo thành công một motor cảm điện (một motor dòng điện xoay chiều được cung cấp năng lượng thông qua cảm điện từ) và qua thử nghiệm, ông chứng minh được là nó hoạt động. Thế nhưng, sản phẩm mới mẻ này của ông lại không được một nhà đầu tư nào ở châu Âu chú ý tới.

Không chịu khuất phục khó khăn, Tesla quyết định tìm đến một vùng đất mới để tìm cho mình những cơ hội mới và nơi ông đặt chân đến là đất nước Mỹ. Và tại đây ông đã gặp nhà công nghiệp, nhà phát minh George Westinghouse và sự hợp tác này đã để mang điện đến các vùng đất khác trên nước Mỹ.

Năm 1891, Tesla phát triển một cuộn dây cảm ứng tạo ra dòng điện xoay chiều tần số cao, nay được gọi là cuộn dây Tesla. Ông đã sử dụng nó trong các thí nghiệm tạo sét, tia X-quang và điện không dây. Cuộn dây đã trở thành nền móng của đài phát thanh và truyền hình. Ngày nay, cuộn dây Tesla chủ yếu được sử dụng trong ngành giáo dục và giải trí.

Năm 1895, ông xây dựng nhà máy thủy điện đầu tiên tại thác Niagara- giấc mơ thời thơ ấu là khai thác năng lượng từ con thác này và đặt một dấu mốc chiến thắng cho dòng điện xoay chiều. Sau này, người ta dựng tượng của Tesla trên Đảo Goat để vinh danhông.

“Tesla” – đơn vị đo cường độ cảm ứng từ - được đặt tên theo nhà khoa học Nikola Tesla

Đài phát thanh thường được ghi nhận là phát minh của Guglielmo Marconi, người đã thực hiện việc truyền sóng vô tuyến đầu tiên vào năm 1901. Tuy nhiên, Tesla mới là người đã phát triển các yếu tố cấu thành cơ bản của một máy phát thanh, sau đó được Marconi sử dụng – tình huống khiến cả hai phải gặp nhau tại tòa. Năm 1896, Tesla được cấp bằng sáng chế cho hệ thống cơ bản của đài phát thanh.

Tài năng xuất chúng nhưng Tesla lại là một người khá kỳ lạ. Từng có thời gian ông không ăn các loại thức ăn rắn. Ông chỉ ăn mật ong, uống sữa ấm và dùng một loại đồ uống được làm từ các loại rau như atisô và cần tây. Vậy nhưng, Tesla cũng thừa nhận mình hay ngủ gật để "sạc pin". Một báo cáo cho biết ông từng làm việc suốt 84 giờ mà không ngủ.

Vào năm 1943, khi Tesla qua đời tại New York. Những công trình của Tesla gần như bị lãng quên mà phải mãi đến những năm 1990, tên tuổi của ông mới thực sự trở nên nổi tiếng. Họ của ông được đặt làm tên của đơn vị đo cường độ cảm ứng từ tesla trong hệ đo lường quốc tế. Tesla còn thiết kế ra một loại máy phát điện ở hiệu điện thế cao dạng tháp mà ngày nay người ta gọi là tháp Tesla.

Nhà phát minh lỗi lạc đi trước thời đại

Ngày nay mọi học sinh trung học đều học về “tesla” – đơn vị đo cường độ cảm ứng từ được đặt tên theo nhà khoa học Nikola Tesla.

Chúng ta đều biết dòng điện xoay chiều là nền tảng của điện năng, mạng lưới truyền tải và phân phối điện … thiếu chúng con người không thể đạt được sự phát triển như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng khái niệm dòng AC từng là chủ đề của một cuộc tranh cãi dữ dội giữa Thomas Edison, người bênh vực mạnh mẽ cho dòng điện một chiều (dòng DC) và Tesla.

Cuối cùng dòng điện xoay chiều của ông được chứng minh là lựa chọn tốt nhất cho một giải pháp an toàn, tin cậy và rẻ tiền để truyền tải năng lượng đến những khu vực xa xôi. Và không tốn nhiều thời gian để hệ thống năng lượng điện xoay chiều xuất hiện trên khắp thế giới và thay đổi cuộc sống nhân loại.

Năm 1880, Tesla đã thiết kế mô hình nhà máy thủy điện đầu tiên ở thác Niagara

Dòng điện AC không phải là phát minh duy nhất của Tesla. Ông đã có nhiều phát kiến trong các lĩnh vực như kỹ thuật vô tuyến, ánh sáng huỳnh quang, động cơ điện và một danh sách dài hơn 300 bằng sáng chế, trong đó có những phát minh lỗi lạc đi trước thời đại, như:

- Truyền tải năng lượng không dây: Lúc ông còn sống ý tưởng này bị chối bỏ. Tuy nhiên hiện nay, hơn 70 năm sau khi ông mất, ý tưởng này được sử dụng trong kỹ thuật sạc không dây cho điện thoại hay các loại xe điện.

- Máy ảnh chụp suy nghĩ: Ý tưởng này được Tesla đưa ra lần đầu tiên vào năm 1883 với mục đích chế tạo một dụng cụ chụp ảnh tâm trí của con người. Ông cho rằng mọi suy nghĩ trong bộ não đều hình thành một hình ảnh trên võng mạc và thứ này có thể được chụp hình bằng một dụng cụ chính xác.

Ông không thành công trong việc đưa lý thuyết của mình vào thực tế, tuy nhiên ngày nay các nhà khoa học đã có thể chế tạo những võng mạc nhân tạo nhờ vào một thuật toán phức tạp mà dựa trên đó, võng mạc mắt có thể biến đổi hình ảnh trở thành những tín hiệu điện được truyền về bộ não.

- Động cơ điện: Kiến thức và những nỗ lực không nghỉ của Tesla trong lĩnh vực từ trường và tác dụng của chúng lên dòng điện cuối cùng đã giúp ông phát minh ra động cơ điện vào năm 1930. Ngày nay, động cơ điện là phần không thể thiếu trong mọi ngành công nghiệp. Không có chúng thì không có sản xuất và thậm chí không có công nghiệp.

- Nhà máy thủy điện: Năm 1880, Tesla đã thiết kế mô hình nhà máy thủy điện đầu tiên. Thiết kế của ông ngay lập tức được phát triển và hiện thực ở thác Niagara và cung cấp điện cho vùng Buffalo...

Chỉ từng đó thôi cũng có thể khẳng định rằng ông là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại.

Hồng Anh (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/goc-khuat-cuoc-doi-danh-nhan-the-gioi-nikola-tesla-381423.html