Góc khuất đằng sau lịch vua ban hơi ấm cho các cung phi mỗi đêm

Thái giám dùng một chiếc xe dê kéo vua ngồi trên, đi qua các buồng cung phi ở, hễ con dê đứng ở cửa buồng nào thì đêm đó cung phi ở buồng đó coi như gặp 'số đỏ'.

Trong sách “Đời sống trong Tử Cấm Thành”“Đời sống cung đình triều Nguyễn” bên cạnh việc đề cập đến thế giới sinh hoạt riêng biệt của vua và hoàng gia; thân phận, tâm tư của nhiều người chốn hậu cung từ cung phi đến thái giám; hay việc thực hành vô số phép tắc phức tạp… tác giả Tôn Thất Bình còn tiết lộ những góc khuất đằng sau chuyện vua ban “hơi ấm” mỗi đêm cho các cung phi, mỹ nữ.

Tác giả Tôn Thất Bình cho biết thời gian “hành phòng” của vua đối với các bà vợ chính thức được quy định nghiêm ngặt và theo một trật tự cố định. Theo sách Lễ ký, căn cứ vào hiện tượng trăng tròn trăng khuyết, chiếu theo địa vị thấp cao của các cung phi, lịch hành phòng của của được ấn định cụ thể. Theo đó 81 ngự thê chiếm 9 đêm, 27 thế phụ được hưởng 3 đêm, 9 tần được đêm, 3 phu nhân một đêm, tổng cộng là 14 đêm. Đến ngày 15 là ngày “vọng nhật”, trăng viên mãn là của hoàng hậu. Ngày thứ 16 cũng thuộc về hoàng hậu. Sau đó chu kỳ bắt đầu từ trên xuống dưới; tam phu nhân, cửu tần, thế phụ; cho đến ngày 30, quá trình hành phòng được hoàn thành một tháng”.

Số cung phi, mỹ nữ của mỗi đời vua trung bình phải trên 100. Vua Gia Long có 21 bà hậu phi chính thức và hàng trăm cung phi. Vua Minh Mạng có 43 hậu phi chính thức, còn số cung phi chắc cũng phải lên tới năm, sáu trăm người. Hai ông vua bị cho là bất lực của triều Nguyễn là vua Tự Đức và vua Khải Định cũng có đến hàng trăm cung phi.

Phần lớn các cung phi đều là con cháu các đại thần trong triều biếu “tiến”. Vua Gia Long từng chia sẻ với J. B. Chaigneau rằng ông không thể từ chối việc này được, vì nếu ông từ chối sẽ làm các quan đau đớn.

Cũng có cung phi xuất thân dân thường. Xã trưởng, hương trưởng chọn các cô gái đẹp nhất trong làng xã làm danh sách tâu lên. Triều đình sẽ tổ chức chọn lọc theo những tiêu chuẩn nhất định. Đến thời vua Bảo Đại, chế độ cung phi mới bị bãi bỏ.

Vì số cung phi quá nhiều nên tùy theo đêm, nhà vua chấm cho thái giám một số cung phi vào hầu. Sách Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của sử gia người Pháp Daniel Grandclémant cho biết, có giai thoại rằng, để lựa chọn cung phi vào hầu “chăn gối” cho nhà vua, thái giám đôi khi còn dùng một chiếc xe dê kéo vua ngồi trên, đi qua các buồng cung phi ở, hễ con dê đứng ở cửa buồng nào thì đêm đó cung phi ở buồng đó coi như gặp “số đỏ” và thái giám sẽ đưa vào cho vua. Vì lẽ thế, để được hưởng đặc ân của vua, các cung phi có thói quen làm các bó lá dâu treo trước cửa để lôi kéo dê đứng lại trước buồng mình...

 Hình con dê trên Cửu đỉnh triều Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Hình con dê trên Cửu đỉnh triều Nguyễn. Ảnh tư liệu.

Không phải người nào vua cũng biết mặt. Có nhiều cung phi, dù được đưa vào hầu, nhưng vua cũng không cần nhìn dung nhan. Chỉ có viên thái giám là biết rõ tên tuổi cung phi nào tối nay được đưa vào cho nhà vua. Để tránh mưu sát, cung phi phải cởi hết quần áo, choàng người bằng tấm vải đỏ do thái giám đưa cho và viên thái giám ghi rõ tên tuổi cung phi, ghi ngày, thậm chí cả giờ “hầu” vua vào một tấm thẻ tre để kín đáo trên bàn ăn của nhà vua.

Sử gia người Pháp Daniel Grandclémant cũng cho biết, có ông vua yêu cầu nhiều cung phi trong một đêm, hoặc “phục vụ” lần lượt, hoặc cùng một lúc. Tương truyền vua Minh Mạng mỗi đêm chọn năm cung phi vào hầu, mỗi canh một người, với hy vọng ít nhất ba người sẽ mang thai. Do vậy, để danh sách cung phi vào đêm nào được cập nhật trong sổ sách để khi có mang sẽ không nhầm lẫn, nghi hoặc, thái giám có nhiệm vụ chuyển danh sách năm cung phi ấy cho Tôn nhơn phủ; phủ này lại chuyển một danh sách khác cho Quốc sử quán. Sau này, khi người nào mãn nguyệt khai hoa, Quốc sử quán có trách nhiệm rà soát, đối chiếu xem thử từ ngày vua “đòi” đến kỳ sinh nở có đúng ngày đúng tháng không.

Theo truyền thống và tục lệ, mỗi đêm, vua chọn một bà trong đám cung phi, mặc dù lượt các bà phi chính thức đến nhanh hơn. Tất cả các bà đó chỉ như người bạn tình ân ái trong chốc lát. Sau khi “thưởng ngoạn” xong, nhà vua lăn ra ngủ một mình, các bà phải rời khỏi long sàng theo thái giám về buồng mình.

Thường thì người nào được vua yêu sẽ được gọi nhiều lần hơn. Cũng có người suốt trong thời gian ở Tử Cấm Thành chẳng được gọi lần nào.

Bà Tiên Cung Dương Thị Thục (mẹ vua Khải Định) và Ân phi Hồ Thị Chỉ (vợ vua) tại lễ mừng thọ 40 tuổi của vua Khải Định. Ảnh tư liệu.

Có lẽ thiệt thòi nhất vẫn là các cung phi của vua Tự Đức và vua Khải Định. Vua Tự Đức thì không thể đáp ứng nhu cầu sinh lý, vì lúc còn nhỏ vua bị bệnh đậu mùa nên biến chứng mất khả năng sinh dục. Vì khó khăn trong việc chuyện này nên có lần quần thần bàn cách đưa một bà vợ của hoàng đệ mắn đẻ vào cung, nhưng cũng không có kết quả. Sau lần thử nghiệm chẳng được hoàn hảo ấy, nhà vua buồn bực thêm. Sau này, vua phải nuôi cháu làm dưỡng tử để nối ngôi.

Còn vua Khải Định thì vốn bị mang tiếng bất lực. Người con duy nhất của vua với bà Hoàng Thị Cúc (Đức Từ Cung) cũng bị đặt nghi vấn là con của người khác (hoàng thân Hường Đ.). Bản thân vua trong thời gian ngự trị trên ngai vàng cũng không hề đụng đến cung phi nào. Hàng trăm cung phi của vua phải sống tàn tạ, buồn phiền trong cung điện lạnh lùng băng giá.

Liên quan đến chuyện những nàng cung nữ bị bỏ rơi trong hậu cung có một giai thoại lưu truyền trong dân gian xứ Huế đó là chuyện hai cung nữ bị ức chế đã dùng cà dê và chuối ba lùn tạo cảnh âu yếm đã bị thái giám bắt được. Điều này cho thấy một khía cạnh đau xót cho thân phận của cung phi dưới triều Nguyễn.

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/goc-khuat-dang-sau-chuyen-vua-ban-hoi-am-cho-cac-cung-phi-post992481.html