Góc khuất về xuất bản học thuật: Hơn 40 biên tập viên từ chức

Theo trang Salon, 42 biên tập viên tạp chí khoa học vừa từ chức để phản đối việc các nhà xuất bản học thuật chạy theo lợi nhuận.

Xuất bản học thuật là nền tảng của khoa học hiện đại. Một bài báo được xuất bản trên một tạp chí uy tín được tôn trọng và được coi là dấu hiệu của sự tiến bộ khoa học. Tuy nhiên, sự tôn nghiêm của khoa học đang bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận và đáng buồn đây lại là một xu hướng ngày càng tăng trong cộng đồng khoa học.

Mức phí “không thể đạt tới” với nhiều người

Hiện tại, để gửi bài báo khoa học tới một số tạp chí học thuật hàng đầu được cho là một ngưỡng không thể đạt được đối với nhiều người. Các nhà phê bình nói rằng xuất bản khoa học hiện đại được xây dựng theo mô hình chuyển tiền cho các tập đoàn trị giá hàng tỷ USD. Và chính quá trình này sẽ có tác động tiêu cực đối với tiến bộ khoa học, chưa kể cũng ảnh hưởng đến sự hiểu biết và tin tưởng của công chúng vào khoa học.

Tâm lý bất bình đối với tình trạng này đã trở nên sôi sục vào ngày 17/4, khi hơn 40 nhà khoa học từ chức biên tập viên tại NeuroImage - một trong những ấn phẩm hàng đầu thế giới về khoa học não. Được thành lập vào năm 1992, tạp chí này xuất bản khoảng 1.000 bài báo mỗi năm với hệ số tác động cao là 7,4 - thước đo tần suất các bài viết trên tạp chí được người khác trích dẫn.

 Các biên tập viên NeuroImage chỉ trích mức phí cao của tạp chí này. Ảnh: Research Gate.

Các biên tập viên NeuroImage chỉ trích mức phí cao của tạp chí này. Ảnh: Research Gate.

NeuroImage đã chuyển sang hình thức truy cập mở từ năm 2020, cho phép mọi người đọc nghiên cứu, chia sẻ và phát triển kiến thức dựa trên nghiên cứu trên đó.

Tuy nhiên, để được xuất bản trên tạp chí này sẽ tốn tiền, một khoản phí được gọi là phí xử lý bài báo (APC). Với NeuroImage là 3.450 USD. Các biên tập viên vào tháng 6 năm ngoái đã yêu cầu giảm khoản phí này xuống dưới 2.000 USD, nhưng Elsevier, công ty mẹ của tạp chí này, không phản hồi.

Vì vậy, 42 biên tập viên của NeuroImage đã nghỉ việc và mở tạp chí truy cập mở phi lợi nhuận của riêng họ. Tạp chí này có tên là Imaging Neuroscience và trực thuộc nhà xuất bản MIT Press.

Một phát ngôn viên của Elsevier thông tin với Salon trong một email: "Chúng tôi đánh giá rất cao các biên tập viên của mình và rất thất vọng với quyết định của Ban biên tập NeuroImage khi từ bỏ vai trò của họ. Chúng tôi đã có thiện chí thảo luận với họ trong vài năm qua để chuyển đổi NeuroImage thành một tạp chí truy cập mở hoàn toàn". Tập đoàn xuất bản Hà Lan Elsevier là một “ông lớn” trong ngành xuất bản học thuật, sở hữu nhiều tạp chí nghiên cứu lớn như Cell, The Lancet, ScienceDirect, cùng nhiều ấn phẩm khác.

Người phát ngôn của Elsevier cho biết: “Theo chính sách đặt phí xuất bản bài báo một cách cạnh tranh nhưng phải tương xứng với chất lượng của chúng tôi, mức phí của NeuroImage thấp hơn mức phí của tạp chí tương đương gần nhất trong cùng lĩnh vực”.

Elsevier là tâm điểm của làn sóng phản đối lần này trong xuất bản học thuật. Ảnh: Alamy.

Tuy nhiên, các biên tập viên đã nghỉ việc, đến từ các trường đại học trên toàn cầu, bao gồm cả ở Trung Quốc, Canada, Hà Lan, Pháp và Mỹ, nhấn mạnh trong một thông cáo báo chí về mức phí xuất bản cao đến mức "phi đạo đức và không bền vững". Tỷ suất lợi nhuận của các công ty mẹ có thể cao tới 40% đối với một số ấn phẩm. Tình trạng của toàn bộ ngành này cũng từng được Peter Suber, giám đốc Văn phòng Truyền thông Học thuật Harvard và giám đốc Dự án Truy cập Mở Harvard, dự án ủng hộ các bài báo học thuật truy cập mở, cho là một “thảm họa”.

Các cựu biên tập viên của NeuroImage viết trong một tuyên bố: "Các nhà khoa học và các nhà tài trợ ngày càng cảm thấy rằng việc các nhà xuất bản kiếm được lợi nhuận cao như vậy là sai lầm, đặc biệt là khi các nhà xuất bản không tài trợ cho nền tảng khoa học, cũng như không tự viết ra các bài báo. Họ cũng không trả tiền cho người đánh giá và trả các khoản thù lao tối thiểu cho biên tập. Kết quả là ngày càng nhiều tác giả và nhà phê bình từ chối làm việc với các tạp chí có lợi nhuận cao".

Hơn hai thập kỷ nỗ lực đổi mới

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học nghỉ việc để phản đối các công ty xuất bản khoa học lớn, bao gồm cả Elsevier. Năm 2001, tất cả 40 thành viên trong ban biên tập của Machine Learning, một tạp chí xuất bản từ năm 1986, đã nghỉ việc để phản đối mức phí cao này.

Các biên tập viên của Machine Learning đã viết trong một bức thư hơn hai thập kỷ trước: "Không có nguồn doanh thu nào từ tạp chí quay trở lại với các tác giả và các tác giả cần nhận được một khoản hoàn trả cho sự đóng góp trí tuệ của họ. Chúng tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng tình đây là một thỏa thuận phản ánh xu thế hiện đại và chúng tôi cũng kêu gọi công nhận quyền của tác giả trong việc đưa các tác phẩm của họ lan truyền rộng rãi".

Những biên tập viên đó đã xây dựng một ấn phẩm truy cập mở mới có tên là Journal of Machine Learning Research (Tạp chí Nghiên cứu Học máy) và vẫn đang xuất bản cho đến ngày nay.

Năm 2006, cuộc biểu tình The Cost of Knowledge diễn ra, trong đó 9 thành viên ban biên tập của tạp chí toán học Topology đã từ chức. Họ chỉ trích các chính sách định giá của nhà xuất bản tạp chí là Elsevier, cho rằng chúng "có tác động đáng kể và gây tổn hại đến danh tiếng của Topology trong cộng đồng nghiên cứu toán học".

Cuộc tẩy chay của họ ngày càng phát triển, có thời điểm tới 9.000 người ký tên hứa sẽ không công bố nghiên cứu của họ trên một tạp chí thuộc sở hữu của Elsevier. Vào thời điểm đó, một số người gọi động thái này là "Mùa xuân học thuật", ám chỉ Mùa xuân Ả Rập.

Bất chấp những động thái này, vẫn chưa thấy nhiều thay đổi trong ngành xuất bản học thuật kể từ đó.

Nguyên nhân khiến tình hình này chưa cải thiện là các nhà khoa học, đặc biệt là những người ở các trường đại học, có áp lực phải liên tục có báo đăng, vì sự nghiệp của họ phụ thuộc vào điều đó. Trong giới học thuật, câu cách ngôn "đăng bài hay diệt vong" ám chỉ cảnh ngộ này. Và động cơ sai trái này buộc các nhà nghiên cứu phải dựa vào số lượng bài báo mà họ đã xuất bản để cạnh tranh giành được tài trợ.

Stephen Smith, giáo sư tại Đại học Oxford, cựu tổng biên tập tại NeuroImage và hiện tham gia đội ngũ sáng lập Imaging Neuroscience thông tin với trang Salon: "Mọi người đều đồng ý rằng phí đăng bài là phi đạo đức và không bền vững. Chúng tôi cũng thực sự không muốn thấy NeuroImage biến mất vì nó từng là tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực của chúng tôi. Hầu hết chúng tôi đã xuất bản tác phẩm tốt nhất của chính mình ở đây. Nhưng, cuối cùng, mọi thứ cần phải thay đổi”.

Imaging Neuroscience đã có được 1.000 người bình duyệt và tuyên bố rằng họ đang lên kế hoạch sẵn sàng cho mọi người nộp bài vào giữa tháng 7 tới. Họ đặt mục tiêu giảm phí càng thấp càng tốt, dự kiến phí đăng ký nộp bài sẽ thấp hơn tối thiểu một nửa so với NeuroImage hiện tại. Họ cũng có kế hoạch miễn phí hoàn toàn cho bài báo của các nhà khoa học ở những nước có thu nhập thấp hoặc trung bình.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/goc-khuat-ve-xuat-ban-hoc-thuat-hon-40-bien-tap-vien-tu-chuc-post1431008.html