Góc nhìn của luật sư về diễn biến mới của vụ việc

Vụ án 'vô ý làm chết người, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình mới đây đã có diễn biến mới khi Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố bị can về tội 'thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' với ông Đỗ Anh Tuấn (Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn)). Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Ninh đã trao đổi quan điểm về vụ việc này qua thời gian dài nghiên cứu.

Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương. Ảnh: H.O

Sau khi nhận được quyết định khởi tố bị can, ông Tuấn đã gửi đơn khiếu nại (KN) khẩn cấp tới Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình để KN toàn bộ nội dung khởi tố bị can.

Nhiều ý kiến bạn đọc thể hiện sự băn khoăn, thắc mắc gửi tới Văn phòng Công ty Luật TNHH Hà Ninh. Theo phân tích của luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương:

Thứ nhất, ông Đỗ Anh Tuấn không phải là người có chức vụ quyền hạn hoặc được giao, thực hiện công vụ theo quy định của tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công ty Thiên Sơn thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO2 là hợp đồng giữa hai pháp nhân. Chủ thể của tội danh này phải thỏa mãn các quy định tại Điều 277 Bộ luật Hình sự: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ”.

Thứ hai, trong vụ việc này, Công ty Thiên Sơn ký hợp đồng với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ông Tuấn chỉ là người đại diện pháp nhân. Điều lệ Công ty Thiên Sơn và pháp luật không quy định ông Tuấn phải thực hiện bất kỳ việc gì với tư cách cá nhân khi tham gia vào quan hệ hợp đồng với các đối tác, vì vậy, việc cá thể hóa trách nhiệm của Giám đốc trong vụ việc này là việc làm có dấu hiệu trái pháp luật.

Thứ ba, Công ty Thiên Sơn ký kết với Bệnh viện Đa tỉnh Hòa Bình bằng một hợp đồng kinh tế có phân chia quyền và trách nhiệm rõ ràng.

Điều 4 quy định trách nhiệm của bên B là Công ty Thiên Sơn như sau: “Bên B cam kết cung cấp cho Bên A đầy đủ các loại hàng hóa và dịch vụ liên quan như nêu tại Điều 1 của Hợp đồng này, đồng thời cam kết thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và trách nhiệm được nêu trong hợp đồng”.

Tại thời điểm xảy ra vụ việc Công ty Thiên Sơn chưa bàn giao nghiệm thu dưới bất kỳ hình thức nào nên nghĩa vụ và trách nhiệm theo hợp đồng này đến thời điểm xảy ra sự cố chưa có căn cứ để đánh giá.

Việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình sử dụng nguồn nước đang trong quá trình sửa chữa chưa có nghiệm thu bàn giao, chưa có kết quả xét nghiệm, chưa đảm bảo chất lượng đã quy định rõ trong hợp đồng vào chạy thận là cẩu thả, thiếu trách nhiệm ngoài nhận thức và ngoài tầm kiểm soát của Công ty Thiên Sơn.

Giám đốc Công ty Thiên Sơn không buộc phải biết và không thể can thiện việc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đưa nguồn nước không đảm bảo chất lượng vào chạy thận.

Thứ tư, nếu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với Công ty Thiên Sơn là việc sửa chữa phải được xét nghiệm nước an toàn, phải có biên bản bàn giao nghiệm thu đầy đủ thì hậu quả sẽ được loại trừ. Không bao giờ xảy ra sự cố chạy thận ngày 29/5/2017. “Vì thế, không có mối liên hệ nhân quả nào giữa hành vi ký và thực hiện hợp đồng của ông Tuấn với tư cách là Giám đốc Công ty Thiên Sơn và hậu quả làm chết các bệnh nhân chạy thận ngày 29/5/2017” - luật sư Hương nhấn mạnh quan điểm về bản chất vụ việc.

Còn luật sư Mai Hùng Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm: Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 Bộ luật Hình sự thuộc nhóm các tội phạm về chức vụ. Theo đó, về mặt chủ thể đặc biệt, phải là người có chức vụ, quyền hạn.

“Mấu chốt là xét về mặt khách quan của tội phạm, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng được đặc trưng bởi ba dấu hiệu pháp lý bắt buộc. Đó là hành vi vi phạm, hậu quả thực tế xảy ra và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả thực tế. Tức là, để chứng minh cho một người phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan có thẩm quyền phải chứng minh được ba điều kiện cần và đủ là: (i) Có hành vi vi phạm, (ii) đã có thiệt hại thực tế xảy ra và (iii) hành vi vi phạm hành chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đó” - luật sư Thịnh thể hiện quan điểm.

H.O

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/goc-nhin-cua-luat-su-ve-dien-bien-moi-cua-vu-viec_t114c1159n141902