Góc nhìn của những cây bút trẻ

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 do Nhà xuất bản (NXB) Trẻ tổ chức vừa khép lại với bảy cây bút trẻ được vinh danh. Nếu như ở lần thứ 6, giải thưởng nhận diện một lớp cây bút trẻ thông qua ba yếu tố 'xê dịch, tri thức và phá cách' thì lần thứ 7, 'sống kỹ và đào sâu vào vùng đất của riêng mình' là nét nổi bật tạo nên cá tính cho nhiều tác phẩm.

Các tác giả đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 cùng Hội đồng giám khảo và Ban tổ chức.

Lần đầu tham gia “sân chơi” Văn học tuổi 20 và giành luôn giải Nhì (không có giải Nhất) với tác phẩm “Vụn ký ức”, cây bút trẻ Yang Phan vô cùng bất ngờ. Theo Yang Phan, giải thưởng là sự công nhận rất quan trọng vì qua đó bạn trẻ sinh năm 1994 này nhận ra cá tính văn chương của mình đã được tôn trọng và đánh giá cao.

Bắt tay vào thực hiện bản thảo đầu tiên trong đời từ năm lớp 9 và gửi đến nhiều NXB nhưng Yang Phan nhận về sự từ chối vì “Không phù hợp”. Đến bản thảo thứ 10, cuốn sách đầu tay của Yang Phan mới có cơ hội gặp gỡ độc giả.

Ở “Vụn ký ức”, Yang Phan khắc họa rõ nét tính cách, nỗi đau của một người trưởng thành với những vòng luẩn quẩn, bế tắc trong đời rồi cuối cùng mở ra cách để họ chữa lành, giải thoát. Truyện dài này được tạo thành từ nhiều mảnh ghép giúp người đọc nhận ra rằng: “Rồi một ngày, những cuộc đời điên rồ và khác biệt sẽ được cất tiếng nói của mình. Họ không còn cô độc nữa”.

Khai thác một đề tài gai góc là điểm cộng để Yang Phan nhận về nhận xét “vượt trội” hay “một cuốn sách hay, hấp dẫn, có văn” từ các thành viên Hội đồng giám khảo giải thưởng. “Văn chương bây giờ bị ảnh hưởng từ rất nhiều thứ như doanh thu, thị trường và những xu hướng. Nếu nằm ngoài những xu hướng đó đôi khi mình bị loại bỏ. Việc được công nhận từ một giải thưởng lớn như thế này giúp tôi nhận ra đôi khi cá tính của nhà văn là quan trọng nhất, hơn tất cả mọi xu hướng, hơn tất cả mọi thị trường”, Yang Phan chia sẻ.

Đoạt giải Tư với tác phẩm “Có thú dữ trong thành phố”, tác giả trẻ Nguyên Nguyên cũng để lại nhiều ấn tượng tại giải thưởng với cách tiếp cận văn chương hiện đại. Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Thi, thành viên Hội đồng giám khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7, tác giả đã ướm mình vào trải nghiệm tất cả các nghịch cảnh có thể có và niềm khát khao thoát khỏi các nghịch cảnh ấy của tất cả các nhân vật trong tập truyện: Nghịch cảnh của tuổi trẻ, tình yêu, sự cô độc, nỗi đau... Đây là những vấn đề của thế hệ, thời đại được tác giả thể hiện bằng lối viết hiện đại. Tập truyện đặt ra những vấn đề trong đời sống của người trẻ hôm nay và gợi cho người đọc những suy nghĩ khá mới mẻ, sâu sắc trên tinh thần phản tỉnh.

Qua bảy lần tổ chức, giải thưởng Văn học tuổi 20 có tổng cộng 2.133 tác phẩm tham gia dự thi và lần thứ 7 này có số lượng bài dự thi nhiều nhất, 511 tác phẩm. Tất cả thể hiện qua cuộc sống và góc nhìn hết sức phong phú của các tác giả trẻ, đa số ở lứa tuổi 9X. Hội đồng giám khảo cuộc thi cho rằng, tinh thần sống kỹ, tập trung cho một lựa chọn để khám phá, biểu đạt và sáng tạo được xem là điểm nổi trội của giải thưởng lần này. Thay vì hướng về không gian rộng, nhiều cây bút trẻ chuyển sang đào sâu vào cuộc sống và thu gom những chất liệu thú vị, độc đáo. Tuy vậy, dù chọn sống kỹ thay vì mê mẩn các đợt xê dịch thì nền tảng tri thức, văn hóa và khát vọng làm mới vẫn là điều thể hiện rõ trong từng câu chữ của những cây bút trẻ...

Nhìn theo hướng “phong cách viết”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Văn Giá, thành viên Hội đồng giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7, nhận thấy nổi lên hai kiểu: Kiểu truyền thống Việt Nam và kiểu mang khát vọng toàn cầu hóa. Kiểu thứ nhất là kết quả của những từng trải, va đập, gắn bó mật thiết với đời sống muôn màu, muôn vẻ để tô đậm những nông nổi, phận đời như: “Vệt sáng của bụi” của Lê Quang Trạng; “Chuồng cọp trên cao” của Nguyễn Thu Hằng; “Bảy bảy bốn chín” của Hoàng Công Danh... Kiểu thứ hai là chọn lối thay đổi tư duy nghệ thuật và khẳng định cá tính sáng tạo như: “Nửa lời chưa nói” của Duy Ân; “Chopin biến mất” của Hiền Trang; “Có thú dữ trong thành phố” của Nguyên Nguyên...

“Qua sáu lần tổ chức, cái được lớn nhất của “Văn học tuổi 20” chính là sự phát hiện, đánh thức, gọi tên một lực lượng sáng tác trẻ, góp cho văn đàn một tài sản có ý nghĩa với hơn 50 tác giả được vinh danh và 63 tác phẩm được trao thưởng. Những cái tên như Nguyên Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Việt, Dương Thụy, Phong Điệp, Võ Diệu Thanh, Trang Hạ... đã tiếp tục khẳng định bút lực và cá tính sáng tạo, đồng thời khẳng định sức sống của một giải thưởng văn học”, bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ, Trưởng Ban tổ chức giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7, cho hay.

Bài và ảnh: GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/goc-nhin-cua-nhung-cay-but-tre-698877/