Góc nhìn cuộc sống qua ống kính trẻ thơ

12 phim ngắn, phóng sự do trẻ em đến từ 12 xã của Bắc Cạn, Hòa Bình, Cao Bằng tự thực hiện nói về cuộc sống, ước mơ của chính mình. Thông qua đó, các em cũng gửi gắm những thông điệp thú vị về cuộc sống dưới góc nhìn trẻ nhỏ.

Các em nhỏ tham gia làm phim ngắn (Ảnh: ChildFund)

NDĐT- 12 phim ngắn, phóng sự do trẻ em đến từ 12 xã của Bắc Cạn, Hòa Bình, Cao Bằng tự thực hiện nói về cuộc sống, ước mơ của chính mình. Thông qua đó, các em cũng gửi gắm những thông điệp thú vị về cuộc sống dưới góc nhìn trẻ nhỏ.

Mười phim ngắn, hai phóng sự do 12 nhóm trẻ em và thanh - thiếu niên trong độ tuổi 8 đến 16 đến từ 12 xã thuộc huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Cạn), huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) và huyện Quảng Uyên (tỉnh Cao Bằng) đã được các em tự thực hiện từ khâu lên kịch bản, quay phim, đóng phim và biên tập hậu kỳ sẽ được giới thiệu và trình chiếu...

Đây là sự kiện Kết nối trẻ em “Ươm mầm lãnh đạo - Hướng tới tương lai” được Văn phòng đại diện ChildFund Australia tại Việt Nam (ChildFund Việt Nam) tổ chức diễn ra ngày 25-5 tại Bắc Cạn. Chương trình có sự tham dự của 240 trẻ em và thanh - thiếu niên dân tộc thiểu số đã trực tiếp tham gia vào các hoạt động của dự án. Đây là một hoạt động quan trọng của dự án “Kết nối tiềm năng lãnh đạo” do ChildFund Việt Nam triển khai tại ba tỉnh Bắc Cạn, Cao Bằng và Hòa Bình từ năm 2016 tới năm 2019.

Cơ hội để trẻ em cất lên tiếng nói

Nhiều bạn nhỏ thích thú tìm hiểu cách làm phim.

12 tác phẩm của trẻ em và thanh - thiếu niên có nội dung xoay quanh tình cảm gia đình, bạn bè trong trẻo, ước mơ, hoài bão và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những quan sát của trẻ em về đời sống và những khó khăn các em gặp phải trong cuộc sống. Đặc biệt, những nguy cơ mới trong đời sống của trẻ em và thanh - thiếu niên như việc mất an toàn khi sử dụng mạng xã hội cũng được các em thể hiện qua phim.

Đó là câu chuyện xúc động của cô bé tên An qua bộ phim ngắn "Tại sao không ai quan tâm em?" của nhóm trẻ em, thanh - thiếu niên xã Lãng Ngâm, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn. Ở một nơi xa xôi, bao quanh là núi đồi, có một cô bé cùng mẹ phải cố gắng vượt qua những vết thương do sự hắt hủi của người cha vì những định kiến về giới, phải vượt qua sự bắt nạt của bạn học vì cha em là người nghiện rượu, vì em học giỏi hơn các bạn khác. Vậy điều gì đã biến giấc mơ của em thành hiện thực? Rằng, một ngày, bố hiểu ra tất cả, và gia đình lại là mái ấm che chở, yêu thương. Rằng một ngày bạn bè sẽ bên em, yêu quý và trân trọng em.

Hay lời cảnh báo của chính các cô bé, cậu bé qua bộ phim ngắn "Kết bạn ảo, hậu quả thật" của nhóm trẻ em, thanh - thiếu niên xã Kim Truy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình. Thông qua bộ phim các em hiểu, sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet đã mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Nhưng nó cũng chứa đựng nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng trong đó có chính các em. Làm thế nào để sử dụng internet một cách thông minh để an toàn?

Đó còn là sự trưởng thành của chính các em nhỏ khi tham gia dự án này qua phim ngắn "Ngày ấy bây giờ" của nhóm trẻ em, thanh - thiếu niên xã Độc Lập, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Lời tâm sự chân thành của các cô bé, cậu bé, khi ngày đó, chúng tôi ngày ấy hay rụt rè, thiếu tự tin, không hoặc biết rất ít về các kỹ năng sống cần thiết. Chúng tôi vẫn nghĩ mình thật là thiệt thòi. Và chúng tôi thường nói với nhau “giá như…giá như”. Và điều “giá như” ấy đã thành hiện thực khi chúng tôi được tham gia các hoạt động của dự án “Kết nối tiềm năng lãnh đạo”. Bây giờ thì, chúng tôi khác trước nhiều rồi.

Chia sẻ tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn Phạm Duy Hưng cho rằng, mỗi câu chuyện là một sự bày tỏ, về những điều mà các em quan tâm trong cuộc sống. Thông qua các bộ phim, các em mạnh dạn nói lên ước mơ của mình, bày tỏ mong muốn một cuộc sống an toàn... Những thông điệp đó được lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu của các em để có thể đưa ra những chính sách phù hợp...

Tại sự kiện, không ít bạn nhỏ chia sẻ đã học được nhiều điều khi tham gia dự án. Đó là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, chia sẻ những hiểu biết và được thể hiện tiếng nói của mình... Có thể nói, thông qua các bộ phim ngắn, các câu chuyện, những thông điệp được các em gửi gắm. Đây chính là cơ hội để tiếng nói của các em được đại diện lãnh đạo Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và một số tổ chức phi chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam lắng nghe, từ đó đưa ra được những chính sách thiết thực, hiệu quả trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Hỗ trợ trẻ em xây dựng khả năng tự thích ứng

Cùng chia sẻ những hình ảnh.

Theo các các kết quả điều tra của ChildFund Việt Nam từ 2016 đến nay, trẻ em và thanh - thiếu niên có rất ít tiếng nói trong gia đình, trường học và cộng đồng. Việc thiếu cơ hội tham gia vào các quyết định liên quan tới sự an toàn và cuộc sống sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình phát triển của các em.

Tiếp nối thành công của dự án Kết nối Trẻ em trước đó, dự án VN03-026 “Kết nối tiềm năng lãnh đạo” được ChildFund xây dựng và triển khai. Dự án tập trung vào nâng cao hiểu biết, rèn luyện kỹ năng và tạo điều kiện, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em ở cấp độ cao hơn. Dự án đã tạo ra một nền tảng chung cho trẻ em và thanh - thiếu niên thể hiện tiếng nói của mình thông qua việc trang bị cho các em kỹ năng để thúc đẩy sự tham gia, khả năng ra quyết định, các kỹ năng sống cần thiết và đặc biệt là kỹ năng thể hiện quan điểm, tiếng nói thông qua các sản phẩm truyền thông như phim, ảnh.

Quản lý Văn phòng phát triển vùng của ChildFund tại Bắc Cạn Phạm Văn Vinh cho biết: “Với việc triển khai các hoạt động sáng tạo này, ChildFund mong muốn hỗ trợ tăng cường sự tham gia, tiếng nói, tính tự đại diện của trẻ em và thanh - thiếu niên, giúp các em có cái nhìn tích cực vào tương lai và truyền cảm hứng cho các trẻ em khác trong cộng đồng”.

LAN VŨ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40312502-goc-nhin-cuoc-song-qua-ong-kinh-tre-tho.html