GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ TRONG TIẾP XÚC CỬ TRI

Tiếp xúc cử tri được ghi nhận là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Nhiệm vụ này được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật. Vậy thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri đã có những đổi mới, cải tiến như thế nào? Hoạt động tiếp xúc cử tri đã thực sự tạo ra được bước đột phá hay chưa? Và còn những vấn đề gì cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả tiếp xúc cử tri trong thời gian tới? Đây là câu hỏi được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.

Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đại biểu dân cử

Tiếp xúc cử tri là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đại biểu dân cử

Ông Lưu Huy Vinh hiện đang cư trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Là một cử tri thường xuyên được mời tham dự các buổi tiếp xúc cử tri tại Đơn vị bầu cử số 1, ông cho biết, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội được tổ chức thường xuyên; thông qua các buổi tiếp xúc, cử tri được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trực tiếp đối với các vị Đại biểu dân cử. Đồng thời, cử tri cũng được lắng nghe, nắm bắt thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, những vấn đề quốc kế dân sinh do các vị Đại biểu truyền đạt. Thông qua các buổi tiếp xúc cử tri đã góp phần tăng thêm niềm tin của cử tri đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Mặc dù đánh giá cao những đổi mới, kết quả tích cực trong hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian vừa qua. Tuy nhiên, cử tri Lưu Huy Vinh cũng kiến nghị, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn tồn tại một số bất cập, hạn chế như: đối tượng tiếp xúc cử tri chưa được mở rộng, thời gian tiếp xúc còn ngắn; … Những hạn chế này cần tiếp tục được đổi mới, cải tiến để phát huy triệt để hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian tới.

Cử tri Lưu Huy Vinh phát biểu tại Hội nghị tiếp xúc cử tri

Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và nhân dân cả nước. Đại biểu phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội mỗi địa phương là thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp để lắng nghe và giải quyết những vấn đề cử tri kiến nghị. Ngoài ra, mỗi cá nhân Đại biểu có thể tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực mà Đại biểu quan tâm. Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở các địa phương không phải là công việc mới nhưng một số tồn tại trong việc tiếp xúc cử tri hiện nay như: số điểm tiếp xúc còn ít; 1 số cuộc tiếp xúc cử tri còn hình thức, chưa thu hút sự tham gia và phản ánh của cử tri; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề còn hạn chế; nhiều giám sát giải quyết kiến nghị cử tri mới chỉ dừng ở bước đôn đốc, nhắc nhở, chưa đưa ra những biện pháp cụ thể để yêu cầu cơ quan, đơn vị giải quyết đến cùng các vụ việc; …. Tồn tại này được cho là một trong những nguyên nhân làm hạn chế chất lượng, hiệu quả hoạt động của người Đại biểu dân cử.

Từ thực tiễn đó, thời gian gần đây, công tác tiếp xúc cử tri đã có nhiều đổi mới khi đã rút gọn thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian hơn để cử tri có thể gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, cũng như những kiến nghị của mình với các vị Đại biểu dân cử. Và thay vì chỉ ghi nhận, tiếp thu, các cuộc tiếp xúc cử tri đã có sự tham gia của lãnh đạo địa phương, các sở, ngành để giải trình, làm rõ các vấn đề cử tri kiến nghị. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, đã có sự phối hợp giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân, giúp cho việc gắn kết giữa cử tri và người đại biểu dân cử ngày càng mật thiết hơn.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương và Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh phổi hợp thực hiện tiếp xúc cử tri

Đơn cử, tại Hải Dương, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương và Thường trực hội đồng nhân dân tỉnh đã lần đầu tiên phối hợp thực hiện tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV với tinh thần đổi mới theo hướng tăng số lượng cử tri là người trực tiếp lao động sản xuất, tăng phần giải trình trả lời của các Sở ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị xã có liên quan.

Trước sự đổi mới này, cử tri Nguyễn Văn Nam, cư trú tại phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương cho biết, hoạt động tiếp xúc cử tri ngày càng được cải tiến, đi vào thực chất hơn. Cử tri mong muốn tới đây các cuộc tiếp xúc cử tri sẽ tiếp tục có những thay đổi về nội dung với hình thức phong phú.

Cử tri Nguyễn Văn Nam, phường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương

Như vậy, hoạt động tiếp xúc cử tri thời gian vừa qua đã có nhiều đổi mới, đạt được những hiệu quả nhất định, được cử tri ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn chưa tạo ra được bước đột phá mạnh mẽ, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết. Vậy đâu là giải pháp khắc phục những điểm hạn chế và tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trong thời gian tới? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội về nội dung này:

Ông Vũ Mão, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIX, X, XI

Phóng viên: Thưa đại biểu, tiếp xúc cử tri là nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định tại các văn bản pháp luật. Vậy, thời gian qua hoạt động tiếp xúc cử tri được thực hiện như thế nào?

- Ông Vũ Mão, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIX, X, XI: Vấn đề tiếp xúc cử tri thời gian qua đã đạt được 1 số kết quả đáng ghi nhận, có nhiều cải tiến, từng bước được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, nhìn 1 cách thực chất thì vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục đổi mới, khắc phục. Tiếp xúc cử tri một số nơi còn mang tính hình thức, việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội cũng như địa biểu hội đồng nhân dân các cấp chưa được thường xuyên. Theo tôi, việc tiếp xúc phải thường xuyên hơn nữa và cần quy định cụ thể hơn trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ví dụ: Ngoài hai lần tiếp xúc trước và sau kỳ họp thì phải quy định ít nhất là giữa 2 kỳ họp có thêm từ 1 dến 2 lần tiếp xúc cử tri, Đại biểu phải trực tiếp đến với cử tri đến với từng gia đình, thôn bản.

- Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tiếp xúc cử tri là trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, chủ yếu trước hết là để tiếp xúc với người dân. Mục đích, để lấy ý kiến người dân và để truyền đạt hoạt động của Quốc hội tới người dân, nhằm tạo ra sự liên thông, liên kết để người dân giám sát hoạt động của Quốc hội thông qua các Đại biểu Quốc hội. Vì vậy, hoạt động tiếp xúc cử tri sẽ mang lại hiệu quả khi đại biểu phản ánh và bảo vệ được lợi ích chính đáng của cử tri.

- Ông Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII: Đây là vấn đề rất lớn qua nhiều nhiệm kỳ được cử tri và Đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Thời gian qua hoạt động tiếp xúc cử tri cũng đã được tiến hành thường xuyên, chủ yếu là tiếp xúc trước và sau kỳ họp. Các buổi tiếp xúc cử tri đã có nhiều cải tiến, đổi mới về nội dung và hình thức. Bên cạnh tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, nhìn tổng thể vẫn còn tồn tại không ít những bất cập cần tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tiếp xúc cử tri giảm tính hình thức.

Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Vậy, để khắc phục những tồn tại này, đồng thời phát huy triệt để hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri thì cần có những giải pháp cụ thể như thế nào, thưa Đại biểu?

- Ông Vũ Mão, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIX, X, XI:: Giải pháp là cuộc tiếp xúc cử tri, cần có thêm những người có trách nhiệm của chính quyền địa phương bởi vì rất nhiều vấn đề không phải là của trung ương mà đó là vấn đề cụ thể của địa phương thì chính những vị lãnh đạo địa phương đó phải có những lắng nghe và giải pháp xử lý. Bên cạnh đó, những kiến nghị của cử tri, Đại biểu không chỉ phản ánh cho Bộ ngành có liên quan mà phải theo dõi việc xử lý đầy đủ và thông tin lại cử tri.

Ngoài ra, điều kiện đảm bảo cho Đại biểu hoạt động trong đó có việc đi tiếp xúc cử tri theo tôi còn thiếu, kinh phí cho hoạt động tiếp xúc cử tri cần bổ sung. Mỗi Đại biểu Quốc hội ngoài bộ phận giúp việc chung là Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thì như kinh nghiệp các nước có văn phòng riêng, thư ký riêng. Trong điều kiện nước ta, trước mắt chưa thực hiện được thì trong Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội phải có sự phân công 1 số chuyên viên để làm thư ký cho các Đại biểu.

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

- Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tất nhiên tiếp xúc cử tri ở mỗi nơi 1 khác. Vì thế, mỗi cuộc tiếp xúc cử tri phải hết sức cụ thể nội dung tiếp xúc, đúng vấn với vấn đề của địa phương, cử tri tại nơi tiếp xúc đang quan tâm, cần giải quyết. Ví dụ: như ở Long Thành là nơi đang có 1 dự án lớn, tất yếu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề người dân quan tâm như: chính sách đất đai, vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù,…. Vì vậy, để đảm bảo tính hiệu quả, thu hút được sự tham gia của cử tri thì trước tiên Đại biểu Quốc hội phải lựa chọn đúng vấn đề, cũng cùng 1 nội dung kỳ họp nhưng về địa phương phải tìm được yếu tố gì mà cử tri đang quan tâm nhất trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Đại biểu dân cử cũng cần trang bị các kỹ năng cần thiết để quá trình tiếp xúc cử tri đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ông Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII

- Ông Lê Bộ Lĩnh, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII: Cần tăng cường hơn nữa những buổi tiếp xúc cử tri theo chuyên đề. Đây là hình thức tiếp xúc giúp Đại biểu Quốc hội tiếp nhận được những ý kiến, phản ánh của cử tri về vấn đề, lĩnh vực, hoạt động mà đại biểu quốc hội quan tâm. Tiếp xúc cử tri chuyên đề có chất lượng, hiệu quả sẽ giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin phục vụ cho hoạt động tham gia giám sát, lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Để thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề cần chú trọng việc lựa chọn chuyên đề tiếp xúc cử tri; xác định mục tiêu tiếp xúc cử tri chuyên đề; chuẩn bị tốt việc tổ chức tiếp xúc cử tri; lựa chọn hình thức tiếp xúc cử tri chuyên đề phù hợp; …

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả tiếp xúc cử tri, thời gian tới cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tiếp xúc cử tri đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để từng đại biểu tiếp xúc cử tri thay vì tiếp xúc cử tri theo Đoàn hoặc nhóm đại biểu như hiện nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Tiếp xúc cử tri là một hoạt động quan trọng trong các hoạt động của Đại biểu dân cử. Qua hoạt động tiếp xúc cử tri, đại biểu mới nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, từ đó thực hiện được quyền đại diện cho cử tri, đồng thời tạo mối liên hệ thường xuyên, mật thiết giữa đại biểu và cử tri. Vì vậy, việc tiếp tục đổi mới, cải tiến nhằm nâng cao hoạt động giao tiếp đặc biệt này là vô cùng cần thiết. Theo ý kiến của một số vị Đại biểu Quốc hội, để hoạt động tiếp xúc cử tri thực sự có bước đột phá mạnh mẽ cần đổi mới nội dung, cải tiến phương thức tiếp xúc cử tri; đồng thời xây dựng đầy đủ, đồng bộ các văn bản pháp luật với tư duy mới về việc tiếp xúc cử tri. Ngoài ra, các vị Đại biểu dân cử cũng cần nêu cao trách nhiệm chính trị; nâng cao kỹ năng, phương pháp tiếp xúc với cử tri, nhằm làm hài lòng cử tri và để thu thập được nhiều thông tin từ cử tri./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=42005