GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KỲ HỌP THỨ 6 THỂ HIỆN VAI TRÒ CỦA QUỐC HỘI TRONG VIỆC ĐỀ RA CÁC QUYẾT SÁCH QUAN TRỌNG, KỊP THỜI, ĐÁP ỨNG MONG MỎI CỦA CỬ TRI

Nhìn lại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, đây là một kỳ họp lớn với nhiều nội dung quan trọng, đảm bảo dân chủ, công khai, trí tuệ, trách nhiệm, giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng tốt hơn, gắn bó với cử tri hơn. Đồng thời Quốc hội cũng đề ra nhiều quyết sách kịp thời, giải quyết các vấn đề cấp bách trong thực tiễn cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và đáp ứng mong mỏi của cử tri trước các vấn đề nổi cộm còn đang vướng mắc.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Giải quyết khối lượng công việc rất lớn

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là một kỳ họp lớn với nhiều nội dung quan trọng, tập trung trí tuệ và bảo đảm dân chủ, công khai bằng nhiều phiên truyền hình trực tiếp đến với cử tri cả nước để theo dõi, giám sát hoạt động Quốc hội. Qua mỗi kỳ họp, chúng ta đã tiến dần từng bước để tổ chức hoạt động Quốc hội ngày càng tốt hơn, ngày càng gắn với cử tri hơn và phản ánh hơi thở cuộc sống.

Ví dụ như Quốc hội tiếp tục chuẩn bị cho dự thảo Luật Đất đai một cách tốt nhất và cử tri cả nước rất hoan nghênh. Việc sửa đổi dự án Luật này là điều mong mỏi của cử tri cả nước và họ sẽ lắng nghe. Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, qua nhiều hội thảo, hội nghị và hơn 12 triệu lượt lấy ý kiến nhân dân, việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) lần này làm sao tiếp cận một cách chặt chẽ, khoa học nhất, các chế định mở rộng phải phản ánh thiết thực đời sống của nhân dân, phù hợp với điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước và giữ vững an ninh, quốc phòng.

Liên quan đến công tác giám sát, lần này Quốc hội đã giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất rõ ràng, công khai, minh bạch, chỉ rõ cái gì làm được, chưa làm được, cái gì cần khắc phục và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới. Đáng chú ý, cử tri góp ý kiến rất nhiều đối với việc lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua. Đồng thời kiến nghị đối với các đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn thì cần bổ sung vào đối tượng thụ hưởng chính sách.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng

Về công tác tư pháp, đại biểu Nguyễn Tạo nêu rõ, cử tri cũng bày tỏ quan tâm rất nhiều đến lĩnh vực tư pháp và Quốc hội đã truyền hình trực tiếp phiên họp về nội dung đến cử tri cả nước, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, nghiêm minh, bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, xử lý nghiêm khắc và đảm bảo tính đồng bộ. Đồng thời cần tiếp tục tăng cường hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác trong hệ thống cơ quan tư pháp, đặc biệt là nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại trong hoạt động tư pháp.

Một dấu ấn khác phải kể đến tại Kỳ họp thứ 6 là phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đại biểu Nguyễn tạo nhận thấy, cử tri cả nước và Nhân dân đều đồng tình, ủng hộ cao và cho rằng, những câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội ngày càng chất lượng hơn, ngắn gọn, trực diện, đi thẳng vấn đề, còn cách trả lời của các thành viên Chính phủ hết sức thẳng thắn, dám chịu trách nhiệm, đưa ra giải pháp khắc phục với một lộ trình tốt nhất trong thẩm quyền cho phép.

“So với các kỳ họp trước, Kỳ họp thứ 6 không dài hơn nhưng lần này, Quốc hội đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn, từ công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đến hoạt động giám sát tối cao của mình, thể hiện sự tập trung, trí tuệ hơn, trách nhiệm cao, bảo đảm dân chủ hơn, đổi mới hơn trong hoạt động, tổ chức của Quốc hội. Theo quan điểm của tôi cũng như cử tri và Nhân dân đánh giá, đây là một kỳ hợp hết sức thành công”, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh.

Tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với các dự án Luật, nghị quyết trình Quốc hội

Cùng quan điểm với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhấn mạnh, đây là Kỳ họp thành công vì đã xử lý khối lượng nội dung rất lớn, từ công tấc lập pháp, giám sát tối cao đến quyết định cần thiết các vấn đề phát sinh hiện nay trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế. Những vấn đề mà Quốc hội quyết định tại Kỳ họp này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng đã đáp ứng kỳ vọng của cử tri đối với đại biểu Quốc hội, thể hiện một Quốc hội trách nhiệm, chủ động, trí tuệ và rất nghiêm minh. Thời gian tới, Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai các Luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này, sẽ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, đề ra các giải pháp nằhm thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tiến độ các Chương trình trọng điểm…

Đối với các dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến cũng như các dự án Luật và Nghị quyết được Quốc hội thông qua, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đánh giá rất cao về chất lượng chuẩn bị nội dung (dù thời gian gửi dự thảo và tài liệu ở một số dự án Luật còn muộn) trên cơ sở cầu thị, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân trong quá trình lấy ý kiến. Các ĐBQH phát biểu đống góp rất trí tuê, sâu sắc, xác đáng, phân tích toàn diện từ thực tiễn đến cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và tham khảo phương pháp của các nước trên thế giới. Đặc biệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như cơ quan soạn thảo, tiếp thu tối đa, giải trình từng nội dung cụ thể, chi tiết. Đại biểu Mỹ Dung chỉ rõ, minh chứng điều này, chính là sự đồng thuận, tán thành rất cao đối với các Luật, Nghị quyết mà đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua (đa số trên 90% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành).

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Đối với những nội dung dự án Luật khó, có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, Quốc hội đã điều chỉnh thời gian xem xét thông qua. Qua đó, thể hiện sự cẩn trọng, kỹ lưỡng, không chạy theo chương trình mà hướng tới việc đảm bảo chất lượng tốt nhất khi Luật được thông qua, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Những kiến nghị của cử tri được lắng nghe, giải quyết thỏa đáng

Tại kỳ họp lần này, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhận thấy, việc Quốc hội dành 1 tuần nghỉ giữa 2 đợt của Kỳ họp đã tạo thuận lợi cho lãnh đạo địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, đồng thời giúp các cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội, các cơ quan trình văn bản lập pháp, nghị quyết của Quốc hội được tiếp thu một cách đầy đủ, thấu đáo, thận trọng, tìm được sự đồng thuận, thống nhất cao với các dự án Luật.

Cũng giống Kỳ họp thứ 5, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thảo luận báo cáo về kiến nghị cử tri. Điều này có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với cử tri và nhân dân cả nước, thể hiện những kiến nghị của cử tri đã được lắng nghe, giải quyết thỏa đáng. Từ đó, chất lượng tiếp xúc cử tri cũng được nâng lên, cử tri cũng tin tưởng hơn trong việc gửi gắm tiếng nói của mình đến với Quốc hội.

Kỳ họp có khối lượng công việc lớn, Quốc hội đã thông qua 07 Luật, 09 Nghị quyết, cho ý kiến lần 3 đối với 01 dự án Luật, cho ý kiến lần 2 đối với 01 dự án Luật, cho ý kiến lần đầu đối với 08 dự án Luật khác. Đây là một con số kỷ lục trong việc xây dựng luật và pháp lệnh của Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) là 02 dự án Luật đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng đến mọi mặt chính trị - kinh tế - xã hội của đất nước, an ninh tiền tệ và mọi mặt đời sống của người dân. Việc quyết định chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp lần này vì trong hai dự thảo Luật có nhiều điều, khoản còn có ý kiến khác nhau, chưa thiết kế được phương án tối ưu. Qua đó cho thấy Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng rất thận trọng trong công tác lập pháp, dành thêm thời gian để cơ quan trình, cơ quan thẩm tra xem xét, đánh giá tác động trên nhiều khía cạnh để đảm bảo Luật khi được Quốc hội thông qua đảm bảo khả thi và hoàn chỉnh nhất.

Kỳ họp thứ 6 diễn ra trong không khí sôi nổi, các ý kiến đóng góp cho các dự án luật, nghị quyết và những vấn đề quan trọng khác có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí những con số đăng ký phát biểu, tranh luận cũng rất kỷ lục.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4. Đại biểu Tú Anh nhận thấy, Phiên chất vấn được thực hiện dưới sự điều hành linh hoạt, sáng tạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chia thành 4 nhóm lĩnh vực: Kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành, Nội chính - Tư pháp và Văn hóa xã hội. Việc chia phiên chất vấn thành các nhóm lĩnh vực như vậy là một sự sáng tạo, những vấn đề được chất vấn mang tính liên tục, bổ sung thông tin lẫn nhau, mang đến hiệu quả cao cho phiên chất vấn.

“Những vấn đề đại biểu hỏi là đúng và trúng, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri; những vấn đề đang tồn tại, cấp bách của thực tiễn cuộc sống. Qua phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ, 03 Phó Thủ tướng, 21 Bộ trưởng/ Trưởng ngành đều đã trả lời chất vấn thẳng thắn vấn đề đặt ra, thực hiện lời hứa của Thủ tướng, các Phó Thủ tưởng, Bộ trưởng/Trưởng ngành trước cử tri và nhân dân cả nước. Sự tham gia của cơ quan truyền thông, báo chí cũng tạo nên thành công của kỳ họp, vừa sắp xếp hài hòa, hợp lý, vừa truyền tải ý kiến, thông điệp của đại biểu Quốc hội rất nhanh, mang tính thời sự”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nêu ấn tượng tại Phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=82854