Góc nhìn đại biểu: nông sản việt - cần sự định hướng của nhà nước

Tính đến hết năm 2018, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ hai Đông Nam Á và thứ 15 thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Một số nông sản khẳng định được vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nông sản Việt cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt và không ít nông sản có giá trị thấp…Với thị trường trong nước, điệp khúc 'được mùa, mất giá', cung vượt quá cầu vẫn luôn xảy ra.

Nông sản lâm vào khủng hoảng dư thừa

Đối với thị trường trong nước, nhiều năm gần đây, những cơn khủng hoảng dư thừa nông sản liên tục xảy ra ở hầu khắp các địa phương trong cả nước. Tại Bình Thuận, thanh long đã từng vứt cho trâu bò ăn. Tại Hà Nội, hàng tấn củ cải cũng bị người dân nhổ bỏ vứt đi vì giá xuống quá thấp. Bí đỏ, hành tím, dưa hấu, khoai lang, cà chua, chuối… cũng đều đã từng có những cuộc kêu gọi “giải cứu” của các tổ chức chính trị, xã hội.

Cả xã hội chung tay giải cứu nông sản

Cả xã hội chung tay giải cứu nông sản

Năm 2018, bức tranh xuất khẩu nông sản Việt Nam tiếp tục có nhiều mảng màu sáng tối đan xen. Giá trị nông sản xuất khẩu đã vượt mức 40 tỷ USD, đây được xem là kỉ lục mới của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế cường quốc về xuất khẩu Nông sản có mặt tại 180 quốc gia, chiếm 16,5% tổng giá trị xuất khẩu, và đứng thứ 15 thế giới. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu thành công vào các thị trường khó tính như: Thịt gà vào Nhật Bản, vú sữa vào Mỹ, chôm chôm vào New Zealand, chanh leo vào Liên minh châu Âu... cho thấy uy tín của nông sản Việt ngày càng được thế giới thừa nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có sản lượng xuất khẩu tăng tích cực nhưng giá trị tăng không tương xứng hay thậm chí giảm như cà phê tăng 19,9% về sản lượng nhưng giá trị chỉ tăng 1,1%; sản lượng hạt điều tăng 5,9% nhưng giá trị giảm 4,2%; hạt tiêu tăng 8,3% sản lượng nhưng giá trị giảm mạnh 32% và về dưới ngưỡng 1 tỷ USD.

Nguyên nhân giảm giá các sản phẩm cây công nghiệp là có hiện tượng dư cung trên thị trường quốc tế. Cụ thể, đối với cây cà phê, sau thời điểm giá cao trong giai đoạn 2010-2011, đã đẩy các nước thực hiện các chương trình tái canh cây cà phê. Đối với mặt hàng tiêu, thời điểm giá tiêu tăng dẫn đến tình trạng các nước mở rộng diện tích trồng tiêu, tăng cung một cách quá mạnh. Dẫn đến giá tiêu giảm mạnh. Điển hình như tại Việt Nam Tính đến tháng 12/2018, diện tích hồ tiêu đã đạt 152.000 ha, trong khi quy hoạch đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích trồng tiêu của cả nước chỉ ở mức 50.000 ha

Ngành nông sản cũng chịu không ít khó khăn khi các thị trường phát triển ngày càng chú trọng quản lý và siết chặt các quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm. Tính riêng trên thị trường châu Âu, năm 2017 ngành thực phẩm đã ghi nhận 90 trường hợp nông sản Việt Nam bị trả về. Hết tháng 8 năm 2018 cũng có 40 trường hợp bị trả về. Trong số đó, bài học đắt giá nhất là tấm “thẻ vàng” mà EU dành cho hải sản Việt Nam. Hệ quả là EU từ vị trí nhà tiêu thụ thủy sản số 1 năm 2017 xuống thứ 4 trong 6 tháng đầu năm 2018 và cho đến nay chúng ta vẫn chưa có cách nào “gỡ” thẻ. Với rau quả, Việt Nam mới chiếm được một thị phần rất nhỏ (khoảng 1%) lượng nhập khẩu rau quả của EU.

Ngoài những khó khăn cạnh tranh từ quá trình hội nhập, nông sản Việt còn đối diện với những thách thức nội tại. Trong khi phần lớn giá trị gia tăng nằm ở khâu chế biến thì chỉ có 10% được chế biến sâu, 90% vẫn xuất khẩu dưới dạng thô. Điển hình là có tới 90% cà phê Việt Nam là xuất khẩu thô; đối với hạt điều là mặt hàng chủ lực của Việt Nam với thị phần trên 60% tổng giá trị xuất khẩu nhân điều thế giới. Tuy nhiên, ngành điều Việt không thể chủ động về đầu vào khi có tới 70% nguyên liệu là nhập khẩu từ các quốc gia Châu Phi. Đặc biệt, nhiều nông sản được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, phải sử dụng thương hiệu nước ngoài, gây bất lợi không nhỏ đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Nông sản Việt cũng đối mặt với thách thức không nhỏ khi nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ, phân tán nên chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất hàng hóa quy mô lớn và tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế. Cùng với đó là sản xuất không theo nhu cầu thị trường, nông dân thấy sản phẩm nào có giá cao là đổ xô vào nuôi, trồng dẫn đến chuyện “được mùa mất giá”. Bên cạnh đó, nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước và tình hình cung cầu nông sản.

Thúc đẩy nông sản hội nhập

Mở cửa cho các mặt hàng nông sản Việt thời gian qua là sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính tri, các bộ ngành, địa phương và cả người dân. Bước đột phá kể từ 05/8/2008 khi Hội nghị Trung ương 7 Khóa X ban hành Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nghị quyết lịch sử đầu tiên của Đảng đề cập toàn diện đến cả 3 lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Sau khi Nghị quyết được ban hành, hệ thống chính sách khá đồng bộ để cụ thể hóa thực hiện các nhiệm vụ đề ra, trong đó có 31 Luật, 11 Nghị quyết của Quốc hội, 76 Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, 48 Quyết định của TTgCP liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân...). Theo đó đã có hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã và sắp có hiệu lực, một chợ lớn xuyên biên giới đang mở ra cho nông sản Việt.

Trong các buổi tiếp xúc cử tri hay trên nghị trường Quốc hội, vấn đề đầu ra cho mặt hàng nông sản để bà con yên tâm sản xuất cũng luôn được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.

Trên cương vị lãnh đạo quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng luôn đau đáu làm sao để các mặt hàng nông sản của Việt Nam đạt giá trị cao, đầu ra ổn định để nâng cao đời sống nhân dân. Mới đây, Bên lề Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140), tại Doha, Qatar, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Iran, Ali Ardeshir Larijani. Tại cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo Quốc hội mong muốn, hai bên đưa ra những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước, trong đó có vấn đề nông nghiệp. Đề nghị hai nước phối hợp, thúc đẩy việc xuất nhập khẩu hoa quả, hàng nông - thủy sản của Việt Nam và Iran; quan tâm đến việc hợp tác nông nghiệp xuyên biên giới.

Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân cùng đồng hành

Năm 2019 là năm mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao các chỉ tiêu về phát triển ngành nông nghiệp đều cao hơn năm 2018 như: tốc độ tăng trưởng GDP trên 3,0%, giá trị sản xuất trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu nông sản Việt Nam hướng tới không chỉ về số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đến chất lượng. Theo đó, hệ thống giải pháp phải mang tính tổng thể, từ việc thay đổi quy trình sản xuất nông nghiệp như dự báo thị trường, quy hoạch đến sản xuất, tiêu thụ. Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Phóng viên: Thưa đại biểu, từ nhiều năm nay, câu chuyện “được mùa mất giá” đối với mặt hàng nông sản lập đi lập lại và chưa có biện pháp hữu hiệu. Xuất khẩu nông sản cũng vẫn còn nhiều rào cản. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Xuân Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn: Việt Nam sau quá trình đổi mới, đặc biệt mốc năm 2018 thì sản xuất nông sản Việt Nam không những đáp ứng 100 triệu dân trong nước mà chúng ta còn tạo ra khối lượng sản phẩm xuất khẩu tới 40,2 tỷ USD, trong đó có 10 nhóm ngành hàng của nông nghiệp có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, năm 2019 và giai đoạn tới, nông sản sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức do nông nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn sản xuất nhỏ, phân tán; Nguy cơ từ tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, thị trường đầu ra cho nông sản sẽ gặp khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm và nhiều nước trên thế giới tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Đại biểu Đinh Duy Vượt: Không ít mặt hàng nông sản đang rất khó khăn

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Trong những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp có những tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa, mất giá”, mất mùa, mất giá liên tục xảy ra, không ít mặt hàng nông sản đang rất khó khăn. Những cây công nghiệp có giá trị cao như tiêu, cà phê, mía, cao su đua nhau rớt giá ở cả thị trường trong và ngoài nước. Nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần, thậm chí vay tín dụng đen. Trên thực tế, người dân phát triển cây trồng, vật nuôi ồ ạt. Khi được giá thì phát triển mạnh lên, mất giá thì lại chặt đi, không tăng gia sản xuất. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểuQuốc hội tỉnh Bạc Liêu: Sản phẩm nông sản của Việt Nam thời gian qua khá bấp bênh. Vấn đề là do tập quán canh tác. Người dân chạy theo số lượng, không quan tâm đến nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó chạy theo năng suất, không trú trọng đến chất lượng sản phẩm. Vì là kinh tế thị trường, tất cả do thị trường quyết định cho nên nếu như sản phẩm đáp ứng yêu cầu thì kể cả thị trường khó tính chúng ta cũng không lo. Nhưng nếu sản phẩm kém chất lượng thì ngay cả thị trường trong nước cũng không thể tiêu thụ được. Nông sản Việt Nam còn có hạn chế nữa là đầu tư một cách manh mún, chưa có sự liên kết, chưa có sự tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa cho nên sản phẩm bị thương lái ép giá.

Phóng viên: Theo đại biểu cần có những giải pháp như thế nào để nông sản Việt có thể đứng vững trên sân nhà và hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới?

Đại biểu Nguyễn Xuân Cường: Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và người dân cùng đồng hành trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế

Đại biểu Nguyễn Xuân Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn:Chúng ta tiếp tục tổ chức lại nền sản xuất dựa trên hộ nhỏ lẻ với 8,6 triệu hộ thành nền nông nghiệp tập trung hướng đến hàng hóa có quản trị. Bên cạnh đó tổ chức lại nền sản xuất nông nghiệp để thích ứng được với biến đổi khí hậu, một tác nhân đang gây hậu họa rất lớn đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất. Ngoài ra Việt Nam phải có giải pháp đồng bộ trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo đó, Chính phủ, doanh nghiệp, doanh nhân và cả người dân phải cùng đồng hành trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế.

Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai: Giải pháp quan trọng đối với cơ sở địa phương là làm thế nào thu hút được doanh nghiệp, hợp tác xã để làm bà đỡ dẫn dắt sản xuất, tức là sản xuất sạch, sản phẩm sạch cho đến chuỗi giá trị sau thu hoạch và xuất khẩu. Đẩy mạnh chế biến sâu, tránh tình trạng xuất thô vì giá trị càng cao trong chuỗi sản phẩm thì giá trị càng được nâng cao. Đối với các cơ quan Trung ương, đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu để các mặt hàng này sang được nhiều thị trường, nhiều nước. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục khoanh nợ, giãn nợ và cho vay phát triển sản xuất.

Đại biểu Tạ Văn Hạ: Vai trò dự báo của nhà nước là rất quan trong

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểuQuốc hội tỉnh Bạc Liêu: Trước hết phải nâng cao nhận thức, người dân phải nhận thức được mình sản xuất ra phải đảm bảo chất lượng, chất lượng đó, sản phẩm đó phải an toàn, phải đảm bảo thì mới tiêu thụ được và phải coi thị trường trong nước là thị trường lớn để tiêu thụ tại chỗ. Nếu thị trường trong nước không tiêu thụ được thì cũng sẽ không thể ra thị trường nước ngoài được. Tăng cường chuyển giao khoa học công nghệ để người dân có điều kiện tiếp cận với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường hỗ trợ vốn để người dân, doanh nghiệp có điều kiện đầu tư sản xuất sản phẩm sạch, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất.

Ngoài ra, vai trò dự báo của nhà nước, định hướng của Nhà nước là rất quan trong, hướng người dân tiếp cận với thông tin trong nước và quốc tế về nhu cầu của sản phẩm.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

Lê Phương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=40290